Dẫn PV Dân Việt ra phía sau nhà, ông Nguyễn Ngọc Quý (tổ trưởng tổ 2, thị trấn Chợ Mới, Bắc Kạn) chỉ cho PV vị trí mà dòng sông Cầu đã “gặm đất” đến gần sát khu vực nhà dân. Tại khu vực này có 23 hộ thì có 20 đang có nguy cơ mất an toàn cao khi lượng đất đá bị sạt trượt đang gia tăng theo mỗi trận mưa.
Ông Quý cho biết, ngày trước bờ sông cũ cách mép sông bây giờ những 13 - 15m, giờ thì gần lắm rồi, sắp đến chân nhà rồi. Cứ mỗi đợt mưa lớn, nước lại xoáy sâu tạo hàm ếch dẫn đến sụt đất rồi cuốn trôi đi. Người dân ở khu vực này luôn phải sống trong cảnh hoang mang, lo sợ mỗi khi lũ về.
Những ngôi nhà dọc khu tổ 2 này hiện đang có nguy cơ mất an toàn rất cao.
Khu vực sau nhà văn hóa trước đây là vườn tược, giờ đã thành sông.
“Chúng tôi đã báo chính quyền địa phương, tiếp xúc cử tri, đoàn đại biểu Quốc hội… lần nào chúng tôi cũng kiến nghị mà vẫn chưa thấy được khắc phục. Vườn của nhiều hộ dân đã bị con sông này 'nuốt' mất từ lâu rồi, giờ thì sắp đến nhà, chỉ mong sao có được cái kè chắn lũ thôi. Người dân ở đây sẵn sàng hiến đất xây kè, phá bỏ các công trình của gia đình để tạo điều kiện tối đa cho xây dựng kè chống lũ”, ông Quý nói.
Nước sông đã cuốn trôi một bình biogas và phá hỏng một bình khác của gia đình ông Nguyễn Ngọc Quý.
Đất đã lở rất gần, chỉ còn cách khoảng 4 m là đến nhà của ông Quý.
"Nhà tôi nuôi 50 con lợn nái, có làm 2 bể biogas vậy nhưng nước đã phá tan cả rồi, chưa biết khi nào thì đến đàn lợn và nhà nữa. Mùa mưa đến, nhiều lúc còn phải mở mắt mà ngủ ấy chứ. Trước cũng thấy có đơn vị đến khoan thăm dò, đã 4 năm rồi mà chưa thấy xây dựng gì. Các đoàn của tỉnh, huyện cũng đến đo đạc nhiều mà chưa có tiến triển. Người dân mong ngóng lắm, chứ cứ thế này không có tâm trí đâu mà làm ăn", ông Quý cho biết thêm.
Để khẳng định những điều mình vừa nói, ông Quý dẫn PV xuống tận mép sông, nơi mà theo ông Quý, chỉ mới mấy trận lũ vừa qua đã ăn sâu vào gần 2m đất. Ghi nhận của PV, phía nhà bà Tống Thị Hoa sát với nhà văn hóa của tổ đang tiếp tục có dấu hiệu sạt trượt và có thể lở bất kỳ lúc nào.
Dù đã nỗ lực kè chắn nhưng con nước vẫn phá tan và xoáy lở sâu vào phía khu vực nhà dân.
"Dưới nhà bà Thoa trước kia có một búi cây nghẹ rất to nhưng giờ đã bị nước cuốn trôi đi mất. May gần nhà bà Thoa còn có một ghềnh đá cản nước chứ không chắc giờ không còn nhà nữa đâu", ông Trương Cao Cường (trú tại tổ 2), khẳng định.
Theo người dân, xảy ra tình trạng này là do kiểm lâm không bảo vệ được rừng. Ngoải ra còn do dòng chảy bị thay đổi, bởi trước kia khi làm đường, đơn vị thi công đã chở đất đổ xuống sông, nhiều hộ dân múc đồi làm nhà cũng tiện thể đổ xuống.
Nước lũ làm lở đất, những ngôi nhà này giờ chênh vênh ngay bên bờ sông Cầu, rất mất an toàn.
Trước nguy cơ mất an toàn của người dân trong mùa mưa lũ cùng những kiến nghị của bà con, UBND huyện Chợ Mới đã có báo cáo số 441/BC-UBND ngày 24/10, báo cáo về tình hình thiên tai tại khu dân cư tổ 2, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cùng các cơ quan liên quan trong huyện.
Theo báo cáo, hằng năm mưa lũ đã gây sạt lở tại các tổ 1, 2, 3 và tổ 6 khiến người dân mất đất canh tác khu vực dân cư đang sinh sống; tháng 7 tháng 8 vừa qua, lũ lớn đã làm sạt lở tại tổ 2 với chiều dài hơn 200m, cao 3m chiều rộng từ bờ sông vào sát đất người dân khoảng 15m.
Báo cáo của UBND huyện Chợ Mới nhấn mạnh, Khu vực này sẽ tiếp tục có nguy cơ sạt lở cao, vào sâu tiếp và đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 20 hộ dân trong tổng số 23 hộ đang sinh sống tại khu vực này, nhiều hôm mưa lũ to người dân đã phải sơ tán. Chính vì thực trạng trên, việc xây kè chống sạt lở và bảo vệ khu dân cư là cần thiết và cấp bách.