Dân Việt

Theo chân đoàn làm phim "Lúa trổ bông"

20/02/2012 06:17 GMT+7
(Dân Việt) - Suốt mấy tháng trời, đoàn phim đã cùng ăn, cùng ở và chia sẻ tâm tình với người nông dân. Tháng 3 tới đây, 30 tập phim như một bức chân dung cận cảnh về cuộc đời cây lúa sẽ lên sóng.

Chuyện về người ở lại

Với nhà biên kịch Lâm Quang Tèo - tác giả kịch bản của bộ phim "Lúa trổ bông", nông thôn chẳng có gì xa lạ với anh, vì ông nội anh vốn là một tá điền của ông Hội đồng Trạch (cha của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy), rồi cha anh lại “nối nghiệp” làm tá điền cho cậu Ba Huy. Cuộc sống, tâm tình của người nông dân trên xứ lúa Bạc Liêu từ thuở nào đã trở thành căn cốt của anh, việc viết một kịch bản về họ là điều anh nung nấu bấy lâu.

img
Cảnh trong phim "Lúa trổ bông"

Theo tác giả, câu chuyện trong bộ phim của anh là vấn đề của nông thôn vùng đồng bằng châu thổ ngày hôm nay, có những người nông dân bán mặt cho đất cả đời không đủ no vậy mà giờ lại phải đối mặt với việc những mảnh đất sinh kế của họ biến thành sân golf, thành những dự án.

Trong phim còn có những người cộng sản mới ở nông thôn, học rộng và có tâm huyết như Ba Ruộng, Sáu Liên, Năm Hưng... Họ đang nỗ lực để những người nông dân có được một tư duy khác về nghề làm ruộng của mình, trồng lúa phải hướng tới những tiêu chuẩn cao để xuất đi năm châu mới mong đổi đời.

Lâm Quang Tèo tâm sự: “Đồng bằng châu thổ là “nồi cơm” của cả nước, làm ra hạt gạo nuôi cả nước, lại còn dư để đem đi xuất khẩu, nhưng cái “nồi cơm” ấy đã được quan tâm đúng mức hay chưa, hay người đời thường chỉ chờ cơm chín, bới lên ăn xong rồi bỏ đi. Tôi muốn đặt ra vấn đề: Chúng ta phải làm gì để giúp cho những người ở lại chăm bẵm cho nồi cơm ấy? Giúp họ bằng chính sách, bằng tri thức, bằng sự bảo vệ quyết liệt đồng lúa cũng chính là giúp cả đất nước này thoát nghèo và ổn định”.

Trong 30 tập phim do đạo diễn Xuân Phước dàn dựng, cây lúa và người nông dân sẽ được nhìn ở những góc thật gần, thật thẳng thắn và quyết liệt. Đó là "cuộc chiến" của những người trí thức mới như Sáu Liên, Ba Ruộng với những kẻ chỉ lăm le biến đất ruộng thành tiền đút túi, bên cạnh đó, họ còn phải đấu tranh với một đời sống làng quê đang rời rã khi lớp trẻ lớn lên không định hướng, chán nghề nông và vùi đầu vào ăn nhậu. Sáu Liên- nữ Bí thư Đảng ủy xã lúc nào cũng thuộc nằm lòng câu: “Còn ruộng thì còn làng, mất ruộng là mất hết, mất cả tương lai, mất cả quá khứ”.

Ấm áp trên đồng

Tham gia bộ phim này là một kỷ niệm khó quên cho tất cả các thành phần đạo diễn, diễn viên, đạo cụ... bởi ngay những ngày trước Tết Nguyên đán, họ được chu du một vòng qua tất cả những làng quê trù phú ở Bến Tre, Cần Thơ, Củ Chi (TP.HCM), Tiền Giang... và ăn tết sớm với bà con nông dân.

Ở đâu cũng tay bắt mặt mừng, bà con thấy có nghệ sĩ về làm phim, mà lại bận toàn quần áo nông dân để đóng phim thì vui hết biết.

Nghệ sĩ Hoàng Mập (vai A Lủ) đang đóng phim thì bị tai nạn, anh phải dán băng trắng trên mặt. Đạo diễn Xuân Phước phải "tương kế tựu kế" sửa kịch bản cho anh gặp tai nạn luôn trên phim. Hoàng mập tếu táo: “Sướng nhất mấy anh hóa trang, chẳng phải làm chi mà cái mặt tui đã biến dạng thật hơn cả thật”.

Mai Thế Hiệp - diễn viên Việt kiều (từ Mỹ) đóng vai một đại gia phất lên nhờ buôn bán đất nông nghiệp, cho biết: "Lâu ngày mới về VN, được tận mắt thấy đời sống nông dân thay đổi nhiều, tôi vui lắm, nhưng thấy bà con vẫn nghèo khổ nhất trong xã hội. Đóng bộ phim này, tôi hiểu được nhiều điều hơn về đất nước mình, mong rằng đời sống bà con tới đây sẽ khá hơn lên".

Trịnh Kim Chi - người đẹp vào vai Bí thư xã Sáu Liên thì đen sạm hẳn đi sau những ngày lăn lộn trên ruộng như một người nông dân thực thụ. Chị bảo đóng những phim tình yêu tay ba, với nhà lầu, xe hơi... trên phố hoài cũng chán, phải dẹp hết để nhận lời vào vai này và mong rằng, qua bộ phim, khán giả sẽ quan tâm hơn đến những vấn đề của nông thôn hôm nay, sẽ cùng giữ gìn sự ấm áp của tình người, tình đất trên những cánh đồng.