Dân Việt

Nông dân thu lợi lớn nhờ cây hành

20/02/2012 11:37 GMT+7
(Dân Việt) - Người dân thôn Hoa Phú, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đang thu lợi lớn từ cây hành.
img
Anh Ngô Văn Y trồng hơn 1 sào hành thơm, sau 4 tháng đã thu 2 tấn, bán được 12 triệu đồng. Hoa Phú

Theo các lão nông ở Hoa Phú, trước đây chỉ những hộ có đất màu ở đồng Vườn Dốc mới trồng hành vì khu đồng này nằm ở vị trí cao, đất đai tơi xốp, màu mỡ. Bây giờ, hành có mặt trên khắp các chân đất màu, vàn cao, từ Vườn Dốc đến Vườn Trên, Đồng Cửa, Lương Mỏ, Cây Đèn. Những xứ đồng này, trước đây, bà con chỉ trồng ngô, đỗ, khoai lang hoặc cấy 1-2 vụ lúa, nhưng lợi ích kinh tế không thể sánh được với hành thơm.

Thôn Hoa Phú có 304 hộ, thì 95% số hộ trồng hành, hộ trồng ít 5-7 thước, hộ trồng nhiều 2-3 sào. Tổng diện tích hành thơm của thôn năm nay gần 7ha, chiếm 22% diện tích hành thơm toàn xã Bình Dương.

So với diện tích cấy hai vụ lúa, thì diện tích hành thơm chỉ chiếm khoảng 12%, nhưng đã làm tăng đáng kể thu nhập cho ND. Ước tính, bình quân mỗi sào hành thu nhập từ 12-15 triệu đồng/vụ (324-405 triệu đồng/ha), sau khi trừ các khoản chi phí. Nhiều hộ sau mỗi vụ hành lại sắm thêm ti vi, tủ lạnh, xe máy...

Chị Lê Thị Phương có 2 sào 5 thước trồng hành, cho biết: “Hành thơm năm nay phát triển khá mạnh, bán lại được giá, nên thu nhập cao. Ba tháng đầu vụ, tôi bán được 6 lứa hành, bình quân mỗi lứa 350kg, giá bán khi cao điểm là 13.000 đồng/kg, được tổng cộng 27 triệu đồng”.

Hỏi về chi phí, chị Phương cho biết: “Cả vụ trồng hành (từ đầu tháng 8 âm lịch năm trước đến giữa tháng 4 âm lịch của năm sau) bình quân mỗi sào chi phí tiền giống khoảng 700.000 đồng, vật tư gần 1 triệu đồng, toàn ruộng chi hết 5,1 triệu đồng. Tuy nhiên, trồng hành đòi hỏi khá nhiều thời gian cho việc tưới, chăm bón, thu hoạch, việc nào cũng phải chu đáo, đúng kỹ thuật mới đạt hiệu quả kinh tế cao”. Ngoài nguồn thu từ hành, chị Phương cũng như các hộ khác trong xã còn có nguồn thu vài ba triệu đồng/sào từ 1-2 lứa rau mùi trồng xen hành (mỗi lứa 40 ngày).

Hành Hoa Phú được các tư thương chủ yếu là người Thổ Tang đến hợp đồng mua bán tận ruộng, tận nhà.