Dân Việt

Nhóm di cư xua đuổi, từ chối được Pháp cứu để vào Anh

Ánh Ngọc 30/10/2019 14:30 GMT+7
15 người Iran vượt eo biển Anh trái phép bằng xuồng từ chối sự hỗ trợ của Pháp để được lực lượng Anh kéo vào bờ biển nước này.

"Những người di cư xua đuổi tàu tuần tra Pháp và tỏ ra khó chịu bởi họ không muốn quay lại Pháp. Sau đó, họ đã vào trong lãnh hải của Anh nên phải được người Anh hỗ trợ", một nguồn tin giấu tên cho biết.

Sự việc xảy ra vào khoảng 6h45 ngày 27/10 và được các hành khách trên một chiếc phà đi qua eo biển Anh chứng kiến. "Chiếc xuồng lún rất sâu xuống mặt nước và nhóm di cư bắn pháo sáng để cầu cứu", nhân chứng tên Martin Cassidy kể lại. 

img

Chiếc xuồng màu cam được nhóm di cư Iran dùng để vượt biển. Ảnh: Steve Finn Photography.

"Chiếc xuồng nhỏ màu cam còn cách bờ biển Anh khoảng hơn 3 km. Trời vô cùng lạnh và biển động, nên họ hẳn phải rất ướt. Phà của chúng tôi giữ khoảng cách an toàn với chiếc xuồng, nhưng vẫn chạy vòng quanh tới khi trực thăng của lực lượng tuần duyên tới. Sau đó chúng tôi nhìn thấy hai chiếc thuyền của tuần duyên ra khỏi cảng Dover", Cassidy nói. 15 người đàn ông đã được Lực lượng Biên phòng Anh kéo vào cảng. 

Bộ Nội vụ Anh sau đó xác nhận sự việc, nói thêm rằng họ đang làm việc với các đối tác trên khắp châu Âu và nhiều khu vực để giải quyết vấn đề nhập cư trái phép. "Gần đây chúng tôi đã thống nhất một kế hoạch với Pháp, nhằm tăng gấp đôi việc tuần tra bờ biển nước này và chống lại các băng đảng tội phạm, ngăn người nhập cư vượt eo biển bằng xuồng nhỏ", một phát ngôn viên cho hay. 

Sự việc diễn ra trong bối cảnh nhà chức trách Anh đang điều tra về cái chết của 39 người trên thùng xe container đông lạnh được đưa từ Bỉ tới hạt Essex rạng sáng 23/10. Maurice Robinson, tài xế điều khiển chiếc xe, đối mặt 39 cáo buộc ngộ sát, hai cáo buộc buôn người và một cáo buộc rửa tiền.

Ba nghi phạm khác bị bắt, gồm một người đàn ông 38 tuổi, một phụ nữ 38 tuổi và một người đàn ông 46 tuổi, đều được tại ngoại cho đến tháng 11. Cảnh sát Anh đang truy nã thêm hai nghi phạm là Ronan Hughes và Christopher Hughes do nghi ngờ dính líu đến sự cố.