VFF đã có công văn yêu cầu VPF, các CLB bóng đá chuyên nghiệp, BTC trận đấu các địa phương, các Đài truyền hình Trung ương và địa phương tôn trọng, thực hiện nghiêm túc hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá giữa VFF-AVG.
Thực tế, trong các thông báo của VPF liên quan tới vòng 6 đã không còn giữ chữ “Super League” mà chỉ mang tên “Giải ngoại hạng”. Thêm vào đó, 7/7 trận đấu vòng 6 giải Ngoại hạng Việt Nam đều được truyền trực tiếp, đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ nước nhà. Đó là tín hiệu rất đáng mừng nếu biết rằng ở các vòng đấu đầu tiên, chỉ có 2-3 trận đấu được truyền trực tiếp trên các kênh quảng bá.
Các trận đấu bóng đá Việt Nam đã được “phủ sóng” rộng khắp tới người hâm mộ cả nước |
Trong số 3 trận đấu ngày 18.2, VTV đã phát sóng trực tiếp 2 trận: SLNA-HAGL: 2-0, Navibank.SG-Bình Dương: 0-1. Trận đấu giữa chủ nhà Thanh Hóa-Sài Gòn FC 1-1 trực tiếp trên kênh NCM của AVG. Trong số 4 trận đấu còn lại diễn ra chiều 19.2, VTV cũng sẽ tác nghiệp để phục vụ người hâm mộ cả nước 2 trận đấu: Hà Nội-CS.Đồng Tháp, K.Kiên Giang-V.Ninh Bình.
VCTV truyền trực tiếp trận V.Hải Phòng-K.Khánh Hòa. NCM làm trận “nội chiến” thu hút được rất nhiều sự chú ý giữa SHB Đà Nẵng-Hà Nội T&T. Vấn đề ghi hình trực tiếp ở các sân đã đi vào nề nếp, không còn xuất hiện hai xe màu ở một sân vận động do VTC đã ngừng việc phát sóng bất chấp việc chưa được đơn vị đang nắm giữ bản quyền truyền hình là AVG cho phép như ở các vòng đấu trước.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, đã có tổng cộng gần 40 đài truyền hình địa phương (Hà Nội, Truyền hình cáp Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Bình Dương, Khánh Hòa, Nghệ An...) thực hiện việc tiếp sóng kênh NCM, giúp quảng bá bóng đá đến từng hộ gia đình trên cả nước. Trận đấu muộn lúc 18 giờ 30 mấy vòng đấu qua đã thu hút được một lượng khán giả khá đông, chứng tỏ việc bố trí lịch thi đấu của VFF là hợp lý!
Tuệ Minh