ĐBQH Dương Trung Quốc (ảnh Đ.D).
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội khi nói về vấn đề Biển Đông, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai – ông là nhà sử học) cho biết: Tình hình trên Biển Đông là vấn đề bức xúc của cá nhân ông cũng như của người dân theo dõi.
Vị ĐB này đã dẫn câu chuyện lịch sử dân tộc, ông cho biết, sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, nếu cộng lại thì thời gian chiến tranh với Trung Quốc rất ngắn.
“Dân tộc ta đã có một trải nghiệm sống hoà bình với Trung Quốc. Ông cha chúng ta rất biết cách ứng xử để giữ hòa bình, có thời kỳ kéo dài hơn 3 thế kỷ (thời nhà Lê) mà vẫn bảo vệ được chủ quyền. Như vậy, rõ ràng chúng ta biết cách sống với họ, và chúng ta học hỏi họ rất nhiều, ảnh hưởng của họ không ít, và chúng ta vẫn giữ được tự chủ”, ĐBQH Dương Trung Quốc nói và cho rằng, điều quan trọng nhất là làm sao có sự đồng thuận giữa Nhà nước và người dân. Theo ông, để ứng phó với Trung Quốc là bài toán rất khó, rất phức tạp, chỉ thành công nếu chúng ta nhất trí với nhau.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh thêm, Quốc hội là diễn đàn quan trọng nhất, diễn đàn của quốc dân đồng bào. Vì vậy, đã đến lúc, Quốc hội nên có thái độ rõ ràng. Đó là, chúng ta mong muốn hoà bình, giữ gìn hữu nghị, nhất là với Trung Quốc, nhưng chúng ta không chấp nhận việc họ đã xâm phạm đến chủ quyền lãnh hải như trong thời gian qua.
“Tại sao Quốc hội không ra một nghị quyết? Quan trọng là trong nghị quyết bày tỏ thái độ như thế nào, không phải chỉ lên án, mà còn tất cả những cách tiếp cận, điều quan trọng nữa là tập hợp người dân và sự ủng hộ của quốc tế”, ĐB Quốc bày tỏ quan điểm.
Nhìn nhận cụ thể về hành động của Trung Quốc khi đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 và các tàu xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Tôi cho đây không phải chỉ là sự khiêu khích mà trong một chừng mực nào đó là bài toán thử thái độ của chúng ta như thế nào. Tôi nghĩ rằng đối phó với Trung Quốc là khó, phức tạp nhưng càng khó, càng phức tạp thì càng phải tìm sự đồng thuận của người dân”, ĐB Quốc nói.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (ảnh PV).
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội, ông nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương), ông chưa nhận được tài liệu liên quan đến tình hình Biển Đông, nhưng qua cập nhật thông tin thì thấy: Chủ quyền là thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền là phải cương quyết, quyết liệt và không hề lùi bước. Đó cũng là tư tưởng, chủ trương của Đảng và bây giờ Nhà nước ta cũng đang thực hiện. Điều tiếp theo là chúng ta đấu tranh kiên quyết nhưng cũng phải hết sức mềm dẻo, mềm dẻo ở đây không phải là nhu nhược. Mềm dẻo nhưng cuối cùng là phải giữ gìn cho được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
ĐB Trí cũng có chung quan điểm với ĐB Quốc, đó là Quốc hội xem xét có một nghị quyết về Biển Đông.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, trước đó trong phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường… tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta.
Trong báo cáo về kinh tế -xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói: Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Trong báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội, do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày cũng đề cập: Cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Vào ngày 24/10, truyền thông quốc tế đưa tin về việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 rời khỏi khu vực hoạt động, di chuyển về Trung Quốc cùng hai tàu hộ tống. Ngày 25/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng xác nhận về việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng. "Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ trong thông cáo ngày 25/10. |