Thoát thân khỏi khu trại, tìm đường mới qua Anh
Ờ kỳ 1 loạt bài này với nhan đề "Người rơm Việt và hồi ức kinh hoàng về hành nhập lậu vào Anh", anh N.T, một nhân chứng đã từng di cư lậu từ Pháp sang Anh gần 10 năm trước kể lại cho PV Dân Việt những ký ức ám ảnh anh đã phải trải qua trên hành trình tìm tới xứ thiên đường của mình.
Để thoát khỏi lán là điều cực khó. “Người chăn gà” canh chừng rất chặt chẽ, trong tay luôn lăm lăm khẩu súng. Trên đường di chuyển ra lán trại, chúng đặt nhiều bãi đinh, bãi chông… Nếu giẫm nhầm, chắc chắn người bị nạn tàn phế. Nếu để “người chăn gà” bắt được, sẽ là một trận đòn nhừ tử, thậm chí người bỏ trốn sẽ bị giết để bịt đầu mối.
Anh T khi đã đến Anh. (Ảnh: NVCC)
“Thật may, tôi đã có kinh nghiệm để vận dụng những kiến thức có được hòng thoát khỏi bãi đinh, bãi chông đó”, anh T cho biết.
Sau khi thoát được, anh T đã tìm một tổ chức khác để có thể đưa sang Anh. Tổ chức này đưa anh T vòng qua Bỉ rồi sang Anh. Con đường này ít bị kiểm soát gắt gao hơn con đường từ Pháp sang Anh. Một số người Việt nằm trong đường dây đưa người nhập cư trái phép không làm trực tiếp ở Bỉ, mà qua những người Afghanistan.
“Con đường tôi đi ở đây sẽ vào container lạnh và khả năng vào được Anh trót lọt sẽ cao hơn những lần trước. Nhưng ở trong container bịt kín cũng đầy nguy hiểm. Nếu trước khi đi, mình thực hiện các lỗ khoan để lấy khí không cẩn thận, lỗ khoan không thành, tất cả sẽ chết ngạt trong container”, anh T nói.
Sau một thời gian chờ đợi, anh T cùng những người nhập cư bất hợp pháp sang Anh được chở từ Pháp qua biên giới Bỉ, tại đây những người Afghanistan đã chờ để tiếp nhận nhóm anh.
Anh T cho biết: “Khi thùng container được mở ra, nhóm người Afghanistan bảo chúng tôi đi vào trong. Tôi chống cự không vào, vì lo sợ khả năng bị chết ngạt rất cao. Nhóm người Afghanistan trấn an tôi bằng việc giải thích container chở rau củ quả sẽ không để nhiệt độ quá lạnh, độ an toàn cao. Chúng cũng đe dọa nếu tôi chống cự sẽ bị đánh. Không còn cách nào khác, tôi đành bước vào thùng container và phó mặc số phận cho ông trời”.
Cận kề cái chết
Nhóm anh T ngồi co ro trong xe chở container, được xe chở xuống cảng Zeebrugge của Bỉ lúc 6 giờ sáng. Sau đó, xe di chuyển sang phà mất 5 tiếng để tới cảng Purfleet, Anh. Thời điểm sau đó, lượng oxy trong container bắt đầu giảm mạnh.
“Đây là những thời khắc tôi không thể quên trong cuộc đời, khi phải cận kề với cái chết chỉ còn trong gang tấc. Trong container lạnh quá, râu quanh miệng của tôi dựng đứng lên và đóng tuyết. Chúng tôi như bị bịt đường thở khi lượng oxy cũng giảm mạnh.
Tất cả chuyển từ trạng thái minh mẫn sang lo sợ, hoảng loạn. Mấy người cố gắng đập vào thùng xe, nhưng mãi không có ai nghe để dừng xe container lại. Có người chỉ biết cầu mong phép màu xảy ra khi sự tuyệt vọng ngày càng lớn. Rồi chúng tôi đuối dần, không còn sức lực để làm được gì nữa”.
Góc rừng Calais nơi có người Việt chờ vượt sang Anh.
“Chính trong khoảng khắc đó, trong đầu tôi các hình ảnh về những người thân trong gia đình, về vợ, con, về ba mẹ, về quê hương lại chạy qua như một cuốn phim tua chậm. Lúc đó chẳng nghĩ đến tiền, chỉ mong thoát được ra ngoài sẽ lập tức quay về Việt Nam, sống với gia đình”, anh T tâm sự.
Thật may mắn, đúng lúc anh T và những người đi cùng bắt đầu lả đi, có người ngất xỉu thì xe container vào nhà máy và dừng lại.
Người tài xế xuống mở container và anh T lờ mờ nhìn thấy sự bàng hoàng, kinh hãi của gã lái xe khi phát hiện nhóm của anh đang nằm la liệt trong thùng container.
“Chúng tôi như vừa trở về từ địa ngục. Không khí ùa vào, sự sống được nảy mầm trở lại, tất cả đều gắng hít căng lồng ngực những luồng oxy của sự sống, của tự do, nhưng cũng là của những tháng ngày tủi nhục cộng dồn lại. Tất cả gượng lấy chút sức lực còn sót lại để bước ra container, chào đón ánh mặt trời ở vùng đất mà suốt thời gian qua đã “vật vã” chiến đấu để tìm đến nó”, anh T bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc khó quên đó.
Sau đó, tài xế gọi cảnh sát khu vực và khi xe cảnh sát đến nơi thấy nhóm anh T lạnh run người nên đưa cả nhóm vào trong ô tô để sưởi ấm.
Những ngày tháng quần quật… “trồng cỏ”
Sưởi ấm xong, cảnh sát đưa nhóm anh T về đồn và dùng một số dữ liệu để xác định người nhập cư lậu thuộc quốc tịch nước nào. Anh T bị giam 5 ngày, sau đó cảnh sát gọi điện cho Cục Di dân và bàn giao tất cả cho Cục.
Cục Di dân cấp cho anh T phiếu để đi trình diện hàng tháng trước khi thả anh ra, kết thúc hành trình từ Pháp sang Anh. Sau đó, anh tìm về người thân đang sống ở nước Anh và bắt đầu chuỗi ngày sống ở đất nước từng hình dung qua lời kể là “xứ thiên đường”.
Lực lượng chức năng tại Anh đang làm rõ vụ 39 người thiệt mạng tại hạt Essex. (Ảnh minh họa)
Nhấp một ngụm cà phê, anh T chậm rãi tiếp câu chuyện: “Ở nước Anh, người Việt ở vùng nào sẽ sống trong khu vực đã được xác định. Hai tháng đầu không có việc làm, tôi rất nản, lo nghĩ về khoản tiền vay nợ ở nhà không biết lấy đâu ra để trả cả gốc và lãi”.
Sau đó, anh T tìm được ông chủ và họ nhận anh về “trồng cỏ”. Anh T được đưa vào nhà kín, thời gian đầu phải học cách “trồng cỏ” từ những người trồng cỏ trước, sau đó sẽ thử trồng.
“Có thời điểm, mỗi ngày tôi phải vác 30-40 bao đất để trồng, làm quần quật suốt nhiều ngày như vậy. Giờ nghĩ lại thấy cuộc đời lúc đó khổ nhục, đâu có như thiên đường mà mình tưởng tượng. Đồng tiền không ở đâu dễ kiếm. Cuộc sống trong nhà kín lại không được dùng smartphone, chỉ có điện thoại đen trắng. Thức ăn, nước uống có đường dây đưa vào để tự nấu và ăn một mình. Đến khi ngủ phải vào toa lét nằm, nhường chỗ trong nhà để trồng cỏ”, anh T nhớ lại.
Sau 3 tháng trồng, cần sa sẽ thu hoạch được. Việc thu hoạch cũng chỉ mình anh T, rồi có người đến chở đi. Bán được vụ đầu sẽ ăn chia theo kiểu 6/4 (ông chủ 6, người trồng 4). Và số tiền đó được ông chủ chuyển về cho gia đình anh T trả nợ.
Vụ trồng đầu tiên xong, anh T được ông chủ cho đi ra ngoài ăn chơi, sau vài ngày phải quay lại trong căn nhà kín và bắt đầu trồng vụ mới.
Từ vụ trồng thứ hai trở đi mỗi tháng người chủ cho anh T ra ngoài 2 lần. Mỗi lần ra từ 7 giờ sáng và phải cải trang thành sinh viên rồi ngồi uống cafe, chụp hình, hết buổi quay về lại nhà kín.
Anh T cho hay: “Tôi đã đổi qua rất nhiều điểm trồng cần sa, từ nhà ở đến nhà xưởng, biệt thự, chung cư và ở nhiều thành phố khác nhau. Cuộc sống chỉ quanh quẩn bên cây cần sa, dưới bóng đèn 600W. Đang sống một mình mà nghe tiếng gõ cửa là sợ bắn người lên. Sợ cảnh sát và sợ bọn cướp đến cướp cần sa. Lúc đó thì chủ sẽ đánh đập không thương tiếc. Tôi thấy thương nhất là mấy cô con gái đang tuổi đôi mươi, qua bên này trồng cần đánh mất đi tuổi thanh xuân. Đã có nhiều người bỏ mạng trong nhà trồng cần sa, người bị cướp giết, người chết vì bệnh tật, chập điện, cháy nhà, người không chịu được cuộc sống đó cũng tìm cách tự tử…”.
Sau 4 năm quẩn quanh việc trồng cần sa trong nhà kín ở nước Anh, anh T bắt đầu nghĩ đến việc hồi hương, về với gia đình.
Anh T tâm sự: “Trước khi tìm đường sang Anh, tôi đã xác định phải kiếm đủ tiền về nuôi gia đình. Sau 4 năm, thấy thành quả mình làm cũng kha khá nên tôi nghĩ tới việc phải về, dù thời điểm đó mỗi tháng tôi có thể có tới một tỷ đồng. Tôi suy nghĩ về câu nói của Khổng Tử: Bắt đầu công việc là người giỏi, biết làm việc là người tài, biết dừng lại đúng lúc là vĩ nhân”.
Anh T tìm cách xin Đại sứ quán cung cấp lại hộ chiếu, sau đó làm các thủ tục rồi bay thẳng từ London về Hà Nội.
“Tới Nội Bài rồi, tôi mới gọi điện cho vợ ra đón về Quảng Bình. Đặt chân về quê hương, lúc đó tôi mới thấm thía câu không đâu bằng nhà mình. Tôi đã phải trải qua những năm tháng cực khổ nơi đất khách quê người, thậm chí nhiều lần đối mặt với cái chết cận kề nên hiểu rất rõ cái giá của cuộc sống tự do ở quê nhà. Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời khuyên chân thành tới các bạn trẻ, những bạn đang mơ tưởng về một cuộc sống an nhàn ở xứ thiên đường, với tiền tỷ… để về xây nhà lầu, mua xe hơi”.
Những khó khăn, nguy hiểm của người muốn "đổi đời" là không thể cân đong, đo đếm. (Ảnh minh họa)
“Không bao giờ có điều đó đâu. Cái giá mà các bạn phải trả, cũng như tôi đã trả là rất đắt. Tôi may mắn vẫn có người thân, gia đình luôn bên mình những lúc khó khăn. Tôi may mắn khi đã được ông Trời thương để cho tôi có ngày hôm nay. Nhưng các bạn, tôi không dám chắc điều may mắn đó sẽ xảy ra với các bạn. Có thể các bạn sẽ tiền mất tật mang, thậm chí không có đường về nữa. Vậy nên, hãy hài lòng và làm hết sức mình với những gì mình đang có ở quê hương, đừng mơ những giấc mơ không có thật, vì có thể nó sẽ trở thành cơn ác mộng với bạn và gia đình”, anh T chốt lại câu chuyện với Dân Việt.
(Tiếp theo và hết)