Dân Việt

Hàng trăm người theo dõi xét xử vụ chém nhau vì tranh chấp đất lâm nghiệp

Duy Hậu 28/10/2019 12:00 GMT+7
Sau gần 2 năm điều tra, cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Lắk mới đưa vụ án ra xét xử. Đây là một vụ án từng gây xôn xao dư luận tại Đắk Lắk.

Ngày 28/10, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án giết người, cố ý gây thương tích xảy ra trong lúc tranh chấp đất lâm nghiệp tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Trong vụ án, bị cáo cũng từng là bị hại của bị hại nên người dân huyện Ea Súp đặc biệt rất quan tâm.

img

Các bị cáo tại tòa.

Ngay từ sớm, hàng trăm người đã vượt cả chục km từ huyện biên giới Ea Súp về Đắk Lắk để theo dõi phiên tòa. Do người dân đến quá đông, TAND tỉnh Đắk Lắk đã bố trí màn hình để những người không được triệu tập theo dõi phiên tòa.

Tuy nhiên, người dân không đồng tình và cố gắng vào phòng xử án nên đã gây ra sự lộn xộn. Sau khi giải thích, thuyết phục, người dân mới chấp nhận vào phòng theo dõi qua màn hình trực tiếp.

Theo cáo trạng, năm 2010, anh Nguyễn Duy Điển (SN 1997, trú tỉnh Bình Phước) mua 9,5ha đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 263 (xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) của anh Trương Quang Tuấn (trú huyện Ea Súp) với giá 314 triệu đồng, thỏa thuận bằng giấy viết tay.

img

Hàng trăm người dân gây lộn xộn trước phiên tòa.

Năm 2016, giữa anh Điển và Đặng Văn Hà (tức Hà đen, SN 1971, trú thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) và một số người khác đã xảy ra tranh chấp trên mảnh đất này. Sau đó, anh Điển viết giấy tay giao đất cho Phạm Thị Phượng (SN 1973, ở gần khu đất) để trồng cây và nhờ bà Phượng trông giữ đất. Bà Phượng trồng và thu hoạch được 1 vụ lúa.

Ngày 5/12/2017, Nguyễn Văn Hoàng (SN 1989, con trai bà Phượng) đang san ủi đất thì thì Đặng Văn Sơn (SN 1997, con trai Hà đen) dùng dao chém gây thương tích 5%.

Đến khoảng 9h30 ngày 16/12/2017, con trai Hà đen và Đặng Công Báo (SN 1981) cùng ông Vũ Hồng Phong (SN 1968) tới cày mảnh đất nói trên. Đến khoảng 11h30 cùng ngày, 2 con trai bà Phượng là anh Hoàng và Nguyễn Văn Hiệp (SN 1992) cùng anh kết nghĩa là Dương Văn Huấn (SN 1984) ra ngăn cản.

Tại đây, Hoàng nhận ra anh Sơn là người đã chém mình nên lấy dao rựa chém trúng tay Sơn. Sau đó, nhóm Hoàng nói: "Đất đang tranh chấp, không được cày nữa, nói với Hà đen vào lán trại của bà Phượng giải quyết".

Hà đen sau khi nhận được tin báo thì rủ thêm 4 người khác mang theo mã tấu, súng tự chế, gậy vào khu đất. Khi đi ngang qua lán trại của bà Phượng thì giơ tay thông báo rồi đến tiếp tục cày đất.

Thấy vậy, bà Phượng gọi điện cho lãnh đạo công an xã, UBND xã Ea Bung và trực ban Công an huyện Ea Súp trình báo sự việc và đề nghị giải quyết. Đến khoảng 13h cùng ngày, khoảng 30 đến 40 người mang theo cuốc xẻng, gậy gộc đến đứng rải rác trước lán trại bà Phượng tìm cách đối phó với nhóm Hà đen giúp bà Phượng giữ đất.

Tại đây, bà Phượng nói: "Tất cả mọi người phải bình tĩnh, trước tiên phải giải quyết bằng lời, nếu họ đánh mình thì mình đánh trả". Sau khi một số người chuẩn bị hung khí, nhóm bà Phượng đến khu đất, trên đường đi, nhiều phụ nữ hô to: "Quân cướp đất, quân cướp đất, đánh đuổi quân cướp đất đi".

img

Hàng trăm người dân theo dõi phiên tòa qua màn hình.

Khi thấy nhóm của bà Phượng đến gần, nhóm Hà đen lên thùng các xe cầm dao, mã táy, gậy đứng chờ. Khi nhóm bà Phượng cách khoảng 2-3m thì Đặng Công Hải cầm súng tự chế bắn 1 phát lên trời. Ngay lập tức, nhóm bà Phượng lao vào tấn công nhóm Hà đen.

Hậu quả, làm Phạm Thế Văn (nhóm người Hà đen) tử vong, 7 người khác là Trịnh Sơn Thành, Nguyễn Cao Nguyên, Đặng Công Báo, Đặng Văn Sơn, Đặng Văn Hà, Đặng Công Hải và Vũ Hồng Phong bị thương tích từ 4-77%.

Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đã truy tố tổng cộng 8 bị can trong nhóm bà Phượng gồm: Phạm Thị Phượng, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Hiệp, Dương Văn Hiến, Dương Văn Huấn, Nguyễn Trọng Tố, Nguyễn Văn Thủy và Hà Văn Pha cùng về tội Giết người và Cố ý gây thương tích.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.