Ngày 29/10, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phi Thạnh - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi có đơn trình báo của hai hộ dân ở xã Tam Lộc về việc hơn 4.000 cây keo trồng bị chặt phá, UBND huyện đã giao cho các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra.
“Hiện công an huyện đã phối hợp cùng Viện kiểm sát, Tòa án huyện Phú Ninh đến khu vực núi Dương Thùng, xã Tam Lộc để đo đạc và kiểm đếm số keo bị chặt phá và điều tra các đối tượng đã chặt phá cây của dân” - ông Thạnh nói.
Hơn 4.000 cây keo của 2 hộ dân xã Tam Lộc bị kẻ gian chặt ngang thân
Ông Nguyễn Phi Thạnh nói thêm, khu vực có cây bị chặt phá là thuộc đất rừng biên phòng, nhưng do tranh chấp kéo dài nên biên phòng đã chuyển lại để UBND huyện quản lý.
“Sau khi nhận chuyển giao, UBND huyện đã có phương án vận động người dân thuê đất công ích. Huyện có ý định cho thuê vài chu kỳ nếu người dân ổn định sản xuất, không tranh chấp và nếu xét thấy đủ điều kiện thì UBND huyện sẽ giao đất, giao rừng cho dân quản lý.” - ông Thạnh nói.
Ngày 28/10, bà Trương Thị Kỷ (36 tuổi) và bà Trương Thị Ánh Ngọc (38 tuổi, cùng trú thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã có đơn phản ánh về việc hơn 4.000 cây keo của hai gia đình trồng 2 năm trước bị kẻ xấu chặt hạ.
Theo bà Kỷ và bà Ngọc, vụ việc xảy ra ngày 24/10. Khi họ đi thăm rừng đã phát hiện hàng nghìn cây keo bị chặt phá, nằm chỏng chơ.
Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Phú Ninh đã yêu cầu công an điều tra làm rõ kẻ gian chặt cây của dân
“Khoảng 14h ngày 24/10, chúng tôi lên thăm rừng thì phát hiện 4.000 cây keo 2 năm tuổi bị chặt ngang gốc nằm lăn lóc. Sau đó, tôi gọi điện đến Công an huyện Phú Ninh trình báo sự việc” - bà Kỷ nói.
Bà Kỷ cho hay, khu rừng nằm tại tiểu khu 579 thuộc khu núi Dương Thùng, thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc. Đây là rừng thuộc quản lý của UBND xã Tam Lộc. Năm 2017, bà Kỷ, bà Ngọc và một hộ dân khác làm đơn xin giao khoán bảo vệ hơn 20 ha đất rừng với mục đích bảo vệ rừng và sản xuất dưới tán rừng.
“Sau khi nhận được đất, chúng tôi góp tiền mua 4.500 cây keo giống, thuê người phát rẫy, rồi trồng cây, chăm bón với số tiền hơn 70 triệu đồng. Đến nay cây phát triển và cao hơn 10m thì bị chặt phá” - bà Ngọc nói.