Dân Việt

Trẻ bị tai nạn tại trường, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Tạ Nguyệt (thực hiện) 26/10/2019 06:15 GMT+7
Mỗi năm có hàng trăm nghìn vụ tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có hàng nghìn vụ xảy ra trong chính các trường học. Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Cục phó Cục Trẻ em cho rằng cần phải tăng cường giám sát, phát hiện nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em cả trong và ngoài trường học.

Vụ học sinh lớp 2 bị điện giật chết tại Trường Tiểu học xã Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội) lại lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn trường học. Ông nhận định thế nào về hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại trường học trong thời gian gần đây?

-  Bộ GDĐT đã ban hành nhiều công văn liên quan tới việc chấn chỉnh an toàn trong trường học. Các công văn này đã được hướng dẫn thực hiện cụ thể như: Kê bàn ghế như thế nào, xử lý trơn trượt khu vui chơi ra sao… Ngoài ra còn có quy định chung của quốc gia là chương trình phòng chống tai nạn thương tích của trẻ em gồm có: Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn. Tuy nhiên đúng là câu chuyện tai nạn thương tích vẫn xảy ra, tai nạn đuối nước mỗi năm cướp đi hơn 2.000 em/năm, tai nạn giao thông hơn 1.000 em/năm, chó cắn, ngộ độc... xảy ra liên tục. Trong trường học cũng vậy, tai nạn thương tích xảy ra rất nhiều như: Đuối nước, điện giật, ngã cầu thang, hóc dị vật, bỏng… thậm chí bị tường đổ đè vào người.

img

Người thân đau sót bên thi thể học sinh bị tử vong vì điện giật ở Hà Nội. (ảnh: internet)

Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc đau lòng này ?

- Có khá nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nguyên nhân chính theo tôi là do sự thiếu sự quan tâm của các thầy cô. Mặc dù đã có những quy định cụ thể nhưng các trường không chấp hành nghiêm túc các quy định này. Ví dụ nhiều trường cầu thang không được căng lưới chắn, ổ điện không được bọc, bể chứa nước không có nắp đậy… Sự không chấp hành này có thể đến từ sự vô ý thức, vô kỷ luật, nhưng cũng có khi đến từ sự khó khăn vì tài chính. Tại một số vùng quê nghèo, các trường không có tài chính để cải thiện cơ sở hạ tầng, địa phương cũng không quan tâm kêu gọi nguồn xã hội hóa. Chính bởi vậy mới dẫn tới những tai nạn thương tích đau lòng, những cái chết tức tưởi của trẻ em.

Vậy khi xảy ra những tai nạn thương tích, gây tử vong thì ai phải là người chịu trách nhiệm, thưa ông ?

- Khi tai nạn thương tích xảy ra trong trường học thì đương nhiên người chịu trách nhiệm cao nhất chính là hiệu trưởng, tiếp theo là cô giáo chủ nhiệm. Tiếp đến là những người chịu trách nhiệm liên đới để dẫn tới tai nạn thương tích ở học sinh thậm chí là cả chính quyền địa phương nơi quản lý.

Mặc dù vậy, từ lâu việc quy trách nhiệm này cũng chưa được thực hiện tốt. Nhiều nơi, nhiều người vẫn né tránh trách nhiệm.

Có ý kiến cho rằng cần lập Ủy ban an toàn trường học để giám sát an toàn cho học sinh. Ông ý kiến thế nào về điều này?

-Tôi cho rằng điều đó chỉ là lý thuyết và không cần thiết. Thực tế các thầy cô trong trường đã rất vất vả rồi. Không nên lập thêm các hội đồng, ủy ban vì tất cả chỉ làm tốn thêm tiền của, thời gian. Điều quan trọng từng cá nhân, từ hiệu trưởng tới cán bộ giáo viên phải thực hiện nghiêm các quy định nhằm phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Bên cạnh đó phải thường xuyên giám sát, nhắc nhở, phát hiện chấn chỉnh những hành vi có thể gây mất an toàn, tai nạn thương tích cho học sinh trong nhà trường.

Đặc biệt, theo tôi cần tăng cường huấn luyện cho các thầy cô giáo và những người làm công tác giáo dục về các biện pháp để sơ cấp cứu trẻ. Có kiến thức sơ cấp cứu cơ bản, giáo viên có thể cứu sống học sinh nếu các em bị: Hóc, bỏng, sặc, đuối nước…