Dân Việt

Vụ "39 thi thể trong container": Buồn, lo ở xã có hàng trăm biệt thự

Nhóm PV 30/10/2019 20:33 GMT+7
Về xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), PV không khỏi choáng ngợp bởi ở đây có quá nhiều căn biệt thự lộng lẫy. Tuy nhiên, dưới bóng của những căn nhà, câu chuyện về những người mất liên lạc khi đi Anh là chủ đề mà nhiều người quan tâm nhất.

Chờ đợi một phép màu

Những ngày này về xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đi khắp các thôn xóm trong xã, ở đâu cũng thấy người ta nói về vụ việc 39 thi thể được phát hiện chết trong container ở Anh. Người dân càng hoang mang hơn khi có thông tin, nhiều người trong số đó là con em của xã Đô Thành.

img

Những căn biệt thự nằm sát nhau tại xã Đô Thành.

“Cả xã tôi một tuần nay ai cũng ngóng một tin chính thức từ cơ quan chức năng xem thông tin có chính xác không, đặc biệt là những gia đình có con nghi thiệt mạng khi đi xuất khẩu lao động. Chúng tôi là người ngoài còn thấy sốt ruột huống gì họ” – một người dân thông tin.

Tại những gia đình có người thân nghi thiệt mạng trong vụ việc, PV ghi nhận được bầu khí nặng nề đang bao trùm các gia đình này, có những nhà đã lập bàn thờ vọng cho con cháu nhưng vẫn mong đợi thông tin từ cơ quan chức năng. Đến bây giờ vẫn chưa có một thông tin chính thức nào xác nhận những người tử vong là người thân của họ. Hàng ngày họ đón nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viện, chia sẻ. Hàng xóm, láng giềng thường xuyên lui tới để trò chuyện cùng họ cho vơi nỗi buồn, nỗi nhớ người thân.

Cũng có nhiều cán bộ từ trung ương đến địa phương đã đến lấy thông tin người thân để gửi đi xác minh. Có cán bộ đến lấy móng tay, tóc đưa đi xét nghiệm AND để xác định danh tính các nạn nhân trong vụ việc.

Trong cuộc nói chuyện, đôi mắt của họ thường đỏ hoe, thẫn thờ mỗi khi nhắc tới người thân, thậm chí có người còn khóc òa lên khi kể về con, về cháu. Chứng kiến cảnh này, chúng tôi đã không thể cầm lòng. 

img

Nhiều người vẫn chờ mong tin tức của người thân.

Xã có hàng trăm căn biệt thự

Dạo quanh một vòng quanh xã Đô Thành, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh những căn biệt thự tiền tỷ được thiết kế rất hiện đại.

Người dân cho biết, những ngôi nhà này đa số được xây dựng từ tiền đi xuất khẩu lao động. Các căn nhà nằm sát nhau làm cho người nhìn có cảm giác đang đứng trước một khu đô thị được quy hoạch rõ ràng chứ không phải đang ở một vùng quê của tỉnh Nghệ An. Nhiều chiếc xe ô tô đắt tiền cũng xuất hiện tại địa phương này.

Xã Đô Thành nhiều năm nay được mệnh danh là “xã tỷ phú”. Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Đô Thành mới đây khi trả lời truyền thông đã cho hay, hiện toàn xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động. Trong đó 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu; 1.047 người đi làm việc, buôn bán tại Lào; 439 người đang làm việc tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Nhờ số tiền con em làm ăn xa gửi về mà Đô Thành có hơn 4.000 hộ thì 3/4 trong số đó có nhà 2 tầng trở lên. Hàng trăm hộ có xe ô tô, biệt thự.

Trong một lần trả lời báo chí năm 2013, một lãnh đạo huyện Yên Thành đã cho biết, từ năm 2005, tỉnh Nghệ An đã cho phép huyện mở dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện.

Mỗi năm, số ngoại tệ được chuyển về khoảng 13 triệu USD đúng luồng và khoảng 12 triệu USD qua dịch vụ tư nhân. Trong tổng số 25 triệu USD mỗi năm của toàn huyện thì số lượng ngoại tệ được chuyển về Đô Thành luôn đứng hàng đầu.

Tiếp xúc với các cao niên trong xã, PV được biết, trước đây nghề chính của người dân là làm nông nghiệp nhưng quanh năm bám vào mấy sào ruộng nên làm mãi vẫn không đủ ăn, cái đói cứ bám lấy các hộ gia đình.

Xã này ngày trước cũng nổi tiếng với nghề mộc, tuy nhiên, đến những năm của thập niên 90, thị trường có nhiều biến động, làng nghề làm mộc mọc lên như “nấm sau mưa”, chính vì thế mà giá cả đi xuống, làm không có lãi. Nghề càng ngày càng mất vị thế nên người dân không còn mặn mà.

Cùng thời điểm đó, giao thương với các nước bắt đầu phát triển. Vốn nhanh nhạy, nắm bắt kinh tế thị trường, thời cơ rất tốt, dân xã Đô Thành bắt đầu xuất ngoại kiếm tiền về xây dựng gia đình, quê hương.

Những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước, các lao động ở Đô Thành bắt đầu đi xuất khẩu lao động sang Đức, Ba Lan, Anh,… để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Lúc đầu chỉ ít người đi, nhưng sau do làm ăn được nên lượng người “xuất ngoại” ngày càng nhiều.

Chính vì làm ăn được nên nhiều người đã về quê kéo theo anh em, họ hàng qua để cùng làm. Sau một thời gian làm việc bên xứ người, các lao động đã đem số tiền kiếm được về trang trải cuộc sống cho gia đình. Vùng quê nghèo từ đó cũng bắt đầu thay da đổi thịt.

Trước khi rời xã Đô Thành, chúng tôi còn quan sát thấy, dưới bóng của những căn biệt thự, câu chuyện về những người mất liên lạc khi đi Anh vẫn là chủ đề mà nhiều người quan tâm nhất.