Dân Việt

Cho con du học, làm sao tránh “vứt tiền qua cửa sổ”?

M.T 01/11/2019 15:44 GMT+7
“Du học - đừng để tiền mọc cánh” là cuốn sách thứ 3 của nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu (Anh Thi), sau hai cuốn sách best-seller “Đồng hành du học cùng con” và “Du học cho con nhà nghèo”.

Cả ba cuốn đều thu hút sự quan tâm của độc giả vì tính thiết thực, đầy ắp thông tin và kiến thức hữu ích, đồng thời mang lại cái nhìn khác hẳn về du học, không như các trung tâm tư vấn thường “vẽ” ra cho các bậc cha mẹ.

Sau quá trình đồng hành cùng con trai đi du học ở Mỹ, tác giả Nguyễn Thị Bích Hậu đã đúc rút nhiều kinh nghiệm quý, lập ra trang tư vấn về du học, giúp nhiều bạn trẻ tìm học bổng và sớm thích nghi với môi trường mới nhờ trang bị kiến thức đầy đủ.

img

Cuốn sách mới ra mắt đã gây sốt vì đánh trúng mối quan tâm của các phụ huynh, học sinh.

- Sau khi hoàn thành hai cuốn sách về du học, chị nhận được một lượng phản hồi khá lớn từ phía độc giả. Bận rộn vì công việc, vì diễn đàn tư vấn du học, vì sao chị vẫn gắng dành thời gian viết thêm cuốn sách này?

- Ở cuốn đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh vào việc cha mẹ phải đồng hành cùng con, chứ không thể để mặc con tự bơi khi tìm hiểu cho việc du học vì con đường  rất gian nan. Cuốn thứ 2, tôi đưa ra  những tiêu  chuẩn, tiêu chí và hỗ trợ cho các cháu nhà ít tiền hoặc nhà nghèo, vẫn có thể đi du học được. Nếu có học bổng thì không mất tiền; còn nếu ít tiền vẫn có thể tìm những trường rẻ, hoặc học ở nước có học phí rẻ hơn và nếu nỗ lực, các cháu có  thể vươn lên.

img

Tác giả Nguyễn Thị Bích Hậu là nhà báo kinh tế.

Đến cuốn thứ ba này, tôi đi vào vấn đề mà cha mẹ quan tâm là hiệu quả của việc đầu tư vào du học cho con. Bởi vì hiện nay, hàng năm Việt Nam có hàng triệu học sinh trung học tốt nghiệp, trong khi đó, tổng lượng du học sinh từ trung học, cao đẳng đến đại học chỉ đạt nhiều lắm vài trăm nghìn người là rất ít. Mặc dù vậy, theo thống kê thì 1 năm Việt Nam tiêu từ 3-4 tỷ đô la Mỹ cho việc du học. Với số tiền như vậy mà họ không chuẩn bị đầy đủ, thì ước tính lãng phí sẽ rất lớn, có thể lên đến một nửa.

Chị có thể nói rõ hơn về sự lãng phí đáng tiếc này nếu không có chiến lược đầu tư đúng?

- Lãng phí ở những chuyện như sau: Thứ nhất, con đi du học mà  không hiệu quả, phải bỏ về giữa chừng; hoặc học  ngành nghề mà sau khi ra trường không biết làm gì; hoặc đi học tốn kém mà  cuối cùng xôi hỏng bỏng không.

Lãng phí thứ hai, phụ huynh bị các công ty du học dụ khị, bị lừa, bị mất tiền mà không biết. Hoặc đưa con vào những vùng hẻo lánh hoang vu, con không học được, rồi bỏ học luôn, thậm chí có cháu còn bị trầm cảm và tự tử…

Nước mình còn nghèo, dân còn khổ, số tiền trên có thể tạo ra nguồn lực rất lớn giúp các cháu có kiến thức, học hỏi để phục vụ bản thân, gia đình và xã hội. Thế nên tôi tập trung vào vấn đề đầu tư sao cho hiệu quả.

Hiện có nhiều cuốn sách viết về du học, vậy điểm khác biệt trong cuốn sách của chị là gì?

- Trong cuốn sách này, tôi không chỉ cung cấp kiến thức về du học, mà là kiến thức cơ bản về đầu tư. Để viết được cuốn sách này, tôi phải bỏ thời gian nghiên cứu về tài chính để giải bài toán tránh lãng phí trong du học. Tôi tự hỏi, vì sao một người cha hay một người mẹ có thể ra ngoài đường kiếm tiền hùng hục, không để ai bắt nạt từng đồng xu, nhưng lại quá ngây thơ và tung ra cả chục tỷ bạc cho con đi du học mà không hề quan tâm một cách bài bản việc con mình sẽ thu nhận được gì. Trong khi hành trình ăn học, chọn trường cho con rất phức tạp. Đến khi biết được hậu quả thì quá muộn rồi.

img

Trung bình một suất du học khoảng bao nhiêu trong một năm?

-Mức phí du học thấp nhất là 20.000USD - 100.000USD/năm. Tính trung bình là 50.000USD/năm. Con đi học 4 năm trung học thì mất 200.000USD, lên đại học nữa là 200.000 USD, chưa kể phải học lại, chuyển ngành…

Nhiều trường hợp các cháu học không nổi, phải thi lại, thì các trường lại bắt học lại từ đầu, coi như đóng tiền gấp đôi.

Tôi từng gặp nhiều phụ huynh ở tỉnh, con họ không nói được tiếng Anh dù học PTTH, nhưng bố mẹ dư tiền và khi nghe tư vấn của công ty du học là con đi được hết, họ cũng nghe theo. Sau khi đọc cuốn sách của tôi, họ bị choáng, nên cùng tôi chuẩn bị lại việc du học cho con.

Theo chị, các khâu chuẩn bị cho du học sinh cần những gì?

- Việc đầu tiên phải có đủ tiêu chuẩn để đi được: Rành ngoại ngữ và càng giỏi ngoại ngữ càng tốt. Phải đầu tư cho các con học tiếng Anh ngay từ sớm, lấy các chứng chỉ quốc tế mà các trường sở cần ở nước ngoài. Tiếp đó là phải lên chiến lược, triển khai kế hoạch, cân nhắc kỹ khi bỏ tiền cho con đi học, để không tốn kém, không gây ra bi kịch cho gia đình. Điều này phải chuẩn bị từ rất sớm.

Thứ ba là hướng nghiệp rất quan trọng. Tôi gặp nhiều cháu cha mẹ gửi tư vấn, thích những ngành mà chưa bao giờ hình dung sẽ ra sao sau này. Ví dụ, các cháu rất thích ngành tâm lý học, là ngành ở các nước đang phát triển hiếm việc làm, mà ở VN cũng khó khăn.

Một khi đã nghĩ đến tiền thì phải kiếm ngành dễ xin việc, thu nhập cao: Bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, nhà tài chính, nhà kinh doanh, nhân viên kế toán… Hoặc tự kiếm học bổng, quyết tâm đi theo con đường mình chọn, chấp nhận cái hay cái dở của nó, chứ không thể bỏ cả 10 tỷ đồng chắt chiu cả đời của bố mẹ mà học một nghề ra chẳng để làm gì thì quá sốc.

Ngoài vấn đề cốt lõi là chuẩn bị, theo chị, làm sao tìm được trường phù hợp và tiết kiệm chi phí, cũng như đừng để sa vào bẫy của  các công ty du học?

- Có một dạng dễ sa bẫy là nhiều gia đình cứ tưởng trường cho nhiều học bổng là do con mình giỏi, cho con theo học. Nhưng thực ra trường đó chất lượng kém không ai học, hoặc ở nơi hẻo lánh, heo hút, bất lợi. Nếu muốn vào trường tốt thì con phải học giỏi.

Thứ hai, nên chọn trường đắt một tí nhưng ở những vùng tốt, học hành tử tế, con dễ kiếm nơi thực tập và việc làm. Nếu tham rẻ và thiếu thông tin mà chọn đại trường  thì con bạn có nguy cơ du học thất bại.

Xin cảm ơn chị.