Nghiệp trồng cần
Theo Aljazeera, các băng đảng tội phạm và lực lượng người nhập cư bao gồm nhiều lao động đến từ Việt Nam đang duy trì hoạt động của ngành công nghiệp cần sa trị giá hàng tỷ USD của Anh.
Cuong Nguyen, hiện 41 tuổi là một trong hàng nghìn người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh rồi gia nhập nghành công nghiệp cần sa tại đây.
Cuong Nguyen, 41 tuổi, quê Hải Phòng từng bám gầm xe tải để tới Anh.
Cuong được thuê trồng cần sa trong nhà ở một vùng ngoại ô vắng vẻ ở Bristol. Công việc đơn giản, có phần nhàn hạ với người đàn ông này. Tất cả những gì Cuong cần làm là sáng dậy sớm ăn sáng rồi chuẩn bị chăm nom những cây cần sa.
"Mỗi ngày tôi dậy sớm, ăn sáng, rồi chuẩn bị mọi thứ để chăm cây cẩn thận. Phải đặt cây dưới ánh sáng trong 2 tiếng rồi mới được tưới", Cuong chia sẻ.
Mặc dù công việc đơn giản nhưng nỗi lo sợ bị cảnh sát bắt luôn thường trực trong Cuong. Cảnh sát Anh đã triệt phá rất nhiều trại trồng cần sa, trong đó có những trại do người Việt điều hành. Người ta trồng cần sa ở đủ các địa điểm: từ chuồng chó, quán bar, các căn phòng trong một ngôi nhà, cho đến những bệnh viên bỏ hoang hay hầm ngầm tránh vũ khí hạt nhân...
6 tháng trồng cần sa êm xuôi, cuối cùng cảnh sát cũng phát hiện ra vườn cần sa của Cuong. Người đàn ông Việt hoảng sợ, cố vơ vội mọi thứ có thể vào trong 1 túi rác (bao gồm cả những cây cần sa) rồi bỏ chạy thục mạng. Lần đó Cuong thoát nạn, nhưng chẳng được bao lâu, người đàn ông này lại quay về "nghiệp" trồng cần, lần này là trong một khách sạn gần thành phố Bristol.
Cuong cho biết, anh ta kiếm được 19.000 USD nhờ trồng cần sa nhưng số tiền đó chẳng thấm tháp gì vì ông chủ của Cuong đã lừa anh ta hàng nghìn USD.
Kiếm tiền bằng mọi giá
Cuong xuất thân từ một vùng quê nghèo ở Hải Phòng. Thời trai trẻ, anh ta chơi bời rồi dính vào ma túy và phạm tội lừa đảo. Nghe nói tới Anh dễ kiếm tiền, năm 2008, Cuong trả 15.000 USD cho một đường dây buôn người rồi lên đường sang Anh với giấc mộng đổi đời.
Hành trình tới "miền đất hứa" của Cuong cũng khó khăn, gian khổ tương tự 39 người bị phát hiện chết trong chiếc xe container ở thị trấn Grays, hạt Essex ở Anh hôm 23/10 mới đây.
Dùng hộ chiếu giả do những kẻ buôn người cấp cho, Cuong theo chân một đoàn du lịch hướng đến châu Âu. Đến Pháp anh ta tách đoàn, tìm đường đến một khu trại dành cho người nhập cư trái phép ở Calais. Đây là nơi người di cư tập họp để tìm kiếm cơ hội đặt chân đến Anh. Cuối cùng, Cuong cùng 3 người Việt khác đã bám vào gầm xe tải đi cả đêm để qua mặt cảnh sát , chính thức đặt chân lên "miền đất hứa".
"Ngã xuống là chết", Cuong kể về việc bám gầm xe tải nhập cư lậu vào Anh với quyết tâm làm mọi thứ để kiếm tiền.
"Tất cả những gì tôi muốn là tiền, dù hợp pháp hay không", Cuong nói.
Sau một thời gian làm thuê có chút vốn liếng, Cuong Nguyen chuyển tới London, bán cần sa và đào tạo "lính" mới trồng cần.
Năm 2014, Cuong bị bắt vì tội hút cần. Dấu vân tay của Cuong tố cáo anh ta chính là người trồng cần ở Bristol. Cuong bị kết án 10 tháng tù rồi bị trục xuất về Việt Nam với 2 bàn tay trắng.
Nạn cưỡng ép lao động trồng cần ở Anh
Cảnh sát loại bỏ những cây cần sa được sấy khô trong vườn trồng cần sa ở Birmingham, Anh
Không phải ai cũng tự nguyện dấn thân vào ngành công nghiệp cần sa ước tính mang lại lợi nhuận lên tới 4,5 tỉ đô mỗi năm như Cuong. Không ít người - bao gồm trẻ em - bị những kẻ buôn người lừa đưa sang Anh và bị ép phải làm việc như "nô lệ" trong các trại trồng cần.
Những kẻ buôn người thường dùng những lời có cánh để thuyết phục các nạn nhân ở các vùng quê nghèo khao khát kiếm tiền nhanh, ôm mộng đổi đời tới châu Âu làm việc với mức lương hấp dẫn.
Chúng cũng khẳng định với các nạn nhân rằng hành trình tới trời Âu "100% an toàn" và thu của họ hàng chục nghìn USD lệ phí. Một vé tới châu Âu thường có giá lên tới 40.000 USD bao gồm tiền làm giấy tờ giả, mua vé máy bay tới Đông Âu rồi nhảy xe tải vào Anh.
Một khi các nạn nhân nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt, dấn thân vào hành trình tới Anh, họ trở thành con nợ cho những kẻ buôn người và phải chấp nhận làm việc trong nhà thổ, các tiệm làm móng, hoặc đi trồng cần sa để kiếm tiền trả nợ.
Theo số liệu của tổ chức Chống nô lệ quốc tế, có ít nhất 3.100 người Việt (gồm cả người lớn và trẻ em) tại Anh được xác định là nạn nhân của các tổ chức buôn người trong giai đoạn 2009 - 2018.