Bao giờ cũng vậy, lời nói thật rất khó nghe, nhưng cũng nên cảm ơn những lời nói thẳng thắn. Lâu nay, dư luận kêu ca nhiều về các nguyên nhân gây kẹt xe và tai nạn giao thông như hệ thống hạ tầng giao thông lạc hậu, cảnh sát giao thông xử phạt không nghiêm, mức xử phạt còn nhẹ... nhưng chưa phê phán thật mạnh thái độ của người tham gia giao thông.
Chỉ trong một tuần, báo chí đưa tin về các vụ điển hình về sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Đó là vụ một phó giám đốc doanh nghiệp vận tải vi phạm Luật Giao thông tại Hà Nội lại còn mắng chửi cảnh sát, đấm vào mặt phóng viên.
Cũng tại Hà Nội, một thiếu nữ đi xe máy vượt đèn đỏ, bị cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe, người này đã không nhận lỗi mà còn khoanh tay thách thức cảnh sát.
Tại Lào Cai, một nhóm đi xe gắn máy chở ba bị cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ, một trong ba người là cán bộ hải quan đã tấn công và giật súng của cảnh sát.
Tại Hậu Giang, một thiếu úy cảnh sát giao thông bị tai nạn hy sinh khi truy đuổi đối tượng vi phạm Luật Giao thông và bị người vi phạm đạp vào đầu xe...
Còn rất nhiều vụ tai nạn giao thông khác, kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân là do người tham gia giao thông không chấp hành luật, phóng nhanh, vượt ẩu.
Nhiều người dân mình rất xem thường các quy định của Luật Giao thông. Khi tham gia giao thông thì thái độ thiếu văn minh, lịch sự, không tôn trọng cảnh sát. Ra đường không ai chịu nhường ai, người nào cũng muốn vượt lên để hơn người khác cho dù là nửa bánh xe. Trong nhiều trường hợp, chính vì chen lấn và không nhường nhau nên giao thông ùn tắc.
Dân mình ngày nào cũng chen lấn từng mét đường đi, len lỏi, luồn lách khi tham gia giao thông nên cũng ảnh hưởng đến thái độ sống là khi nào cũng sẵn sàng luồn lách để được việc, khi nào cũng toan tính để có lợi cho mình, mặc cho người khác hay cộng đồng bị thiệt hại.
Để sửa được thói quen rất xấu này không phải dễ, có khi phải sửa bằng... thế hệ sau, đó là giáo dục về Luật Giao thông và văn minh đi đường ngay từ trong nhà trường. Còn đối với các trường hợp vi phạm, chỉ có cách là xử phạt thật kiên quyết, một số vụ việc nếu đủ căn cứ phải khởi tố hành vi chống người thi hành công vụ.
Bộ GTVT vừa xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 34, trong đó tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm. Tuy nhiên, các mức phạt mới này vẫn chưa đủ sức răn đe trong một môi trường giao thông quá hỗn loạn và thái độ tham gia giao thông quá tồi của nhiều người.
Với thực trạng giao thông hiện nay, cần có biện pháp mạnh để chấn chỉnh, đó là luật thật nghiêm, xử thật nặng.
Chân Tâm