Dân Việt

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm muốn thí điểm "bỏ" HĐND cấp phường

Thiên Hương 29/10/2019 13:36 GMT+7
Sáng nay (29/10), Quốc hội thảo luận tại tổ về Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là hoàn toàn phù hợp, trong đó bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ mong muốn thí điểm đô thị 2 cấp ở TP.Hồ Chí Minh.

Sáng 29/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chính quyền cấp phường càng cồng kềnh, càng trì trệ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết để từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn.

Theo Dự thảo Nghị quyết, việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Khi thực hiện thí điểm thì một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường hiện nay sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương các cấp của TP.Hà Nội để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt, không bị bỏ sót.

img

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng bộ máy chính quyền đô thị cấp phường càng cồng kềnh bao nhiêu thì càng trì trệ, kém hiệu quả. 

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết này, theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội), Quốc hội cần ra Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 tại Kỳ họp thứ 8 vì 3 lý do:

Thứ nhất, nếu bộ máy chính quyền đô thị cấp phường càng cồng kềnh bao nhiêu càng trì trệ, kém hiệu lực hiệu quả bấy nhiêu. Nếu thu gọn lại, không tổ chức HĐND ở phường sẽ đảm bảo được tinh gọn đầu mối, tăng hiệu quả.

Thứ hai, chúng ta tổ chức thí điểm tại đô thị đặc biệt - Thủ đô Hà Nội với tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi có những quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền chưa phù hợp. Nếu Nghị quyết được thông qua sẽ giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn.

Thứ ba, năm 2017, 2019 Bộ Chính trị đã có 2 kết luận quan trọng số 22 và 46 trong đó có chỉ đạo thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn Hà Nội.

Về nội dung “có phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước không?”, theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Nghị quyết này hoàn toàn phù hợp. Bởi, trong Kết luận 64 Hội nghị T.Ư 7 khóa 11 đã đề cập đến vấn đề này, Hiến pháp 2013 đã quy định, Nghị quyết 56/2017 của Quốc hội cũng đã đề cập đến.

Về tính khả thi của Nghị quyết, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, Nghị quyết có tính khả thi đảm bảo hiệu lực hiệu quả của UBND phường bởi 4 lý do:

Thứ nhất, thực hiện chính quyền đô thị 2 cấp, đối với cơ quan chuyên môn của thành phố, quận, huyện phù hợp  với tính chất của đô thị, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền giữa thành phố với cơ quan chuyên môn và UBND quận, huyện, thị xã sẽ bảo đảm được hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, theo Điều 61 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND phường có 7 thẩm quyền. Những nội dung này sẽ được điều chỉnh chuyển cho HĐND quận, huyện, thị xã, bảo đảm thực hiện thống nhất, phù hợp quy định hiện hành.

Thứ ba, chế độ làm việc của UBND phường khi thực hiện thí điểm là cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã đặt trên địa bàn phường, nhiệm vụ chính của UBND phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý Nhà nước, cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của UBND quận, thị xã.

Thứ tư, hồ sơ của dự án được chuẩn bị công phu, chu đáo trong thời gian dài, phân tích rõ về lý luận, đánh giá đúng thực tiễn, thể hiện đúng chủ trương đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường thuộc quận và thị xã là phù hợp thực tiễn phát triển của quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế của thành phố Hà Nội, đòi hỏi phải cải cách bộ máy tinh gọn, giảm tầng lớp trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn, khắc phục thiếu thống nhất trong quy định của pháp luật.

Tuy nhiên cũng cần tăng quyền hạn và trách nhiệm cho chủ tịch UBND quận cũng như chủ tịch UBND phường, thị xã.

“Về an ninh ở địa phương, trật tự an toàn xã hội như thế nào thì trong chức năng, nhiệm vụ dự thảo quy định mới chỉ nói đến phòng chống tệ nạn xã hội và trật tự, vệ sinh sạch đẹp đường làng ngõ phố thôi. Tôi lo nhất phần an ninh trên địa bàn các phường, bởi vì hiện nay trên địa bàn quận Cầu Giấy chẳng hạn, phường Trung Hòa có trên 5 vạn dân, có 7.000 người nước ngoài sống. Tôi nghĩ là phải tăng trách nhiệm cho đồng chí chủ tịch UBND quận để UBND quận phải lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề này như thế nào”, bà Hoa nêu ý kiến. 

Tán thành việc bỏ HĐND cấp phường

Cùng bày tỏ sự nhất trí cao với mô hình thí điểm chính quyền đô thị 2 cấp tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) nêu qua việc đã từng thực hiện thí điểm, Hà Nội sẽ rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá về tính hiệu lực, hiệu quả, hợp lý cũng như những nhược điểm cho đề án trình ra Quốc hội lần này.

img

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đại biểu Quốc hội TP.HCM). 

Khi góp ý Luật Tổ chức chính quyền địa phương kỳ họp trước, đại biểu này tha thiết mong nên tổ chức chính quyền địa phương hợp lý, nhất là ở các đô thị lớn.

“Việc thực hiện việc thí điểm sẽ giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế bền vững chứ không còn là giảm theo ý chí, thấy đông quá thì giảm như hiện nay”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Đại biểu cũng đề xuất, TP.HCM sẽ đề nghị để được thí điểm bởi là đại diện cho khu vực phía Nam, thành phố là đô thị có nhiều đặc thù riêng.

“TP.HCM đã có đề án chính quyền đô thị khá toàn diện, hoàn chỉnh, trình ra Bộ Chính trị. Nay thành phố nên có đề xuất để Trung ương xem xét cho TP.HCM thí điểm cùng Hà Nội, tạo thêm thực tiễn để Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội xem xét thực tiễn để triển khai rộng hơn”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng cho biết: “Tôi tán thành việc bỏ HĐND cấp phường. Tuy nhiên, tôi đề nghị thiết kế trong quy định phải xem lại chức năng trong HĐND quận. Thứ nhất là cơ chế bầu cử để cho các phường không còn HĐND phường nữa nhưng mà cơ cấu HĐND quận làm sao có tính chất đại diện, tiêu biểu, bao quát cho tất cả các phường. Thứ hai là phải tổ chức tiếp xúc cử tri và tổ chức những đường dây nóng để người dân có điều kiện tiếp cận HĐND quận”.

Chiều nay, theo chương trình Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.