Triển khai nhiều dự án quy mô lớn
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG), năm 2019 có 77 dự án khuyến nông T.Ư, trong đó TTKNQG được Bộ NNPTNT giao chủ trì và quản lý 37 dự án, với kinh phí hơn 86 tỷ đồng, nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên 45,6 tỷ đồng.
Trong đó, ở mảng trồng trọt, từ đầu năm đến nay TTKNQG đã triển khai 8 dự án về sản xuất lúa, bao gồm sản xuất hạt giống lúa lai F1, sản xuất lúa chất lượng, áp dụng cơ giới hóa. Đây cũng là những dự án có quy mô, diện tích sản xuất lớn nhất, như 2 dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1, quy mô 435ha tại Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Nam; dự án liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc, quy mô 120ha, năng suất bình quân 5,4 tấn/ha.
Mô hình trồng bạch đàn giống mới tại xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, Yên Bái. Ảnh: M.H
"Khuyến nông hiện nay không chỉ là kỹ thuật mà là "bác sĩ đa khoa", người kết nối, trung tâm kết nối công nghệ thì mới giải quyết được những vấn đề còn tồn tại của khuyến nông, cũng như ngành nông nghiệp hiện nay, trong đó có công nghệ, cung - cầu, năng lực… Vấn đề đặt ra với khuyến nông chính là yêu cầu phải thay đổi trong chính nội tại của mình". Ông Lê Quốc Thanh |
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, năm 2019, TTKNQG triển khai 19 dự án, với tổng kinh phí 34,8 tỷ đồng; 11 dự án, kinh phí 20,55 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Tin – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NNPTNT) cho biết: Vai trò của hoạt động khuyến nông trong những năm qua không chỉ đơn thuần đóng góp cho ngành nông nghiệp mà còn góp phần nâng cao giá trị tinh thần, văn hoá cho người nông dân, đặc biệt là với bà con ở vùng sâu, xa. Do đó, việc duy trì và phát triển hệ thống này là vô cùng cần thiết.
“Ngoài vai trò chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là chính, bây giờ khuyến nông cũng phải thay đổi hình thức, tạo sản phẩm cụ thể, gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu, tổ chức các hình thức sản xuất mới cho nông dân, đặc biệt là chú trọng kết nối tiêu thụ nông sản...” - ông Tin khẳng định.
Tìm hướng đổi mới hoạt động
Theo đánh giá của TTKNQG, ngân sách T.Ư đầu tư cho hoạt động khuyến nông tại các tỉnh miền Bắc tương đối cao so với trung bình cả nước, tuy nhiên còn thấp so với nhu cầu và không đồng đều. Kinh phí khuyến nông vẫn chủ yếu tập trung cho xây dựng mô hình (chiếm trên 80% tổng kinh phí). Đáng chú ý là kinh phí đầu tư cho khuyến nông qua nhiều năm không tăng, do vậy hoạt động cũng bị hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG cho biết: "Năm nay hoạt động khuyến nông gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết, thị trường, nhất là dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân đang chăn nuôi. Mặt khác, đến nay các cơ quan có liên quan vẫn chưa ban hành được thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí khuyến nông theo Nghị định 83/2018, do vậy quá trình lập dự toán và triển khai còn lúng túng, vướng mắc”.
Ông Ninh Anh Vũ - Giám đốc TTKN và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết: “Tên gọi trước đây của chúng tôi là TTKN, chỉ riêng việc “thay tên đổi họ”, đã kéo theo sự thay đổi nhiều về ổn định tổ chức, nhiệm vụ hoạt động, hành chính kế toán, rất phức tạp. Tôi đồng tình với việc giữ thương hiệu khuyến nông, vì người dân vẫn tin tưởng vào đội ngũ cán bộ khuyến nông trong việc tư vấn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới, tham mưu với các cấp nâng cao đời sống nông dân thông qua các bài học về sinh kế. Thực tế cho thấy qua các hoạt động xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền..., nông dân đã nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập”.
Còn bà Hoàng Thị Thu Hiền - Giám đốc TTKN Sơn La băn khoăn, lo lắng khi từ năm 2018, tỉnh Sơn La đã có chủ trương sáp nhập một số đơn vị như Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản, Chi cục Phát triển nông thôn thành 2 phòng thuộc Sở NNPTNT, còn TTKN và Trung tâm Giống sáp nhập làm một đơn vị để phù hợp với các đơn đặt hàng giai đoạn mới. Hiện, ở cấp huyện đều đã chuyển đổi sang trung tâm dịch vụ, khiến vai trò của khuyến nông viên, nhất là khuyến nông thôn bản bị ảnh hưởng, nông dân cũng bị thiệt thòi theo. Đặc thù Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, đời sống nông dân còn khó khăn nên không phải ai cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê dịch vụ tư vấn.
“Thu nhập của khuyến nông viên rất thấp, trung bình chỉ 2-3 triệu đồng/người/tháng, nhưng vì yêu nghề, thương nông dân nên anh em vẫn cố gắng lặn lội đến các vùng sâu, xa, biên giới để hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, xây dựng mô hình… Do đó, tôi cho rằng các tỉnh nên xem xét tuỳ vào điều kiện thực tế để sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy phù hợp, đặc biệt là đối với những tỉnh dân tộc miền núi, biên giới như Sơn La” - bà Hiền nói.
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Lê Quốc Thanh cho biết: "Hiện cả nước có khoảng trên 30.000 người làm khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông. Hệ thống khuyến nông đã được hoàn thiện từ T.Ư, tỉnh đến thôn bản, khẳng định vị trí, vai trò trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay có một số địa phương đang tổ chức lại, sáp nhập với một số đơn vị khác thuộc ngành nông nghiệp, khiến một số nơi bị lúng túng trong hoạt động. Nhưng nếu chúng ta chứng minh được sự cần thiết, không thể thay thế được của tổ chức khuyến nông thì sẽ không ai nghĩ đến tách - nhập, xoá bỏ mà luôn làm thế nào để tăng cường năng lực cho đội ngũ khuyến nông".