Dân Việt

Di dân bị lừa mua vé VIP tới Anh làm việc với mức lương 90 triệu đồng

Minh Nhật 28/10/2019 19:00 GMT+7
Các di dân phải trả 30.000 bảng Anh (900 triệu đồng) cho những kẻ buôn người để mua vé VIP đến Anh làm việc với lời hứa hẹn về mức lương 3.000 bảng Anh/tháng (90 triệu đồng/tháng).

img

Di cư đứng nhìn về phía những chiếc xe tải tại một bãi đậu xe gần Calais, Pháp khi họ đang tìm cách nhập cư lậu vào Anh. 

Một chuyên gia về vấn nạn buôn người Diep Vuong - Chủ tịch tổ chức từ thiện Pacific Links Foundation tiết lộ với Telegraph rằng, những kẻ buôn người máu lạnh nhắm vào những gia đình nghèo khổ đang cố gắng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và vẽ ra trước mắt họ viễn cảnh tới châu Âu làm việc với mức lương cao từ 3.000 bảng Anh mỗi tháng. Chúng cũng đảm bảo với các nạn nhân rằng, với vé VIP giá 30.000 bảng Anh, họ sẽ được đưa thẳng tới châu Âu với cung đường cực kỳ an toàn.

Thực chất công việc di dân sẽ làm nếu may mắn đặt chân được đến nước Anh là lao động cật lực trong các trại cần sa cũng như các tiệm làm móng.

"Vé VIP có nghĩa là bạn được đi bằng máy bay đến một quốc gia châu Âu như Pháp trong chặng đầu tiên của hành trình. Những người trả nhiều tiền hơn nghĩ rằng, họ đang đi tuyến đường an toàn hơn, nhưng nhìn chung mọi người đều gặp phải một số rủi ro nhất định và dường như họ không nhận ra điều này", Vương cho biết.

img

Lán trại tạm bợ trong một khu rừng của di dân đang chờ thời cơ vào Anh.

Tuy nhiên, chặng đầu tiên trong hành trình tới "miền đất hứa" của di dân lại không phải là chặng vất vả và nguy hiểm nhất. Chặng nguy hiểm nhất là chặng cuối khi di dân muốn vào Anh phải vượt qua biển Manche, chủ yếu bằng cách nhảy xe tải hoặc nằm im trong các thùng container chở hàng lạnh buốt được gọi là "quan tài di động".

Theo ước tính của Bộ Nội vụ Anh, khoảng 3.000 người tìm cách vượt biên trái phép, qua eo biển Manche để tới Anh, mỗi tháng. Trong năm 2018, nhà chức trách Pháp và Bỉ đã chặn bắt 35.000 vụ vượt biên trái phép với điểm đến là nước Anh.

Maddy Allen, người quản lý thực địa tại tổ chức Help Refugees, cho biết việc siết chặt các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn người tị nạn di chuyển trái phép qua eo biển Manche để tới Anh sẽ chỉ gây tác dụng ngược, khi người nhập cư buộc phải chọn những tuyến đường nguy hiểm hơn để đến nước Anh.

“Các biện pháp an ninh ở Calais và Dunkirk đang ngặt nghèo hơn, người ta buộc phải chọn những tuyến đường khác. Tình trạng này sẽ tiếp diễn nếu nhà chức trách biến những con đường an toàn trở nên nguy hiểm và khó khăn hơn cho người nhập cư", bà Allen nói.