Dân Việt

Tìm hài cốt bằng ngoại cảm: "Ru ngủ" tinh thần

21/02/2012 18:48 GMT+7
(Dân Việt) - Các gia đình biết tìm mộ liệt sĩ (LS) bằng ngoại cảm là con đường "mờ mịt", nhưng vẫn tìm đến, ngay cả khi đã có quy định tìm mộ bằng ngoại cảm không được công nhận, là vì những nỗi lo lắng không yên về tâm linh.

"Ru ngủ" tinh thần

Tại trung tâm tìm mộ LS của bà Phan Thị Hạnh ở xóm Hòa Hội, xã Nam Cát (huyện Nam Đàn, Nghệ An), chúng tôi gặp anh Phan Hoàng ở huyện Quỳnh Lưu. Anh cho biết đã đăng ký tìm mộ LS cho anh trai từ tháng 9.2011 nhưng bây giờ mới đến lượt.

img
Một trung tâm áp vong ở xã Nam Cát (huyện Nam Đàn, Nghệ An). TIẾN DŨNG

7 ngày liên tục vừa qua anh ngồi thiền nhưng vẫn chưa nhập được vong. Được biết, để đi tìm mộ cho anh trai, gia đình anh phải cử 5 người thay phiên nhau ngồi thiền để chờ áp vong. Mỗi lần đi tốn kém lên đến tiền triệu.

Hỏi tại sao lại tin là sẽ tìm được mộ bằng phương pháp này, anh Phan Hoàng bảo: "Cũng chẳng còn cách nào nữa. Tôi cũng biết bây giờ muốn đưa LS vào nghĩa trang LS thì phải có kiểm chứng ADN và đầy đủ các giấy tờ thủ tục... Nhưng nguyện vọng của gia đình là tìm được hài cốt anh trai, để cho vong hồn anh được về quê hương và người sống cũng đỡ áy náy. Nếu không được vào nghĩa trang LS thì chúng tôi đưa về nghĩa trang xóm cũng được".

Theo số liệu mới nhất của Sở LĐTBXH Nghệ An, tính đến nay đã có trên 15.000 gia đình, thân nhân đến các điểm tìm kiếm để đăng ký tìm mộ LS. Kết quả, đã tìm kiếm, cất bốc và di dời về quê hương 810 mộ, song hầu hết chưa được kiểm chứng.

Điều đáng nói là nhiều gia đình biết bốc mộ sai mười mươi nhưng vẫn tự "ru ngủ" tinh thần, "ngậm bồ hòn" làm các thủ tục đầy đủ vì sợ nói ra thì những người như mẹ hoặc bố LS sẽ buồn, bởi họ đã quá già yếu và chỉ mong được nhìn thấy hòm tiểu của con là thanh thản nhắm mắt xuôi tay.

Có những người đang nắm giữ chức cao quyền trọng lỡ tin vào đồng bóng để tìm mộ LS thân thích của mình nên sau khi biết bị lừa cũng đành im lặng vì nhiều lý do khác nhau mà không dám đứng ra tố cáo nên các trung tâm được đà làm tới.

Ông Nguyễn Đình Nhu - cán bộ nghỉ hưu ở phường Bắc Hà, TP.Hà Tĩnh, đã nhiều năm cất công tìm kiếm hài cốt em trai là LS Nguyễn Hữu Điền, hy sinh 16.2.1968. Ông Nhu chia sẻ, trước khi nhắm mắt xuôi tay nếu như chưa tìm được hài cốt của em mình sẽ vô cùng ân hận. Vì mong mỏi này, ông đã trở thành nạn nhân của các "thầy" ngoại cảm.

Ông cho biết đã từng vào Quảng Nam, Lâm Đồng, ra Hà Nội tìm gặp nhà ngoại cảm Bùi Đình Chiến, Đặng Xuân Ba... hay tới các trung tâm tìm hài cốt LS ở Đông Tác (Hà Nội), Duy Tiên (Hà Nam) làm lễ cầu vong nhưng đều không có kết quả. Một lần ông nghe lời "thầy" Đặng Xuân Ba vào Khe Sanh (Quảng Trị) tìm em nhưng khi đào lên phát hiện thấy một lọ Penicillin và một gói xương với nhiều dấu hiệu khả nghi, ông liền báo Công an Quảng Trị kiểm tra phòng nghỉ của ông Ba.

Không ngờ phát hiện trong hành lý của "thầy" Ba có 14 lọ Penicillin và 14 gói xương khác mà ông Ba khai nhận: Chuẩn bị vào Huế và Quảng Nam thực hiện cất bốc cho 14 LS khác. Như vậy, nếu ông Nhu không phát hiện ra, sẽ có thêm nhiều gia đình LS khác nhận những gói xương "rởm" về thờ cúng.

Cần giúp các gia đình yên lòng, bình tĩnh

Ông Phạm Hữu Thao-Chủ tịch UBND phường Thạch Linh (TP. Hà Tĩnh) - nơi có Trung tâm tìm hài cốt LS Thạch Linh cho biết, thân nhân của các LS rất khát khao tìm kiếm, tới mức họ chỉ trông cậy vu vơ vào lời phán của những người tự nhận là "nhà ngoại cảm". Sau khi tìm được mộ LS, họ đến tình nguyện công đức cho Trung tâm rất nhiều.

Một nhân viên phục vụ ở Trung tâm tìm hài cốt LS Thạch Linh bật mí, đã có gia đình ở Huế sau khi tìm kiếm được hài cốt thân nhân đã tặng Trung tâm cả chiếc xe ô tô, còn tiền mặt thì không thể biết hết được. Như vậy, chính sự nôn nóng của các gia đình LS và sự "hỗ trợ" thái quá về tiền bạc cho các "nhà ngoại cảm" đã dẫn tới nở rộ trung tâm dạng này để trục lợi.

Không chỉ ảnh hưởng tới tiền bạc, các gia đình còn bị ảnh hưởng về mặt tinh thần. Chẳng hạn như tại Nghệ An, bác sĩ Phạm Ngọc Ngô - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết, cuối năm 2011 đã có 20 bệnh nhân là những người "áp vong" phải nhập viện tâm thần, đó là chưa kể nhiều bệnh nhân khác ngại mang tiếng nên điều trị riêng. Theo BS Ngô, những bệnh nhân này thuộc nhóm rối loạn tâm thần có căn nguyên sang chấn tâm lý.

Chiến tranh đã đi qua, ở dưới lòng đất mẹ vẫn còn đâu đó nhiều phần mộ của các LS - những người đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Nguyện vọng của thân nhân các LS là làm thế nào, bằng cách nào để đưa các LS về bên gia đình, để phần mộ các LS không bị lạnh lẽo và cô đơn nơi vùng đất xa kia là hoàn toàn chính đáng.

Đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Thế nhưng, người dân cần tỉnh táo để tránh bị lừa đảo, lợi dụng và quan trọng nhất là không có căn cứ để xác định đúng hài cốt thân nhân thì việc tìm kiếm cũng vô nghĩa. Như vậy, cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp giúp các gia đình yên lòng, bình tĩnh.