Trước nỗi lo 18 di sản ở TP.HCM lần lượt biến mất trước làn sóng đô thị hóa, các nhà nghiên cứu đô thị, nhà quy hoạch đã lên tiếng cảnh báo.
Xếp hạng đúng di sản là cách trân trọng lịch sử
Sống tại TP.HCM đã lâu nhưng nhiều người không hình dung có ngày họ không còn một Thương xá Tax để mua sắm, không còn quán cà phê Givral trứ danh nơi điệp viên Phạm Xuân Ẩn thường lui tới, rồi cầu Nhị Thiên Đường, nhà đèn Chợ Quán, cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng, khu vực Ba Son và ụ tàu, cầu sắt trong Thảo cầm viên, trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, công viên Chi Lăng, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn...
Điều này đã được TS, nhà nghiên cứu đô thị Nguyễn Minh Hòa cảnh báo tại hội thảo khoa học Di sản đô thị ở TP.HCM trong quá trình hiện đại hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững. Theo ông, có đến 18 công trình đã biến mất trong quá trình xây dựng và phát triển TP.HCM.
Và ông Hòa đề xuất cách làm của các nước, cần làm “phụ lục” di sản bị phá hủy ở ngay tại công trình mới.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hường nhận định, nếu không có quá khứ thì không có hiện tại và không có tương lai. TP.HCM đang trong quá trình thực hiện việc chỉnh trang và nâng cấp đô thị để trở thành thành phố văn minh, hiện đại nhưng nếu đánh mất các di sản thì sẽ ra sao?
Vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn, một trong những di sản ở TP.HCM. (Ảnh: internet)
Theo số liệu tại Trung tâm Bảo tồn di tích, từ năm 2014 đến 2019, có 32 công trình di tích được đầu tư tu bổ, trùng tu, tôn tạo, phục dựng với tổng mức đầu tư khoảng 490 tỷ đồng (vốn ngân sách). Đồng thời, đã có 18 công trình được đầu tư tu bổ, sửa chữa bằng nguồn vốn xã hội hóa trên 294 tỷ đồng.
Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, di sản hay còn gọi là “ký ức tập thể” có vị trí quan trọng ở thành thị. Di sản đô thị cần được coi là tài sản hơn là một gánh nặng… để có thể tham gia vào các chiến lược phát triển kinh tế và xã hội. Thời gian qua, nhiều công trình cao tầng hiện đại xây dựng ở vùng lõi đô thị Sài Gòn đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc tiêu biểu, nhiều công trình cổ ở những “khu đất vàng” đã bị phá huỷ để xây công trình mới…
Cần cách làm khoa học
Theo nhiều nhà nghiên cứu, cần có một cái nhìn công bằng hơn đối với các công trình kiến trúc có nguồn gốc và chủ sở hữu khác nhau. Đến tháng 5/2017, TP.HCM có 172 công trình, địa điểm được chính phủ công nhận và xếp hạng di tích. Dễ nhận thấy so với các công trình kiến trúc của Pháp trên địa bàn TP.HCM thì số được xếp hạng quá ít, có lẽ chỉ mới khoảng 5 - 6%. Rất nhiều công trình có giá trị nhưng không thấy hiện diện như Bưu điện, Ủy ban Nhân dân thành phố, chợ Bến Thành, trụ sở Hải quan, Lãnh sự quán Pháp, trại lính Pháp đầu tiên (nay là trường ĐH KHXHNV và Dược).
Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa giáo được xây dựng bởi người Pháp và người Việt qua các thời kỳ, nhưng không có bất kỳ một công trình nào được xếp hạng, cho dù nhiều nhà thờ được coi là tuyệt tác kiến trúc, trở thành hình ảnh biểu tượng của Sài Gòn, như nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Chợ Quán, Đại chủng viện Thánh Giuse... Tiếp đó là các thánh đường của người theo đạo Hồi và chùa của người Khmer cũng không thấy xuất hiện. Quận 3, nơi có khá nhiều di tích kiến trúc của người Pháp, nổi bật nhất là các dinh thự, biệt thự của các quan lại, nhân sĩ nhưng không có bất kỳ một di tích nào được xếp hạng.
Theo ông Hòa, cần thay đổi những hạng mục quan trọng nhất khi ra chính sách trong lĩnh vực di sản Luật Di sản văn hoá ban hành 7/2013, sau này có bổ sung và làm rõ hơn qua các nghị định, nhưng vẫn có nhiều điểm thiếu và cần phải bổ sung những điểm quan trọng nhất. Trên thế giới hiện nay, trong việc bảo tồn di sản kiến trúc, có hai quan điểm chính: Một là bảo tồn theo điểm, tức là bảo tồn giá trị của chính công trình đó, không làm cho nó thay đổi về cấu trúc, hình thức hay xuống cấp là đựợc. Thứ hai là bảo tồn theo diện, tức là bảo tồn không chỉ chính công trình đó mà còn cả không gian, cảnh quan xung quanh nó. Như trường hợp Nhà hát thành phố, nhà thờ Đức Bà bị chèn ép giữa các tòa cao ốc mới cao hàng chục tầng. Một biệt thự cổ trở thành điểm tham quan trong một tour du lịch, hay là trở thành một bảo tàng trong đó các bộ sưu tập chuyên đề, thậm chí trở thành nhà hàng để cho khách vừa thưởng thức ẩm thực địa phương vừa tham quan các nét đặc sắc của kiến trúc và câu chuyện đằng sau đó. Như thế, biệt thự đã trở nên một thực thể “sống”.
Cần kiểm kê, phân loại, xếp hạng các di sản đang còn và đã mất một cách khoa học và bài bản. Cho đến nay chúng ta chưa có một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di sản, di tích văn hoá - lịch sử - kiến trúc trên địa bàn TP.HCM, nếu có tương đối đầy đủ nhất thì là danh sách các di tích liên quan đến cuộc đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ; còn danh sách khác thì còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là liên quan đến tôn giáo, đến các công trình tư nhân. Một điều khác quan trọng không kém là kiểm đếm, xác lập lý lịch các công trình đã biến mất và tìm cách lưu giữ trong khả năng có thể.