Những ngày tháng 2 này, chúng tôi về làng Vĩnh Hòa, không khí nơi đây vẫn nhộn nhịp như tết. Từng đoàn xe máy, xe ô tô đậu khắp đường làng chờ lấy bánh chưng để vận chuyển đi bán buôn. Nhà nhà tất bật gói và nấu, cả làng nức mùi thơm bánh chưng.
Ở Vĩnh Hoà, nhà nào cũng gói bánh chưng. |
365 ngày gói bánh
Ông Lưu Đức Bằng - Trưởng thôn cho biết: Vĩnh Hoà có 215 hộ dân thì có hơn 200 hộ làm bánh chưng. Dân làng không chỉ làm bánh chưng mấy ngày tết, ngày lễ, mà gói và bán bánh quanh năm. Khách hàng khắp mọi nơi tìm đến rất đông. Thương hiệu bánh chưng Vĩnh Hoà có uy tín là do bánh của làng không chỉ ngon, đẹp, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2004, tỉnh Nghệ An chính thức công nhận Vĩnh Hòa là làng nghề làm bánh chưng.
Bánh chưng Vĩnh Hoà chủ yếu gói bằng lá chuối. Gạo phải là nếp hoa vàng; thịt lợn, đậu xanh, hạt tiêu, hành làm nhân bánh luôn được các nhà chọn lựa kỹ càng. Bây giờ nhiều nơi nấu bánh bằng bếp điện, bằng than hay công nghệ nồi hơi, nhưng Vĩnh Hoà vẫn đun bằng củi - đó cũng là một trong những yếu tố làm cho bánh Vĩnh Hoà thơm ngon.
Hiện nay nhu cầu dùng bánh chưng trong đám tang, cưới hỏi, tiệc của các nhà hàng... ngày càng tăng, nên gia đình nào ở Vĩnh Hoà cũng có 4 - 5 nồi nấu bánh (mỗi nồi 300-500 chiếc). Trung bình mỗi ngày một hộ bán ra thị trường khoảng 300 chiếc. Bánh chưng của làng có mặt ở hầu khắp thị trường hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh...
Anh Trần Quốc Khánh - hộ làm bánh chưng với số lượng lớn nhất làng dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua cho biết: "Ngày bình thường, nhà tôi gói 400 chiếc, vào dịp tháng Chạp, số lượng bánh tăng gấp 2-3 lần, dịp Tết gấp tới 10 lần ngày thường. Hầu hết các gia đình ở đây đều phải thuê người làm. Có nhà thuê từ 6-10 người mới làm kịp".
Làm bánh chưng, xây nhà lầu
Theo thống kê, năm 2011, Vĩnh Hoà tiêu thụ hơn 100 tấn gạo nếp, doanh thu từ bánh chưng trên 10 tỷ đồng. Thu nhập trong dịp Tết của mỗi hộ làm bánh chưng từ 30-50 triệu đồng. Chị Lê Thị Sâm đã 10 năm trong nghề làm bánh chưng, tâm sự: "Bình quân mỗi ngày, tôi tiêu thụ 50kg gạo nếp, làm khoảng 400 chiếc bánh, bán buôn 10.000 đồng/chiếc cũng có khoản lãi hơn 300.000 đồng/ngày. Riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, gia đình tôi thu hơn 50 triệu đồng. Nhờ làm bánh chưng mà tui cất được nhà lầu, nuôi được đàn con ăn học.
Kề nhà chị Sâm, anh Trần Khánh bị tai nạn liệt hai chân phải ngồi xe lăn. Từ ngày có nghề làm bánh chưng, anh không những nuôi được đàn con ăn học tử tế mà còn cất được ngôi nhà 2 tầng.
Hơn 200 hộ làm bánh chưng ở Vĩnh Hoà đều có của ăn của để. 100% hộ đã cất nhà lầu khang trang, sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền... Ông Lê Công Bằng phấn khởi: "Vĩnh Hoà trước đây nổi tiếng nghèo khó; chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn, đất canh tác lúa chỉ được 41ha.
Vĩnh Hoà cũng là làng “siêu đẻ”, nhà ít có 7-8 đứa con, nhà nhiều tới 15-16 con nên bọn trẻ thường không được học hành đến nơi, đến chốn, phải phiêu bạt tứ tán làm thuê kiếm sống. Từ ngày có nghề làm bánh chưng, thanh niên làng không còn bỏ xứ tha hương nữa. Kinh tế khấm khá, dân trí cũng nâng cao. Bây giờ mỗi năm Vĩnh Hoà có hàng chục con em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng...
Tiến Dũng