Dân Việt

Tiếc nuối một Mẫu Sơn trăm năm sương giăng tuyết phủ

Hoàng Lợi 25/10/2019 16:47 GMT+7
Tiếc cho một vùng đất nhiều lợi thế như Mẫu Sơn, dù có xuất phát điểm không hề “thua chị kém em” nhưng đã ngủ quên quá lâu trong sương giăng tuyết phủ và rêu phong của thời gian.

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo….

Từ trung tâm TP.Lạng Sơn, đi theo Quốc lộ 4B hướng Cao Lộc – Đình Lập – Tiên Yên rồi rẽ trái vào đường lên Mẫu Sơn. Quãng đường chỉ 13 km nhưng khá dốc và hẹp, với nhiều khúc cua hiểm trở. Đôi khi 2 xe đi ngược chiều là phải dừng lại tránh nhau vì đường quá bé. Cung đường như muốn thử sức những tay lái lụa với một bên là núi cao, bên kia là vực sâu. Bù lại cho cái cảm giác run run khi đi trên cung đường hiểm trở, cheo leo là cảm giác phấn khích, choáng ngợp trước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ.

img

Mẫu Sơn mùa này đang độ chính thu. Trời vốn đã mát lại càng thêm dễ chịu, bởi ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, nhiệt độ Mẫu Sơn thường thấp hơn dưới chân núi chừng 8 – 10 độ C. Đêm về, không khí se lạnh càng khiến cả người dân lẫn du khách phải khoác lên mình những tấm áo khoác mỏng. Cái se lạnh như làm cho cảnh sắc nơi đây thêm mơ màng, lãng mạn hơn. Con người cũng như muốn sát gần nhau hơn, bên những quán cóc ven đường, hít hà hơi trà nóng hay ăn những củ khoai, bắp ngô nướng thơm lừng trên những bếp than hồng.

Cũng như Tam Đảo hay Sapa, Mẫu Sơn hẳn là điểm dừng chân lý tưởng cho những cặp đôi tìm đến để trải nghiệm sự yên bình của vùng sơn cước. Những biệt thự Pháp cổ, những căn nhà 7 gian, nhà 9 gian, hầm rượu Mẫu Sơn Đỉnh…cái còn, cái sập nhưng tất cả đều phủ lên mình những rêu phong và thăng trầm thời gian.

img

Hồ hởi dẫn tôi đi thăm thú Mẫu Sơn, anh Nguyễn Minh Chuyển, cán bộ quản lý khu du lịch Mẫu Sơn không giấu được niềm tự hào. Anh chia sẻ rằng, trước đây, chỉ những “quan Pháp” mới được lên nghỉ dưỡng tại biệt thự Mẫu Sơn, còn lại lính tráng thì chỉ dựng lều dựng trại nghỉ dưới chân núi. Đường lên núi bị rào lại, không phải ai muốn cũng được lên Mẫu Sơn.

“Đường xá khi xưa thì chỉ có đường đất, đường rừng. Ngựa chở lên núi chắc cũng phải mất cả ngày. Có lẽ vì thế mà Mẫu Sơn vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ đến tận ngày nay”, anh Chuyển kể.

Nhưng Mẫu Sơn dù đẹp đến mấy cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu như không được ai biết đến. 9 tháng đầu năm nay, Mẫu Sơn chỉ đón được khoảng 172.700 lượt khách, quá ít ỏi nếu so với các địa danh du lịch khác trên cả nước.

“Hiện Mẫu Sơn chỉ có thể đáp ứng điều kiện ăn, nghỉ cho khoảng 100 khách, phải chia ra các cơ sở lưu trú khác nhau chứ không đáp ứng cùng lúc được”, anh Chuyển ngậm ngùi trước thực trạng của ngành du lịch nơi đây.

Thời điểm tôi đến Mẫu Sơn là vào cuối tuần, nhưng cũng chỉ có thưa thớt vài ba khách đi thăm thú chụp ảnh. Một vài tốp khách đi ô tô thì chụp ảnh xong xuống núi luôn. Những người bán hàng ở Mẫu Sơn cho biết, khách chỉ lên Mẫu Sơn đông vào dịp lễ hội, đợt trời rét có băng tuyết, hoặc mùa hè nắng nóng muốn thưởng ngoạn khí hậu ôn đới. Thời gian khách lưu trú tại Mẫu Sơn cũng mỗi ngày một ít đi, bởi chả có gì chơi ngoài việc chụp ảnh rồi xuống núi.

Là người đã có 20 năm sống gắn bó với mảnh đất này, ông Hoàng Văn Tạ chia sẻ, cơ sở vật chất bây giờ đã xuống cấp nặng nề. Một số biệt thự được khai thác làm nhà nghỉ cho khách du lịch cũng rơi vào cảnh dột nát, ẩm thấp do điều kiện thời tiết ẩm ướt.

img

Ai sẽ đánh thức “nàng công chúa ngủ đông”?

Đã từ lâu nghe thông tin tỉnh Lạng Sơn sẽ xúc tiến đầu tư vào du lịch Mẫu Sơn, ông Tạ cũng như các hộ dân khác nơi đây không khỏi vui mừng, nhưng năm này qua năm khác vẫn chẳng thấy bóng dáng nhà đầu tư ở đâu. “Chúng tôi mong lắm. Mong có các nhà đầu tư vào đây làm thay đổi bộ mặt Mẫu Sơn. Chứ để như giờ phí quá. Mới đây, tôi nghe thông tin Tập đoàn Sun Group đầu tư vào đây thì rất tin tưởng Tập đoàn này sẽ làm được, vì họ đã làm thành công ở Sapa, Đà Nẵng rồi”, người đàn ông dân tộc Tày trải lòng.

Với độ cao từ 1.200 – 1.500m so với mực nước biển, Mẫu Sơn là xứ sở của gió, mây và sương mù bao phủ. Hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp tạo nên một Mẫu Sơn kỳ thú như cảnh tiên chốn trần gian. Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện và khai thác nơi đây như một điểm nghỉ dưỡng lý tưởng sánh ngang với Sapa ở Tây Bắc, Bà Nà ở miền Trung và Đà Lạt ở Tây Nguyên.

img

Thế nhưng so sánh về quy mô, tầm vóc cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng thì có lẽ Mẫu Sơn phải vắt chân lên cổ để chạy đuổi kịp những thiên đường nghỉ dưỡng kia. Thật tiếc cho một vùng đất nhiều lợi thế như Mẫu Sơn, dù có xuất phát điểm không hề “thua chị kém em” nhưng đã ngủ quên quá lâu trong sương giăng tuyết phủ và rêu phong của thời gian.

Trên đường xuống núi, tôi cứ nghĩ mãi. Giá như các nhà đầu tư lớn có mặt sớm hơn tại nơi này. Giá như những khu nghỉ mát dã ngoại Chân Mây, núi Phặt Chỉ, trang trại cá hồi, làng dân tộc Dao… được kết nối với nhau để thành tuyến du lịch phục vụ du khách.

…Thì có lẽ Mẫu Sơn đã không phải ngủ yên lâu đến thế.

Ngày 30/9/2019, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao chứng nhận đầu tư cho 25 nhà đầu tư với 37 dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh. Trong đó, Tập đoàn Sun Group đã được trao giấy chứng nhận đầu tư quần thể Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn. Tại quần thể này, Sun Group sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ hoạt động nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái mang bản sắc vùng núi phía Bắc, dự kiến đáp ứng nhu cầu khoảng 1 triệu khách/năm.