Toà sơ thẩm xét xử vụ gian lận thi cử THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra tại Hà Giang đã tuyên án sơ thẩm vào hôm qua (25/10).
5 bị cáo trong vụ án đều đã phải lĩnh những bản án thích đáng cho hành vi của mình.
Cụ thể, Nguyễn Thanh Hoài (SN 1969, nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, toà tuyên phạt 8 năm tù.
Vũ Trọng Lương (SN 1978, nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Giáo dục), bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, toà tuyên phạt 7 năm tù.
Triệu Thị Chính (SN 1968, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, toà tuyên phạt 2 năm tù.
Phạm Văn Khuông (SN 1959, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), bị truy tố tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, toà tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo.
Lê Thị Dung (SN 1969, Phó Đội trưởng Đội Giáo dục Đào tạo Y tế, Lao động xã hội thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an Hà Giang), bị truy tố tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, toà tuyên phạt 2 năm tù.
Nguyễn Thanh Hoài khai bà Chính đưa cho danh sách 13 thí sinh nhờ nâng điểm môn Ngữ văn, tuy nhiên tại toà, bà Chính bác bỏ và nói do thâm thù nên bị lôi vào vụ gian lận thi cử này.
Trong 5 người này, đáng chú ý là bà Triệu Thị Chính. Toà xác định bà Chính là người không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Trong quá trình diễn ra phiên xét xử sơ thẩm, bà Chính phủ nhận toàn bộ việc đưa danh sách 13 thí sinh để nhờ Hoài nâng điểm, nói rằng chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm.
Đặc biệt, theo thông tin tại phiên toà, có lời khai của Vũ Trọng Lương nói: “Sau khi sự vụ đã bị lộ, tôi đến nhà anh Hoài và anh Hoài nói cứ lôi chị Chính vào, con mày thi vào trường chuyên nó không giúp. Còn các trường hợp khác tôi không được khai”.
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) về câu nói “Phải lôi chị Chính vào cuộc là có ý gì. Tại sao phải lôi vào cuộc?”, Nguyễn Thanh Hoài cho biết đây là câu nói với Lương. “Trong giai đoạn từ ngày 15 - 17/7/2018, tôi nhắc lại với anh Lương tại nhà tôi, với hàm ý là chị Chính đã đưa danh sách nhờ tôi nâng điểm môn Ngữ văn thì cũng không khác gì tôi đưa cho anh Lương danh sách nâng điểm trắc nghiệm.
Thứ hai, theo quy chế thi THPT Quốc gia 2018, theo Điều 26, trong thời gian xử lý bài thi trắc nghiệm, Trưởng ban chấm thi phải giám sát toàn bộ quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm. Như vậy, chị Chính phải chịu trách nhiệm một phần khi chúng làm sai. Tôi không có hàm ý gì khác".
Bà Chính nói trước khi khởi tố vụ án, Hoài nói với Lương lôi Chính vào cuộc là có sự thâm thù với Chính. Tuy nhiên, tại biên bản làm việc với Đoàn Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/7/2018, bút lục 113, 114, bà Chính thừa nhận nhờ Hoài xem xét và nhờ nâng điểm môn Ngữ văn cho từng thí sinh.
Hội đồng xét xử nhận định, lời khai của Hoài về danh sách 13 thí sinh Chính đưa cho là khách quan, có căn cứ.
Tại kết luận giám định số 5097 ngày 9/11/2018 của Viện Khoa học hình sự bộ Công an thể hiện, mẫu giám định là một máy tính để bàn màu đen, ngoài bìa niêm phong có tên Triệu Thị Chính (ký hiệu A5).
Kết luận giám định trong mẫu giám định A5 tìm thấy dữ liệu lịch sử duyệt website, lịch sử truy cập usb, lịch sử tải về và mở tập tin có phần mở rộng. Chi tiết thể hiện tại bút lục có tên thí sinh có số báo danh 05000582, phòng thi số 0044, môn thi Toán, Lý, Anh, điểm thi THPT Lê Hồng Phong trùng khớp với số báo danh Hoài thừa nhận viết do yêu cầu của Chính tại dòng cuối cùng của trang giấy A4, dưới danh sách 13 thí sinh.
Người làm chứng là mẹ đẻ của thí sinh 05000582 có mặt tại phiên toà, ban đầu bà khai chỉ nhờ Chính xem điểm cho con mình, nhưng sau khi hội đồng xét xử công bố lời khai của bà tại giai đoạn điều tra thì bà đã xác nhận lời khai của bà giai đoạn đó là đúng. Bà khẳng định lại bà nhờ bà Chính nâng điểm cho con mình nhưng không được nâng.
Ngoài Chính ra, bà không quen biết ai trong Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, cũng như không cung cấp thông tin của thí sinh cho bất cứ ai.
Ngoài ra, người làm chứng là bố của thí sinh mang số báo danh 05003437 tại phòng thi số 164 có mặt tại phiên toà, xác nhận mình nhờ bà Chính giúp đỡ để con đủ điểm xét tuyển vào các trường chuyên nghiệp theo nguyện vọng.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã yêu cầu Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam thực hiện lệnh thu giữ điện tín thuê bao của nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang Triệu Thị Chính.
Tại kết luận giám định số 6766 20/12/2018 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thể hiện, dữ liệu tìm thấy trong mẫu giám định có hơn 400 tin nhắn và 8 file ảnh. Trong đó có những tin nhắn thể hiện rõ nội dung tin nhắn cung cấp thông tin cần thiết cho việc nâng điểm môn Ngữ văn chứ không phải xem điểm cho các thí sinh.
Về việc bà Chính (bên trái) nói bị lôi vào vụ gian lận thi cử, tài liệu chứng minh trong cuộc đối chất vào tháng 5/2019 giữa bà này và Nguyễn Thanh Hoài, cả 2 đều khẳng định không có mâu thuẫn gì trong cuộc sống và nơi làm việc.
Mặt khác với vai trò Trưởng ban chấm thi, bà Chính là người có đủ thẩm quyền để biết kết quả các môn thi của từng thí sinh trước khi công bố điểm mà không phải nhờ Hoài xem xét như bà Chính đã khai trong phiên xử sơ thẩm.
Đối với việc Hoài nói với Lương lôi Chính và cuộc có phải là do Chính và Hoài mâu thuẫn, thâm thù với nhau hay không, tại biên bản đối chất ngày 20/5/2019 giữa Hoài và Chính có sự tham gia của luật sư bào chữa cho Chính, cả 2 người là bà Chính và Hoài đều khẳng định trong công tác và trong cuộc sống không có mâu thuẫn gì với nhau.
Tại phiên toà, Hoài cũng khẳng định lời khai của mình về danh sách 12/13 thí sinh mà bà Chính đưa cho Hoài nhờ nâng điểm môn Ngữ văn là thực tế khách quan.
Nếu Hoài có mâu thuẫn với Chính, có ý đổ lỗi cho Chính thì đã khai 3 thí sinh có tên trong danh sách Chính đưa cho Hoài được nâng điểm môn thi trắc nghiệm là do Chính nhờ nâng, chứ không nhận là do trùng hợp với người thân của 3 thí sinh này đã nhờ Hoài nâng điểm môn thi trước đó.
Toà nhận định, lời khai của Hoài về hành vi Chính đưa cho Hoài danh sách 13 thí sinh, trong đó nhờ Hoài nâng điểm 12/13 thí sinh không tính thí sinh mang số báo danh 05000582 ghi bằng bút mực tại dòng cuối cùng không đánh số thứ tự, và lời khai của Lương được nhìn thấy danh sách 13 thí sinh nghe Hoài kể lại là danh sách Chính nhờ nâng điểm là có căn cứ, đáng tin cậy.
Với chức vụ Uỷ viên ban chỉ đạo THPT Quốc gia cấp tỉnh năm 2018, Phó Chủ tịch hội đồng thi, Trưởng ban chấm thi, Triệu Thị Chính đã dùng ảnh hưởng của mình để nhờ Hoài là người chỉ đạo công tác chấm thi ghép phách, kiểm dò và nâng điểm, đối xuất điểm môn thi Ngữ văn để nâng điểm cho 12/13 thí sinh theo danh sách Chính đưa cho Hoài.
Tội phạm hoàn thành kể từ khi Chính đưa danh sách 13 thí sinh cho Hoài, thúc đẩy Hoài nâng điểm cho 13 thí sinh, không phụ thuộc vào kết quả Hoài có nâng được hay không.
Hành vi của phạm tội của Chính đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước với lỗi cố ý trực tiếp.
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của Chính, sao kê tài khoản tại các ngân hàng của Chính nhưng không có căn cứ chứng minh bị cáo nhận tiền hoặc tài sản của người khác để chuộc lợi.
Việc các thí sinh có đạt được kết quả nâng điểm thì lợi ích mà bị cáo Chính và người thân trong gia đình bị cáo nhận được là số điểm được nâng. Bằng uy tín đối với các vị lãnh đạo có con, cháu đã được bị cáo Chính giúp đỡ nâng điểm là mục đích phi vật chất.
Đủ cơ sở khẳng định tội danh của Triệu Thị Chính là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.