Dân Việt

Vàng đen titan - một thời vàng son và những nỗi ám ảnh để lại

Dũ Tuấn 26/10/2019 10:00 GMT+7
Cơn lốc titan đi qua cuốn theo tài nguyên và mang về lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, nhưng đã để lại hậu quả nặng nề nơi miền quê vùng cát cháy.

LTS: Thời vàng son, những đồi cát, cánh rừng già cỗi có nhiệm vụ chắn gió, giữ nước ở vùng ven biển thuộc huyện Phù Mỹ, Phù Cát (tỉnh Bình Định) là “chiếc bánh ngọt” thu hút hàng hàng chục doanh nghiệp lớn, nhỏ trên cả nước kéo về đào bới khai thác titan (vàng đen) bởi nguồn lợi khủng. 

Việc cấp phép tràn lan đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác ồ ạt, khiến người dân thời điểm ấy phản đối dữ dội, thậm chí có những cuộc biểu tình gây mất an ninh trật tự. Sau gần 10 năm, khi nhắc đến titan, họ vẫn còn ám ảnh dai dẳng.

Kỳ 1: Một xã “cõng” 16 mỏ khai thác titan

Cơn lốc titan đi qua cuốn theo tài nguyên và mang về lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, nhưng đã để lại hậu quả nặng nề nơi miền quê vùng cát cháy.

Cuộc chiến giành sự sống

Cuối tháng 10/2019, chúng tôi tìm về  xã ven biển Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), địa danh này từng là vùng đất trù phú, đại công trường của 16 doanh nghiệp kéo về đóng đô khai thác titan, nhưng giờ đây trở nên hiu quạnh, vắng vẻ. 

Vùng đất ở miền quê Phù Mỹ không còn cảnh người dân tụ tập ồn ào, ăn ngủ tại rừng dương để ngăn cản doanh nghiệp như nhiều năm về trước, tuy nhiên khi nhắc đến titan, ai cũng ngao ngán.

Đã gần 10 năm trôi qua, Trưởng Ban công tác Mặt trận làng Mỹ Lợi 1 (xã Mỹ Thành) Lê Văn Khá vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên doanh nghiệp Ánh Vy cầm giấy phép khai thác titan do Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) cấp, hiên ngang đặt chân về làng để đặt máy đào bới, thu lợi nhuận. 

img

Thời điểm các doanh nghiệp được cấp phép khai thác titan rầm rộ (năm 2008-2012) khiến người dân huyện Phù Mỹ phản ứng dữ dội vì ô nhiễm. Ảnh: Tư liệu

“Năm 2009, Công ty Ánh Vy là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép về khai thác titan ở làng Mỹ Lợi 1. Họ đưa phương tiện, máy móc đào bới phá rừng thì rất đông người dân kéo đến yêu cầu dừng hoạt động, không cho mang vàng đen ra khỏi làng. Ngay sau đó, người dân tập hợp lại ở quy mô lớn phản đối việc khai thác titan tràn lan. Họ dựng lều, ăn ngủ tại rừng dương. Lực lượng công an, cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện, xã được huy động về đây để tuyên truyền, vận động. Thời điểm doanh nghiệp kéo về Phù Mỹ quá đông thì việc phản đối cứ thế lan sang các xã lân cận”, ông Khá nhớ lại.

Ông Khá nói tiếp, nguyên nhân khiến người dân phản đối là do doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép ồ ạt, trong khi đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân địa phương lại không được tham gia đóng góp ý kiến, chỉ biết cam chịu, khi “tức nước vỡ bờ”… thì chuyện “đụng độ” bất ngờ xảy ra. 

“Việc cấp phép khai thác, chính quyền không họp thông báo cho dân biết dân bàn nên khiến họ phản ứng dữ dội. Trong khi chưa đồng thuận nhưng chính quyền cho doanh nghiệp làm thì dân ở đây bức xúc là điều dễ hiểu, ai mà chịu được bụi bặm, ô nhiễm. Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều diện tích khai thác titan được san lấp, trồng cây xanh nên lượng cát bay hạn chế. Doanh nghiệp cũng biết sống tôn trọng dân, đóng góp an sinh xã hội nên giờ đây mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp mới bớt mâu thuẫn”, ông Khá nói.

Nhắc đến câu chuyện titan, ông Dương Đức Xứng (67 tuổi) thở dài nói: “Hậu quả của việc khai thác titan đã quá rõ. Làng quê đang yên bình bỗng chốc hàng chục doanh nghiệp kéo đến đào bới, mang đi tài nguyên. Dấu ấn để lại chỉ là đường giao thông hư hỏng, bụi bặm khiến nhà dân phải đóng cửa liên miên, rừng dương có nhiệm vụ giữ nước ngọt cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong làng bị tàn phá nên thời kỳ khai thác titan rầm rộ thì các giếng nước trở nên khô cằn, sử dụng không được”.

Theo ông Xứng, những hậu quả nghiêm trọng từ việc khai thác titan đã khiến lòng dân bức bối, thậm chí nhiều người còn có hành động phản ứng dữ dội, chống đối quyết liệt. Mỗi lần đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cấp tỉnh, huyện về tiếp xúc cử tri tại địa phương thì có rất đông người dân “vây kín”, đòi dừng khai thác titan vì quá khổ sở. 

“Họ phản ứng dữ dội vì rừng mất, rồi bụi bặm ô nhiễm, các hố titan không được san lấp mùa mưa đến nước đọng khiến nhiều trẻ em phải chết oan. Giờ thì việc khai thác titan đã vắng bóng, những đồi cát được phủ cây xanh nhưng nhiều hộ dân ở xã này lại đang đối mặt với nạn nuôi tôm tự phát, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, rất mệt mỏi”, ông Xứng than vãn.

img

Những hố sâu do khai thác titan từng gây ra cái chết cho nhiều trẻ em làng ven biển Phù Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Vơ vét titan 

Những năm trước đây, vàng đen titan đã khiến cho tỉnh Bình Định trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thế nhưng cũng chính titan là cái tên đã biến vùng đất này trở thành “điểm nóng” của cả nước bởi nạn khai thác ồ ạt, môi trường bị tàn phá, nguồn nước ngầm cạn kiệt, bệnh tật do ô nhiễm gieo rắc chết chóc khắp các làng quê ven biển. 

Khi hàng chục doanh nghiệp kéo về đặt máy móc, xây dựng trụ sở vươn mình với mục đích khai thác, vơ vét tài nguyên thì cũng là lúc hàng trăm ha rừng dương ven biển đổ gục xuống, bị triệt hạ hoàn toàn. 

Được Nhà nước cấp phép, khi có giấy thông hành trong tay doanh nghiệp khoanh vùng khai thác khiến rừng dương biến mất, người dân lo lắng nhưng chỉ biết phản ứng trong bất lực, tuyệt vọng. 

Theo phản ánh của bà con trong làng, nếu doanh nghiệp làm ăn được thì đối xử tử tế, còn việc khai thác không như ý nguyện thì họ “bỏ của chạy lấy người”, để lại hầm hố khắp nơi. Đã có nhiều trường hợp chết người ở vùng này mà thủ phạm chủ yếu là bệnh phổi và do rơi xuống hố sâu từ các mỏ khai thác titan chưa hoàn thổ.

Vào thời điểm ấy, những hố titan sau khai thác không hoàn lấp tạo nhiều hố sâu và núi cát cao, trở thành những cái bẫy nguy hiểm, ám ảnh người dân, nhất là trẻ em vào mùa mưa lũ.

Nạn nhân đau đớn nhất có lẽ là gia đình ông Võ Văn Trung (xã Mỹ Thành), tháng 1/2013 đứa con trai của ông cùng nhiều đứa trẻ khác đi chơi ngoài rừng nhưng chẳng may rớt xuống hố nước sâu do khai thác titan để lại (không rào chắn, không biển báo) rồi bị đuối nước. Ngay sau sự cố, doanh nghiệp né tránh, gia đình ông đâm đơn kiện tụng, phải vất vả lắm mới nhận được chút đỉnh tiền bồi thường để xoa dịu nỗi đau mất con.

“Thời điểm còn khai thác titan rầm rộ, khi có gió lớn thì khu dân cư lãnh đủ bụi bẩn, mỗi điểm khai thác titan giống hệt như lò vôi đốt khói, trong khi đó tại xã Mỹ Thành hơn 10 lò như thế thì người dân làm sao chịu thấu. Giờ thì họ đã trồng dương, doanh nghiệp rời đi nên cuộc sống đang dần trở về yên bình, chúng tôi quá sợ hãi với 2 chữ titan rồi”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Đặng Văn Hợp cố gắng bấm tay nhẩm tính nhưng dường như không thể nhớ hết tên các doanh nghiệp được Bộ TNMT, UBND tỉnh Bình Định cấp phép về địa phương khai thác titan.

img

Thời vàng son, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) có đến 16 doanh nghiệp về đây đặt máy rút ruột titan. Ảnh: Tư liệu

“Đã có 16 doanh nghiệp được cấp phép về xã khai thác titan nhưng đến nay chỉ còn 2 doanh nghiệp hoạt động khai thác là Công ty CP Khoáng sản Biotan và Công ty TNHH TM Ánh Vy (giấy phép do Bộ TNMT cấp), các doanh nghiệp còn lại đã hết phép hoặc đóng cửa mỏ, rời khỏi địa phương. Công bằng mà nói thời điểm cao trào, việc khai thác titan đã giải quyết lao động địa phương, nhưng hậu quả để lại khi khai thác ồ ạt, bụi bặm ô nhiễm, hầm hố gây chết người đã khiến người dân phản ứng”, ông Hợp nói.

Ông Hợp thừa nhận, trước đây cũng có tình trạng doanh nghiệp chây ì, không chịu thực hiện cam kết hoàn thổ, trồng rừng, nhưng chính quyền liên tục kiểm tra, đôn đốc nên họ cũng chấp nhận. Hiện, việc hoàn thổ sau khai thác trên địa bàn đã đạt khoảng 80% so với kế hoạch. 

Bài học lớn từ titan

Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Đặng Văn Hợp nhấn mạnh: “Sau thời kỳ khai thác rầm rộ thì 2 năm nay tình hình an ninh trật tự tại địa phương đã ổn định. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động thì chúng tôi luôn giám sát để tránh những sự cố đáng tiếc như trước đây. Đến lúc này, không còn việc khai thác titan rầm rộ cũng như việc người dân phản đối quyết liệt nữa, nhưng chính quyền đã nhìn nhận được bài học quý giá về công tác dân vận, mọi việc phải tạo sự đồng thuận trong người dân. Đặc biệt, những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của dân thì phải được sự đồng ý, hợp với lòng dân thì mới triển khai thực hiện”.

(Còn nữa)