Tại hội thảo khoa học an toàn trong thận nhân tạo “Ứng dụng dịch lọc trung tâm” ngày 31/10, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, qua báo cáo, trung bình 15-20% mẫu nước và dịch lọc trong chạy thận nhân tạo bị nhiễm khuẩn nặng. Nguyên nhân chủ yếu do chưa tuân thủ đúng các quy trình sát trùng hệ thống xử lý nước, máy thận và hệ thống ống phân phối nước.
“Nước có vai trò quan trọng trong quá trình dọc máu. Mỗi lần lọc thận trong khoảng 4 giờ, máu bệnh nhân phải tiếp xúc với khoảng 120 lít nước dịch lọc, trong khi người bình thường mỗi ngày máu chỉ tiếp xúc với 2 lít nước (ít hơn 60 lần). Nếu nước bị ô nhiễm, nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất thì sẽ khiến bệnh nhân gặp các phản ứng sốc, rét run, tụt huyết áp, buồn nôn, đau cơ... nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nếu thường xuyên lọc máu bằng nước nhiễm khuẩn, bệnh nhân có thể bị suy giảm miễn dịch, xơ vữa mạch máu” – bác sĩ Dũng phân tích.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp
Năm 2017, vụ tai biến y khoa nghiêm trọng đã khiến gần 20 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bị sốc nặng, trong đó có 8 người tử vong. Tháng 8/2019, tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An, 10 bệnh nhân cũng đã bị sốc trong khi lọc máu, rất may không có bệnh nhân tử vong. Nguyên nhân của hai vụ việc đều do nước dùng để chạy thận bị nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất.
PGS-TS Nguyễn Nguyên Khôi, chuyên gia thận nhân tạo, thành viên Ủy ban ghép thận Việt Nam cũng cho rằng, quá trình lọc thận nhân tạo dễ xảy ra tai biến nếu không kiểm soát tốt do đó thời gian qua nhiều bệnh viện đã đầu tư máy móc, hệ thống xử lý nước RO hiện đại để đảm bảo an toàn cho người người bệnh.
PGS.TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp chia sẻ, hiện khoa Thận niệu Lọc thận nhân tạo của bệnh viện đang quản lý điều trị cho gần 200 bệnh nhân suy thận mạn tại các địa phương Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương… Mỗi ngày tại khoa có 3 ca chạy thận, mỗi ca khoảng 90 bệnh nhân. Trong quá trình chạy thận nhân tạo cũng đã không ít lần xảy ra tai biến, may mắn được xử lý kịp thời.
PGS Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng nước trong chạy thận nhân tạo: “Việc đầu tư trang thiết bị hiện hại và đồng bộ hóa những quy trình hệ thống lọc máu là giải pháp quan trọng để giúp giảm thiểu tối đa những rủi ro, tai biến cho bệnh nhân, giảm chất thải ra môi trường và giảm nhân lực”.
Hiện nay, tại miền Bắc đã có một số bệnh viện công như Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) đã ứng dụng quy trình pha dịch lọc trung tâm để chay thận nhân tạo. Hệ thống máy pha dịch trung tâm tự động, khép kín sẽ hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhân chạy thận trong quá trình pha chế dịch lọc để chạy thận.