Nguyên nhân chính lý giải cho hiện tượng trên là do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) phân bón đa phần sụt giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ chững lại và cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu.
Cổ phiếu nhóm ngành phân bón đang có diễn biến khá tiêu cực (Ảnh: IT)
Con cưng thuộc họ PVN cũng gặp khó
Trong nhóm doanh nghiệp "con cưng" thuộc họ PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), DPM và DCM cũng có một mùa kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo; HoSE: DPM) ghi nhận mức giảm 34,7%, từ mức 21.150 đồng/CP xuống 13.800 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 1/11/2019).
Tuy nhiên, đây thậm chí là mức giá đã hồi phục, bởi hồi giữa tháng 9/2019, DPM có lúc còn giao dịch dưới vùng giá 13.000 đồng/CP. Nguyên nhân khiến cổ phiếu DPM giảm mạnh thời gian qua, ngoài yếu tố thị trường, thì việc kết quả kinh doanh trong vài quý trở lại đây của DPM cũng sụt giảm cũng là nguyên nhân không thể không nhắc đến.
Cụ thể, kết thúc quý 3/2019, DPM ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 1.893,3 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, do tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu thuần tăng mạnh nên lợi nhuận gộp trong kỳ của DPM chỉ đạt hơn 314 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, DPM ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt đạt 5.398,5 tỷ đồng và gần 152 tỷ đồng, giảm 22,6% và 73% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, cổ phiếu DCM (Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, HoSE: DCM), hiện đã giảm về mức dưới thị giá. Cụ thể, từ mức giá 10.300 đồng/CP hồi đầu năm, hiện cổ phiếu DCM chỉ giao dịch ở mức giá 7.360 đồng/CP, giảm 28,5%.
Kết thúc quý 3/2019, DCM ghi nhận doanh thu thuần 1.488 tỷ đồng, tăng 6%. Tuy nhiên, do chi phí giá vốn tăng, trong đó giá khí nguyên liệu tăng cao khiến lợi nhuận giảm mạnh 67% về 122 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong kỳ Đạm Cà Mau đã thanh toán 50 triệu USD cho Hợp đồng vay vốn tín dụng ECA giữa nhóm cho vay là các Ngân hàng BNP Paribas - Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc - Ngân hàng Credit Agricole và bên vay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với mục đích thanh toán chi phí đầu tư dự án Nhà máy Đạm Cà Mau. Nhờ đó, chi phí tài chính giảm 74% xuống còn 24 tỷ đồng nhờ thanh toán trước hạn các khoản nợ và lỗ tỷ giá giảm mạnh.
Dù vậy, sau khi khấu trừ các chi phí, quý 3/2019 DCM chỉ ghi nhận 9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 94% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, DCM đạt doanh thu thuần 4.935 tỷ đồng, tăng 6%; ngược lại, lợi nhuận trước thuế của công ty giảm 25,6% còn 325 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm gần nửa, chỉ đạt 308 tỷ đồng.
Bết bát họ Vinachem
Ở nhóm cổ phiếu họ Vinachem, tình hình cũng không mấy khả quan.
Với cổ phiếu BFC (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền; HoSE: BFC) - Là một trong những DN có thị phần tiêu thụ phân NPK hàng đầu, nhưng tính đến thời điểm hiện tại đã đánh mất 40,7% giá trị kể từ đầu năm; từ mức giá 25.650 đồng/CP hồi đầu năm, hiện BFC đã giảm về mức giá 15.200 đồng/CP.
Theo kết quả kinh doanh quý 3/2019 được công bố, BFC đạt doanh thu 1.568 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 49,5 tỷ đồng, giảm 32,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Bình Điền đạt doanh thu 4.633 tỷ đồng, giảm khoảng 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 74,3 tỷ đồng, giảm khoảng 70% so với cùng kỳ.
Một loạt các DN phân bón khác thuộc họ Vinachem cũng ghi nhận doanh thu suy giảm, kéo theo đó là thị giá cổ phiếu cũng sụt giảm mạnh.
Chẳng hạn, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UpCOM: DHB) đạt doanh thu 9 tháng 2.305 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 0,7%. Tuy nhiên, DHB là một trong những DN làm ăn “bết bát” trong nhóm doanh nghiệp thuộc họ Vinachem khi ghi nhận lỗ sau thuế gần 200 tỷ đồng trong quý 3/2019, nâng số lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm lên đến 422 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 269 tỷ đồng. Số lỗ này làm Đạm Hà Bắc ghi nhận tổng lỗ lũy kế đến hết quý 3/2019 là 3.077 tỷ đồng. Như vậy, Đạm Hà Bắc đã lỗ 3 năm liên tiếp từ 2016 đến 2018 và thêm cả 3 quý đầu năm 2019; đồng thời, vốn chủ sở hữu ghi âm 310 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu là 2.722 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu DHB cũng “trắng” giao dịch liên tiếp nhiều phiên gần đây, hiện giá cổ phiếu chỉ ở mức 7.200 đồng/CP.
Với Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS), kết thúc quý 3/2019, DN đạt doanh thu 2.298 tỷ đồng, giảm hơn 10%, giá cổ phiếu LAS cũng ghi nhận giảm 36,7% so với thời điểm đầu năm, hiện đang ở mức giá 6.500 đồng/CP.
Phân bón Miền Nam (HoSE: SFG) kết thúc quý 3/2019 cũng chỉ đạt doanh thu 1.379 tỷ đồng, giảm tới 22,5%; giá cổ phiếu SFG giảm gần 48% so với thời điểm đầu năm, hiện chỉ đạt mức giá 7.000 đồng/CP.
Riêng cổ phiếu NFC (Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình; HNX: NFC), từ đầu năm đến nay chỉ có 13 phiên giao dịch khớp lệnh trên sàn, chủ yếu là các phiên tăng trần và giảm sàn với khối lượng khớp lệnh trung bình chưa đến 200 đơn vị mỗi phiên. Hiện, NFC đang giữ mức giá 5.700 đồng/CP và không có giao dịch trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Một số DN trong diện yếu kém như DAP - Vinachem 1, 2 cũng đều ghi nhận doanh thu 9 tháng năm 2019 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt giảm 29% và 33%.