Kết thúc niên độ 2018 – 2019, Thủy sản Hùng Vương tạo ra 2.881 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 31% qua đó báo lỗ gần 189 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 190 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh niên độ của Hùng Vương báo lỗ gần 189 tỷ đồng
Cụ thể, CTCP Hùng Vương (mã HVG) mới đây đã công bố báo cáo tài chính riêng quý IV niên độ 2018 – 2019 (bắt đầu ngày 1/10/2018 kết thúc ngày 30/9/2019) với kết quả kinh doanh tụt dốc.
Báo cáo tài chính cho niên độ kết thúc ngày 30/9 của Hùng Vương ghi nhận giá vốn vượt doanh thu khiến lỗ gộp quý cuối năm hơn 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 94 tỷ. Không còn thu nhập bất thường từ thanh lý các khoản đầu tư nên doanh thu tài chính giảm mạnh còn 3 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Hùng Vương lỗ sau thuế hơn 84 tỷ đồng.
Luỹ kế doanh thu cả niên độ của Hùng Vương xấp xỉ 2.900 tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu mang về hơn 700 tỷ đồng và giảm gần phân nửa so với năm ngoái. Các mảng kinh doanh của doanh nghiệp đầu ngành cá tra đều tăng trưởng âm, điển hình như sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã đậu nành, bắp, lúa mì...) không còn ghi nhận doanh thu do đã thoái vốn tại Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng xuống dưới mức kiểm soát.
Hùng Vương báo lỗ sau thuế cả niên độ tài chính 189 tỷ đồng. Con số này kém xa kết quả năm ngoái lẫn kỳ vọng của ban lãnh đạo về mức lãi hơn 255 tỷ đồng cho hai mảng kinh doanh chính là cá và thức ăn thủy sản trong năm nay. Khoản lỗ này khiến luỹ kế lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lún sâu xuống mức âm 618 tỷ đồng.
Tình hình tài chính ảm đạm nhưng cổ phiếu của doanh nghiệp này trên sàn chứng khoán lại diễn biến ngược lại. Từ giữa tháng 10 đến nay, dù bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, HVG vẫn liên tiếp tăng điểm. Trong 9 phiên giao dịch gần nhất thì có 5 phiên tăng trần, giúp thị giá nhảy vọt từ vùng 2.700 đồng lên gần 4.200 đồng.
Bộ thương mại Mỹ công bố kết quả về thuế chống bán phá giá POR14 đối với lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ...