Từ nhôm, đến lụa và nguy cơ hàng điện tử, gỗ … đều có thể "đội lốt"
Vụ việc bắt giữ và lưu tại Việt Nam hàng triệu tấn nhôm của Trung Quốc chờ xuất đi Mỹ đã được phát hiện từ năm 2016 và đến nay vẫn đang trong quá trình xử lý. Tuy nhiên, đây không phải mặt hàng duy nhất mà Việt Nam có nguy cơ bị lẩn tránh thuế từ Trung Quốc.
Năm 2018, dư luận Việt Nam rúng động với việc thương hiệu lụa Khaisilk, một thương hiệu được xem là sản phẩm cao cấp của Việt Nam được nhiều nơi làm quà tặng như quốc hồn, quốc tuý bị làm giả.
Mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhãn mác “Made in China” - sản xuất tại Trung Quốc bị cắt bên cạnh nhãn mác “Made in Vietnam” trên cùng một sản phẩm. Vụ việc rúng động sau đó đã gây bão dư luận, thị trường tẩy chay, doanh nghiệp bỏ thương hiệu, bỏ hệ thống bán sản phẩm này và thừa nhận đã cắt mác sản phẩm Trung Quốc để dán mác sản phẩm Việt Nam.
Sau sự cố, niềm tin của người tiêu dùng Việt bị tổn thương và uy tín của thương hiệu Việt bị ảnh hưởng theo khi một thương hiệu lớn như Khaisilk cũng làm ăn gian dối.
Với mặt hàng điện tử, điện gia dụng, Trung Quốc vốn được coi là công xưởng của các mặt hàng điện tử, nơi có đủ mặt của các nhà sản xuất lớn từ Mỹ, Đức, Nhật hay Hàn. Chính vì vậy, việc chỉ sang Trung Quốc nhập linh kiện, thậm chí sản phẩm bán thành phẩm về nước lắp ráp sau đó dán nhãn xuất xứ tại lắp ráp và bán tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu là chuyện đã và đang diễn ra trong môi trường toàn cầu hoá, chuyên môn hoá.
Tuy nhiên, câu chuyện nhập linh kiện, lắp ráp về rồi hoàn thành sản phẩm, xuất đi nước ngoài được quản lý bởi nhiều quy định của pháp luật, cao nhất là của WTO, với mức thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) và quy tắc truy xuất xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, linh kiện (C/O). Điều này giúp các sản phẩm được quản lý chính xác nguồn gốc, xác định được đúng % tỷ lệ nội địa hoá ở mỗi quốc gia và từ đó xác định giá trị sản phẩm và cách áp đặt thuế quan, phi thuế quan.
Nhưng đối với sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, câu chuyện xác định tỷ lệ nội địa hoá đủ để đạt tiêu chí sản phẩm đó được sản xuất, nội địa hoá bao nhiêu %, nghiên cứu tại Việt Nam nhằm dán nhãn “Made in Vietnam” hay “Producted in Vietnam” không có. Mới đây, sau vụ Asanzo bị tố nhập hàng Trung Quốc về, bóc tem, dán mác “Made in Vietnam”, Bộ Công Thương mới xây dựng Thông tư hướng dẫn.
Ngoài lụa, sản phẩm điện tử thì sản phẩm gỗ ép, ván ép của Việt Nam xuất khẩu cũng đang được cơ quan hải quan, lực lượng chống buôn lậu liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia lưu ý trong thời gian qua. Theo đó, đã có hiện tượng nhà đầu tư vốn mỏng, lập nhà xưởng nhưng thực chất là nhập gỗ thành phẩm, sơ chế qua, sau đó xuất đi hoặc tiêu thụ trong nước.
Vì sao Việt Nam bị lợi dụng lẩn tránh thuế và xuất xứ?
Độ mở thị trường Việt Nam hiện nay rộng nhất thế giới, theo thống kê hiện Việt Nam có khoảng 17 hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTAs) với các nền kinh tế, trong đó có nhiều hiệp định lớn với các đối tác như ASEAN, với EU, với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Úc, New Zealand.
Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm, loại bỏ thuế nhập nhập, hệ thống chính sách phi thuế quan của Việt Nam dù có song cơ chế sàng lọc, ngăn chặn còn yếu kém.
Bên cạnh đó, hàng giả, hàng lậu từ bên kia biên giới, nhập lậu theo đường mòn, lối mở vào Việt Nam qua biên giới trong nhiều năm diễn biến hết sức khó lường và khó kiểm soát.
Thông thường, các quốc gia là thành viên của WTO sẽ có hàng rào SBS (gọi tắt là kiểm dịch động thực vật, dịch tễ liên quan đến sức khoẻ người và vật nuôi) và hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ (BTB).
Ví dụ như tại Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan, khi Việt Nam là nước có dịch tả heo châu Phi, các nước này đã cấm nhập các loại sản phẩm, sản phẩm chế biến sâu thịt heo như (ruốc heo) nhập vào các nước, lãnh thổ này. Trong khi đó, việc quản lý hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ từ các nước vào Việt Nam vẫn đang là vấn đề nan giải.
Bằng chứng là việc hàng loạt dây chuyền, thiết bị cũ của Trung Quốc vẫn được nhập vào Việt Nam thông qua vốn đầu tư, dịch chuyển mua bán sáp nhập của các công ty Trung Quốc đối với các công ty Việt Nam. Các ngành, nghề mà Việt Nam sử dụng công nghệ cũ, công nghệ rác thải từ Trung Quốc nhiều năm qua đơn cử nhiều nhà máy như xi măng, sắt thép, nhiệt điện, rồi đến sản xuất nhựa, tái chế nhựa phế thải…
Bên cạnh việc quản lý lỏng lẻo, sự chủ động vi phạm luật pháp, lách luật của các đối thủ ngày càng tinh vi hơn đã khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trong các cuộc đấu trí về thương mại giữa các nước lớn. Đặc biệt, trong đó có việc nhiều nước đã trực tiếp trợ giá sản phẩm, trợ giá xuất khẩu nhằm cạnh tranh xấu, cạnh tranh bẩn hàng Việt trên chính thị trường sân nhà cũng như khiến các bạn hàng của Việt Nam cảnh giác, nghi ngại.
Việc ngành, lĩnh vực xuất khẩu được Chính phủ một só nước hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau đã khiến lợi thế quy mô, cạnh tranh của hàng hoá nước nhập khẩu vào Việt Nam có lợi thế rất lớn.
Điều này, khiến một số ngành hàng của Việt Nam khó cạnh tranh, thậm chí bị sức ép cực lớn. Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể bị biến thành thị trường, phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu chiến lược nếu không có giải pháp căn cơ chống hàng lẩn tránh xuất xứ, điều tra chống bán phá giá, điều tra việc trợ cấp từ Chính phủ các nước.