Làm giấy tờ giả, lọt cửa cơ quan chức năng
Vụ việc 39 thi thể được phát hiện trong thùng container đông lạnh tại Essex, đông bắc London (Vương quốc Anh) khiến chúng tôi nhớ lại trường hợp chị Trần Thị Bình (TP Vinh, Nghệ An) được một đường dây làm giấy tờ giả đưa đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Xê út.
Cụ thể, loạt bài điều tra của Báo Điện tử Dân Việt vào đầu năm 2018 đã thông tin: chị Trần Thị Bình (Sn 1963, Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An) đã xuất cảnh đi xuất khẩu lao động với tên Vương Thị Hoài Thu (Sn 1977, Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An).
Chị Bình có cả chứng minh thư nhân dân và hộ chiếu mang tên Vương Thị Hoài Thu để đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng, theo xác minh của cơ quan công an người có tên Vương Thị Hoài Thu vẫn sinh sống tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Không hiểu bằng cách nào mà các đối tượng đã làm giả giấy tờ chị Trần Thị Bình thành chị Vương Thị Hoài Thu để đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Cảnh Thắng
Chị Trần Thị Bình sau đó đã tử vong với nguyên nhân không rõ ràng ở Ả rập Xê út, anh Đinh Văn Chính – con trai nạn nhân phải ròng rã gõ cửa khắp nơi hơn 300 ngày mới đưa được thi thể chị về nước với giấy tờ mang tên Vương Thị Hoài Thu.
Vụ việc này cho thấy có một đường dây làm giả giấy tờ, nhân thân để đưa người sang nước ngoài lao động theo nhiều cách khác nhau, kéo theo rủi ro rất lớn đối với người lao động.
Trao đổi với PV sau vụ việc 39 thi thể được phát hiện trong container ở Essex, anh Đinh Văn Chính cho hay: “Tôi cũng nghe thông tin có thể có người Việt Nam mình trong đó. Một số người từng đi kể rằng họ đã phải làm giấy tờ giả để sang Châu Âu, sau đó tìm cách vào Anh. Rất có thể, đường dây làm giấy tờ giả cho mẹ tôi cũng là một trong những đầu mối đưa người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài”.
Chúng tôi tiếp tục đi tìm gặp những người đã từng sang Châu Âu trong những thùng container lạnh để được nghe về hành trình đưa “người rơm” đến nước Anh.
“Nhảy cỏ” bám theo xe container
“Lúc đầu, nghe tin trên TV nói rằng nạn nhân trong thùng container ở Anh là người Trung Quốc, tôi đã nghĩ ngay rằng có người Việt của mình trong đó” – anh L.C.N - một người từng “mượn” hộ chiếu để sang Anh làm việc, mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
N năm nay hơn 40 tuổi, quê Hà Tĩnh hiện sinh sống tại Nghệ An từng có thời gian hơn 4 năm sinh sống tại châu Âu.
N sang châu Âu từ năm 2006, “chi phí khi đó còn rẻ chỉ vài nghìn Euro”, sau đó tìm đường để vào nước Anh.
“Tôi đi sang châu Âu theo đường có giấy tờ đàng hoàng, dạng du lịch sau đó mới “mượn” hộ chiếu của người đang sinh sống ở châu Âu để sang Anh. Hồi đó hải quan bên họ kiểm tra không chặt như bây giờ” – N nhớ lại.
Chiếc xe container ở nước Anh được lực lượng chức năng phát hiện 39 thi thể.
Con đường sang nước Anh của L.C.N có vẻ “suôn sẻ” hơn so với nhiều anh em sau này. Gặp nhau ở Anh, N được biết sau này người đi lao động trái phép phải tìm đường qua Trung Quốc hay Đài Loan trước. Rồi nằm trại trong rừng ở biên giới Pháp – Anh trong lúc chờ sang Anh.
Nếu không đi theo đường dây để “nhồi” vào container, những người nuôi mộng đổi đời bên Anh sẽ phải “nhảy cỏ” – nghĩa là đợi tài xế xe container ngủ hoặc không chú ý để nhảy trộm, bám theo xe sang Anh. “Đỏ thì sang được Anh có người đón, đen bị bắt lại bị trả về chỗ cũ” – N cho hay.
Nhiều người chọn “nhảy cỏ” không hẳn vì thiếu tiền trả cho đường dây vận chuyển người qua container. Theo N, nhiều người chọn “nhảy cỏ” vì không dám đánh cược mạng sống của mình trong chiếc thùng sắt bít bùng.
“Nhảy cỏ” dễ bị cảnh sát hay hải quan bên Anh phát hiện hơn, nhưng ở trong thùng container mức độ rủi ro đến sinh mạng, sức khỏe là rất cao. “Có anh em kể phải chuẩn bị trước những túi bóng đầy không khí để khi nguy cấp sử dụng như kiểu hà hơi thổi ngạt” – N cho hay.
Những người bạn của N còn may mắn khi được kể lại câu chuyện của mình. 39 nạn nhân trong thùng container đông lạnh được phát hiện ở Essex đã không có được ân huệ đó.
Hủy giấy tờ tùy thân
Vì sao lại bị trả lại phía biên giới Pháp chứ không phải bị trục xuất về Việt Nam? Chúng tôi tiếp tục qua một số đầu mối để gặp trực tiếp những người ăn chực nằm chờ trong rừng ở Pháp để tìm câu trả lời.
“Mọi giấy tờ tùy thân đều bị hủy ở Pháp trước khi tìm cách sang Anh” – H.C.T (TP Vinh, Nghệ An) vừa rít điếu thuốc vừa bắt đầu phân tích cho chúng tôi. Thứ nhất, đấy là giấy tờ giả do đường dây làm cho để sang được châu Âu nên phải bỏ đi. Thứ hai, theo giải thích của T, đám dẫn đường nói rằng nếu không có giấy tờ lực lượng chức năng sẽ trả người lại nơi gần nhất họ đã tìm cách vượt biên vào nước Anh.
Gia đình T có điều kiện nhưng năm 2010, thanh niên sinh năm 1979 này phải sang châu Âu vì “lý do cá nhân”. T từ Việt Nam bay sang Đức rồi tiếp tục sang Pháp.
Nhiều người dân ở huyện Yên Thành lo lắng khi đã 5 ngày qua không thể liên lạc với người thân của mình. Ảnh: CT
Gia đình T lo cho 30.000 USD để làm giấy tờ sang Pháp. T cùng nhiều người khác chỉ lao động trong nhà, không dám ra ngoài đường vì sợ bị bắt trục xuất về nước. Ở Pháp 3 năm, T tìm được cơ hội sang nước Anh, chi phí cho chuyến đi là 15.000 USD.
“Chuyến sang Anh năm đấy có nhiều người quê Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương” – T nhớ lại.
Việc đầu tiên là phải bỏ lại giấy tờ tùy thân đã dùng để sang Pháp, sau đó T cùng nhiều người khác được đưa vào thùng xe container để sang Anh.
Chuyến đi trót lọt, T sang Anh làm việc. Vậy nhưng, chỉ 6 tháng sau người này bị bắt và bị trục xuất về nước trong cảnh trắng tay.
Đến nay, T vẫn cảm thấy “rùng mình” khi nhớ lại giai đoạn tìm đường đi lao động bất hợp pháp. Thế nhưng, người này hoàn toàn kín tiếng khi chúng tôi đặt vấn đề hỏi về đầu mối làm thủ tục đưa người sang Anh lao động bất hợp pháp.
Những người được đưa sang Anh lao động trái phép bằng xe container thường được gọi là "gà" hay "người rơm". Mỗi tuần, đám đầu nậu đều đi đón "gà" để đưa sang Anh. Hành trình bôn ba qua nhiều quốc gia trên những chiếc container lưu động để đến với "xử sở thiên đường "của "người rơm" hay "gà" đều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm thậm chí là bỏ cả tính mạng. |
Kỳ tới: Những phút giây sinh tử trong thùng container lạnh đến nước Anh