Dân Việt

Nỗi ám ảnh vàng đen titan: Bộ cho DN khai thác, dân lắc đầu (kỳ 2)

Dũ Tuấn 26/10/2019 14:00 GMT+7
Việc ký giấy cấp phép khai thác titan tràn lan từ Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Bình Định trước đây đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc tại “thủ phủ” titan Phù Mỹ. Những trận xung đột, đụng độ giữa dân với doanh nghiệp, dân với chính quyền… diễn ra liên tục, trong đó có yếu tố xuất phát từ ám ảnh hậu quả titan.

Xung đột 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Phụ Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Đạt buồn bã cho biết: “Không rõ các doanh nghiệp trước đây khai thác để lại hậu quả thế nào nhưng công ty chúng tôi được cấp phép 9 năm nay vẫn chưa thể thực hiện được. Dự án không dính dáng đến ai cả và thực tế chúng tôi chưa khai thác nhưng cứ họp dân là họ ngăn cản, phản đối đến mức dữ dội”. 

Theo ông Sơn, Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Đạt nhận được giấy phép khai thác titan vào năm 2011 và được Bộ Tài nguyên - Môi trường cho phép hoạt động tại xã Mỹ An với diện tích trên 100ha, thời gian khai thác là 14 năm kể từ ngày ký (hết hạn 2024). Thế nhưng, từ ngay thời điểm cấp phép đến nay việc khai thác titan gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ người dân địa phương nên đành chấp nhận giậm chân tại chỗ.

Thời điểm xung đột gay gắt nhất, cách đây 2 năm lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định phải đưa ra ý kiến bằng văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Đạt tạm dừng việc khai thác titan vì bị người dân ngăn cản. 

Doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền tổ chức họp dân, thông báo cụ thể cho người dân biết nội dung liên quan đến hoạt động khai thác, cam kết các quy định về bảo vệ môi trường. 

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng giao cho công an phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh điều tra, làm rõ việc bà Ng.T.N (xã Mỹ An) bị nhóm đối tượng lạ mặt đánh nghi ngờ do chặn khai thác titan và xác minh làm rõ một số đối tượng có biểu hiện cầm đầu, kích động, quá khích gây mất an ninh trật tự tại trụ sở UBND xã Mỹ An để có hướng xử lý.

img

Năm 2018, người dân ở huyện Phù Mỹ liên tục dựng lều, chặn xe đoàn khảo sát phản đối dự án điện mặt trời, điện gió vì lo lợi dụng khai thác titan, ảnh hưởng môi trường, sinh kế.

Lý do tạm dừng khai thác là để giải quyết ổn định tình hình an ninh trật tự, bởi trước đây nhiều doanh nghiệp khai thác không đúng quy trình gây ra dư luận xấu nên các doanh nghiệp sau này khi chưa hoạt động đã bị mang tiếng lây. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bình Định lúc đó được đưa ra với thông điệp khá mạnh mẽ rằng, nếu người dân không đồng thuận, khiếu kiện kéo dài thì sẽ không cho khai thác.

“Thiệt hại doanh nghiệp nhiều vô số kể, chắc phải đợi đến năm sau chúng tôi tổ chức họp dân công khai lợi ích dự án và nhờ chính quyền hỗ trợ thì mới mong họ đồng thuận cho khai thác. Lúc này ồn ào quá, nếu khai thác thì dẫn đến xung đột, an ninh trật tự lại bất ổn”, ông Nguyễn Phụ Sơn nói.

Lý giải việc phản đối khai thác titan, nhiều người dân Phù Mỹ lo sợ quá trình doanh nghiệp khai thác sẽ gây ra bụi bặm, ảnh hưởng nguồn nước, rừng dương bị xóa sổ. Đặc biệt, khi Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép khai thác titan, người dân cho rằng họ không được tham gia đóng góp ý kiến nên xảy ra mâu thuẫn kéo dài. Mặc dù chính quyền địa phương đã thực hiện hàng loạt “dự án” tuyên truyền suốt 8 năm qua nhưng vẫn không đồng tình.

Điện mặt trời bị “vạ lây”

2 năm trở lại đây, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời (năng lượng sạch, thân thiện với môi trường) được tỉnh Bình Định kêu gọi về địa phương để phát triển tiềm năng kinh tế, giải quyết lao động… nhưng thực tế đáng buồn đã xảy ra. 

Hầu hết các doanh nghiệp khi đi khảo sát, chuẩn bị công tác triển khai thì liên tục bị người dân các xã Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Thọ… ngăn cản, phản đối dữ dội. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi người dân tràn ra quốc lộ, nhốt xe đoàn công tác, giữ cán bộ và đưa ra yêu cầu đòi dừng dự án. 

Đã có rất nhiều cuộc đối thoại giữa người dân và người đứng đầu chính quyền tỉnh này là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng được diễn ra. Chỉ sau những cuộc gặp dân trực tiếp thì mâu thuẫn mới được tháo gỡ, căng thẳng tạm xoa dịu.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Bộ Công Thương đã quy hoạch và dự định xây dựng 20 nhà máy điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, trong khi các dự án ở TP.Quy Nhơn và huyện Phù Cát đang triển khai rất thuận lợi, phát huy hiệu quả kinh tế thì các dự án tại huyện Phù Mỹ lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân.

Trong đó, các dự án năng lượng trên địa bàn huyện Phù Mỹ bị người dân phản ứng quyết liệt như: Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ của Công ty TNHH phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch, Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ của Công ty Năng lượng tái tạo Việt Nam và dự án được UNBD tỉnh Bình Định thống nhất chủ trương cho Tổng Công ty CP Thương mại-Xây dựng Vietracimex ký hợp đồng với Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo và Môi trường Việt Nam thi công, lắp đặt cột quan trắc gió tại xã Mỹ An.

Người dân địa phương cho rằng, cách đây 10 năm, trên địa bàn huyện Phù Mỹ có hàng chục dự án khai thác titan được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc khai thác titan vô tội vạ ở khu vực ven biển diễn ra nhiều năm liền đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân như: Rừng dương bị chặt phá dẫn đến hiện tượng cát bay, mực nước ngầm bị cạn kiệt, đường sá bị hư hỏng. 

Vì vậy, họ lo ngại doanh nghiệp núp bóng làm dự án để khai thác titan, phá rừng dương phòng hộ ven biển, rào chắn lối đi ra biển và lo ngại chủ đầu tư sẽ bán dự án cho người nước ngoài... nên mới phản đối. 

“Giờ chính quyền nói chủ đầu tư dự án điện mặt trời không khai thác titan nhưng sau 5 - 10 năm họ khai thác titan thì sao? Hoặc trong quá trình triển khai dự án, vì lý do gì đó mà chủ đầu tư chuyển nhượng lại dự án cho người nước ngoài thì sao? Ai dám đảm bảo là không có những điều này xảy ra”, ông Long (ở thôn 8, xã Mỹ Thắng) nói khi đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định.

Trong nhiều lần trực tiếp đối thoại tại huyện Phù Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu khẳng định, ông lấy tính mạng để đảm bảo điện năng lượng mặt trời, điện gió không gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng từng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi môi trường, cuộc sống của người dân để lấy lợi ích kinh tế. Không có chuyện doanh nghiệp núp bóng khai thác titan, dự án chỉ làm năng lượng sạch. 

img

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đối thoại và mong muốn người dân huyện Phù Mỹ ủng hộ dự án năng lượng điện mặt trời. 

“Nhà đầu tư họ làm đúng quy định thì chúng ta nên bảo vệ, tạo điều kiện cho họ làm. Nếu doanh nghiệp vi phạm, tỉnh sẵn sàng đóng cửa, không bao giờ đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Riêng việc khai thác titan, đến lúc này tôi cũng chưa ký bất kỳ quyết định nào cho ai khai thác titan cả. Tôi còn làm Chủ tịch tỉnh, việc gì nhân dân không đồng tình vì gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của dân thì dứt khoát không làm. Nếu xảy ra việc đó, tôi xin chịu trách nhiệm trước nhân dân. Được người dân bầu lên lãnh đạo tỉnh, cá nhân tôi không làm việc gì gây hại đến lợi ích của bà con cả. Chúng tôi luôn suy nghĩ ngày đêm, phải làm mọi cách để quê hương phát triển, cuộc sống người dân ấm no và con em có việc làm ổn định”, ông Dũng từng hứa trước người dân.

Kiểm điểm cán bộ

Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định Huỳnh Quang Vinh cho biết, trong năm 2017, có 2 doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép nhưng vẫn còn khai thác titan là Công ty TNHH Mỹ Tài và Công ty TNHH TM KS Ban Mai, việc này UBND huyện Phù Mỹ đã phát hiện, đề xuất xử lý. Riêng trường hợp của Công ty TNHH Tấn Phát là hành vi tuyển rửa lại tại bãi quặng tập kết trước đó, không phải khai thác khoáng sản. 

“Chúng tôi đã phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Phù Mỹ, để xử lý hành vi khai thác trái phép của 2 doanh nghiệp trên và kết quả đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Đến nay, UBND tỉnh đã đóng cửa 4 mỏ titan của Công ty TNHH Tấn Phát và 3 mỏ của Công ty TNHH TM KS Ban Mai”, ông Vinh nói.

Liên quan đến vụ việc trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định từng yêu cầu rút kinh nghiệm, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, Chủ tịch UNBD xã Mỹ Thành, Giám đốc Sở TNMT và Phó giám đốc Sở TBMT phụ trách khoáng sản vì để nhiều doanh nghiệp khai thác titan trái phép.

(Còn nữa)