Dân Việt

Đặt mục tiêu tái canh, ghép cải tạo thêm 40.000ha cà phê

Phong Lâm 02/11/2019 19:10 GMT+7
Trong 5 năm qua, chương trình tái canh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện được hơn 118.000ha, đạt trên 98,5% kế hoạch, nhưng mới thực hiện chủ yếu ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông. Mặc dù các mô hình tái canh cà phê phát triển tốt, cho hiệu quả cao nhưng nhiều nông dân vẫn e ngại tái canh vì nhiều nguyên nhân.

Mới đây, tại TP.Đà Lạt, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị “Tổng kết đánh giá kết quả chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020 và bàn giải pháp tái canh cà phê hiệu quả trong thời gian tới”.

Chương trình tái canh còn nhiều tồn tại

Ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đến hết tháng 9/2019, cả nước có 20 tỉnh trồng cà phê, tỉnh nhiều nhất là Đăk Lăk với gần 210.000ha, Lâm Đồng trên 170.000ha và Đăk Nông khoảng 130.000ha. Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất cà phê tập trung chính của cả nước. Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.

img

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT (trái) thăm vườn cà phê tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng.  Ảnh: V.L

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, các nước trên thế giới cũng đánh giá rất cao cách làm cà phê của Việt Nam. Điều này được chứng minh ở sản lượng cà phê trên cùng một đơn vị diện tích, hiện nay nước ta đã đạt bình quân 2,6 tấn/ha. Đặc biệt là tỉnh Lâm Đồng, đã có rất nhiều mô hình có sản lượng cao, đạt 8 – 9 tấn/ha.

Cũng theo Bộ NNPTNT, tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên tính đến tháng 6/2019 là 118.202ha (đạt trên 98,5%, kế hoạch đến năm 2020 là 120.000ha).

“Trong quá trình tái canh cây cà phê vẫn còn những khó khăn nhất định, điều chúng ta dễ thấy nhất đó là trong thời gian luân canh trước khi trồng và thời kì kiến thiết cơ bản cà phê thì người dân không có thu nhập. Bên cạnh đó, tái canh cà phê đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, ngoài nguồn vốn tự có người sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay còn gặp nhiều trở ngại” - ông Đức nói.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay người nông dân nắm bắt về các tiến bộ kỹ thuật phục vụ tái canh chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Đặc biệt là lựa chọn loại vườn trước khi thanh lý để đưa ra thời gian luân canh hợp lý chưa đảm bảo, nguồn gốc giống cà phê không rõ ràng, sử dụng các loại cây giống chưa thích hợp làm ảnh hưởng đến hiệu quả của tái canh.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai chương trình tái canh cà phê, ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích tái canh cà phê lớn nhất Tây Nguyên với khoảng 58.000ha và đang phát triển tốt. Địa phương cũng đã xác định, tái canh cà phê không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà là nhiệm vụ của cả các cấp chính quyền, người dân.

“Để cây cà phê phát triển tốt, khâu đầu tiên cần xác định là sử dụng các loại giống tốt, giống đảm bảo chất lượng. Hiện tỉnh đang thực hiện các giải pháp về bổ sung kỹ thuật lẫn kiến nghị hỗ trợ vốn vay để nông dân có thể tái canh hiệu quả” - ông Châu cho biết.

Tái canh - quá trình thường xuyên

Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết thêm, để tái canh cà phê bền vững, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT đã tham gia tổ chức đào tạo, tập huấn cho 19.614 hộ nông dân về các giải pháp kỹ thuật nhằm tái canh trên 19.000ha theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất, chất lượng cà phê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo ông Lê Văn Đức, để khai thác hiệu quả lợi thế của ngành cà phê, cần tập trung xây dựng ngành này theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với việc đa dạng sản phẩm, giá trị gia tăng cao, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Đến năm 2025, duy trì ổn định diện tích cà phê khoảng 600.000ha, năng suất 2,7-2,9 tấn/ha. Bên cạnh đó, tiếp tục tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi, phấn đấu đến 2025 tái canh và ghép cải tạo thêm từ 30.000 – 40.000ha.

Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận định: “Cà phê là cây chủ lực của nông sản Việt Nam, một cây trồng rất quan trọng tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, vừa là sinh kế, vừa giúp người dân địa phương làm giàu. Trong quá tình tái canh, Bộ NNPTNT cũng khuyến khích, những nơi nào cà phê già cỗi, đất đai không phù hợp với cà phê thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác để có hiệu quả cao hơn”.

“Tái canh không chỉ một giai đoạn mà là cả một quá trình thường xuyên, là quy luật nên chúng ta cần xác định để tiếp tục thực hiện tái canh. Chúng ta có rất nhiều bài học từ các tỉnh Tây Nguyên, vì vậy ngành nông nghiệp và các viện nghiên cứu nên đúc kết, đánh giá lại từng mô hình, kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch tái canh cụ thể sau năm 2020”- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo.