Thiếu tiềm lực hỗ trợ thi tay nghề
Mặc dù chất lượng GDNN của Việt Nam đã được cải thiện nhưng vẫn còn thua kém nhiều so với một số quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới. Điều này được chứng tỏ qua các cuộc thi tay nghề trong khu vực và quốc tế.
Mới đây, tại hội thảo tổng kết kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng từ cuộc thi tay nghề, ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH) cho biết, liên tục nhiều năm liền Việt Nam nằm trong top đầu trong cuộc thi nghề ở khu vực. 3 năm (2004, 2006, 2014) Việt Nam là quốc gia xếp thứ nhất trong kỳ thi tay nghề ASEAN. Mặc dù vậy, năng lực tay nghề Việt Nam vẫn xếp sau Singapore, Thái Lan và Indonesia. Còn với những kỳ thi tay nghề thế giới, trong 8 năm trở lại đây, Việt Nam cũng giành huy chương. Tuy thành tích dần tăng, nhưng lần gần nhất tại Nga (tháng 7/2019) Việt Nam chỉ đạt 1 Huy chương Bạc và 8 chứng chỉ nghề, xếp thứ 22/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Thí sinh Việt Nam tham gia kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN. Ảnh: Minh Nguyệt
"Ngoài việc kêu gọi thí sinh cố gắng rèn luyện tay nghề, chúng ta phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất về cả chuyên gia huấn luyện, máy móc huấn luyện và cả cơ chế để kêu gọi doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa vào việc hỗ trợ huấn luyện thí sinh. Có vậy thì thành tích thi tay nghề của Việt Nam trong các kỳ thi tay nghề thế giới mới được nâng cao”. Ông Dương Đức Lân |
“Thành tựu là vậy, nhưng công tác tổ chức kỳ thi tay nghề từ trong nước tới khu vực và quốc tế của chúng ta còn quá nhiều khó khăn. Đầu tiên khó khăn về tài chính, cả chục năm nay nguồn lực tài chính hỗ trợ cho kỳ thi tay nghề không thay đổi. Thêm vào đó, sự vào cuộc, liên kết của doanh nghiệp còn hạn chế, chỉ một số doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Samsung (Hàn Quốc), DenSo (Nhật Bản)... tham gia huấn luyện cùng” - ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN), dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng thực sự việc chuẩn bị cho các kỳ thi tay nghề nhất là kỳ thi tay nghề thế giới vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
“Hiện nay công tác chuẩn bị huấn luyện cho đội tuyển thi tay nghề khu vực và thế giới được chuẩn bị khá tốt. Chúng ta có cả ban tổ chức kỳ thi tay nghề và các tiểu ban hỗ trợ để huấn luyện thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề trong một thời gian dài. Song nguồn lực về máy móc, tài chính, chuyên gia huấn luyện còn khá hạn chế” - ông Trường cho biết.
Tạo cơ chế để doanh nghiệp tham gia đào tạo
Theo nhiều chuyên gia để nâng cao năng lực tay nghề của lao động Việt Nam, cần nâng cao chất lượng GDNN và cả thành tích trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới. Để có được hiệu quả, cần phải huy động doanh nghiệp tham gia vào cả hai khâu này.
Ông Dương Đức Lân - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, nguyên Trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới qua nhiều năm cho rằng, cần có thay đổi về cơ chế tài chính, hỗ trợ đầu tư máy móc hiện đại, thuê chuyên gia huấn luyện giỏi... và đặc biệt cần có sự kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp vào dạy nghề cũng như huấn luyện thí sinh.
“Thị trường tăng giá nhưng mức chi thi tay nghề cả chục năm không thay đổi. Như vậy thì lấy đâu ra nguồn lực để thi tay nghề. Chúng ta cần phải có văn bản pháp quy, quy định rõ về vấn đề này. Vì không có nguồn lực, không có quy trình nên cứ định kỳ “đến hẹn lại lên” ta mới cuống cuồng chạy đua, kêu gọi bên này bên kia hỗ trợ” - ông Lân phân tích.
Ông Lân cho rằng, để chuẩn bị cho thi tay nghề tốt hơn từ ở khu vực tới quốc tế, chúng ta cần có sự chuẩn bị từ cấp trường, nhìn xa hơn cần phải thay đổi hệ thống GDNN của chúng ta nhiều hơn. Cụ thể cần giáo dục thực chất, phát huy sự sáng tạo từ học sinh, tăng cường nhiều hơn nữa các cuộc thi tay nghề từ cấp trường để phát hiện tài năng đào tạo, huấn luyện các em tham gia các kỳ thi.
“Kinh nghiệm quý báu mà tôi rút ra được sau rất nhiều năm làm trưởng đoàn đưa thí sinh đi dự thi các kỳ thi tay nghề khu vực và quốc tế là muốn thành công, chúng ta phải dựa vào doanh nghiệp, phải liên kết với doanh nghiệp để thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề, thi tay nghề” - ông Lân nói.
Để hoạt động thi tay nghề đạt hiệu quả cao hơn, ông Dũng kiến nghị, cần đa dạng hóa nghề tổ chức thi, thành phần, đối tượng và độ tuổi tham dự kỳ thi tay nghề cấp cơ sở và quốc gia làm tiền đề cho việc tham gia kỳ thi nghề khu vực và quốc tế.
“Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm huấn luyện thí sinh gắn với công tác đánh giá chứng chỉ nghề quốc gia. Ban hành các cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tập đoàn doanh nghiệp tham gia cam kết huấn luyện và cử thí sinh dự thi các kỳ thi tay nghề...” - ông Dũng nói.