“Rửa” cả tiền
Những ngày nay, anh Trần Quốc Toản (ở thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đang tất bật chuẩn bị xuất chuồng những con lợn thương phẩm béo núng nính, cân nặng từ 130 – 140kg/con.
Chỉ cho chúng tôi xem từng ô chuồng lợn qua hệ thống camera được bố trí khắp trang trại, anh Toản bảo: “Từ khi có dịch tả lợn châu Phi, tôi chỉ cho mọi người xem lợn qua hệ thống camera này, những người được vào trong trại phải đảm bảo thời gian cách ly, thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng chặt chẽ”.
Anh Trần Quốc Toản giới thiệu hệ thống trang trại qua camera. Ảnh: K.N
Đến thời điểm này toàn tỉnh Hưng Yên có 130/151 xã, phường, thị trấn công bố hết bệnh dịch. Tại 10 huyện, thị xã thành phố, số lượng lợn mắc bệnh ốm, chết phải tiêu hủy ngày càng giảm dần. Có 130 xã phường thị trấn trong hơn 30 ngày qua không phát sinh lợn mắc bệnh. Riêng thị xã Mỹ Hào và TP.Hưng Yên đã có 100% xã, phường, thị trấn công bố hết dịch. |
Anh Toản cho biết, trang trại của anh hiện có 1.500 con lợn các loại, trong đó có 400 con đã đến thời kỳ xuất chuồng, 150 con lợn nái. Với giá bán bình quân 63.000 – 65.000 đồng/kg, đây là thời điểm gia đình anh thu lại thành quả xứng đáng sau những thời điểm căng thẳng chống dịch.
“Tôi nghiên cứu nhiều trang trại lợn xung quanh và nhận thấy, nhiều trại thực hiện tốt các biện pháp cách ly nên giữ trại an toàn qua dịch được 4 – 5 tháng, nhưng khi bắt đầu xuất bán thì dịch lại bùng phát. Từ đó, tôi nhận ra, rất có thể tiền mặt cũng là một nguồn lây bệnh. Rút kinh nghiệm, khi bán lợn, tôi từ chối nhận tiền mặt mà chỉ chuyển khoản, nếu bắt buộc phải nhận tiền mặt, tôi cũng cho tiền vào khử trùng” – anh Toản chia sẻ.
Theo anh Toản, đôi khi bàn tay của người chăn nuôi cũng vô tình gieo rắc dịch, vì vậy, anh phổ biến cho nhân công trước khi cho lợn ăn, bắt buộc phải vệ sinh thật sạch sẽ.
Có một điều đặc biệt là, trang trại của anh Toản chủ động hoàn toàn nguồn thức ăn, lợn được nuôi theo quy trình hữu cơ nên chất lượng thịt rất ngon. Việc nuôi theo quy trình hữu cơ, có bổ sung các chế phẩm sinh học được nhập từ các nước uy tín để tăng sức đề kháng cho lợn cũng là một giải pháp giúp đàn lợn của gia đình anh chống chọi qua dịch. Hiện, anh đang tiếp tục nhập lợn giống từ những địa chỉ uy tín để tiếp tục tái đàn.
Bên cạnh đó, anh Toản còn liên kết với 9 hộ dân trong xã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Thành Đạt thực hiện mô hình chuỗi thịt lợn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP. “Nhờ thực đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo sự cách ly, đàn lợn của hầu hết các thành viên trong hợp tác xã đều bình an qua dịch. Từ đó, tôi nhận định, đúng là dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm, lây lan nhanh, nhưng nếu biết cắt đứt mọi nguồn lây, đồng thời tăng sức đề kháng cho đàn lợn bằng các chế phẩm sinh học thì vẫn có thể sống chung với dịch” – anh Toản nói.
“Nội bất xuất ngoại bất nhập”
Thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, vợ chồng anh Đỗ Văn Nghĩa, chị Nguyễn Kim Ánh (ở thôn Bãi Sậy 2, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) như ngồi trên đống lửa do trang trại nằm cạnh dòng sông, nhìn những xác lợn chết vì dịch bị ném xuống sông, chị Ánh đứng ngồi không yên.
Anh Đỗ Văn Nghĩa (áo xanh) chia sẻ với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Nhưng nếu buông xuôi lúc này thì công sức của cả gia đình sẽ đổ sông đổ biển. Trong lúc dịch đang ở thời kỳ cao trào, giá lợn hơi chạm đáy, anh Nghĩa vẫn phải đứt ruột bán 1.000 con lợn chỉ với giá 23.000 – 25.000 đồng/kg. “Tiếc nhưng không còn cách nào khác phải giảm đàn để giám sát dịch bệnh tốt hơn” – anh Nghĩa nói.
Để bảo vệ đàn lợn còn lại, anh Nghĩa quyết thực hiện phương châm “nội bất xuất ngoại bất nhập” với trang trại của mình, công nhân “cố thủ” trong trang trại, khi có việc ra ngoài, vào lại trang trại phải qua nhiều bước cách ly, khử trùng. Xung quanh trang trại rắc vôi bột, định kỳ phun thuốc sát trùng 3 ngày một lần. Rất may, đến thời điểm này, trang trại của anh Nghĩa vẫn an toàn qua “bão” dịch dù có đến 70% trang trại chăn nuôi lợn ở Tân Dân đã dính dịch tả lợn châu Phi.
Hiện, trang trại của anh Nghĩa có 4.000 con lợn các loại, đợt này có 500 con đến thời kỳ xuất chuồng với biểu cân 115 – 120kg/con, mức giá lợn hơi khá cao giúp vợ chồng anh dần “lấy lại những gì đã mất”.
Tuy nhiên, theo chị Kim Ánh, 3 năm qua người chăn nuôi lợn đã trải qua quá nhiều khó khăn, hết bão giá rồi đến dịch bệnh nên mức giá cao như hiện nay phải giữ ổn định khoảng 1 năm thì mới hết thua lỗ.
“Chi phí chăn nuôi từ khi có dịch tả lợn châu Phi đã tăng đáng kể, lên đến 40.000 – 42.000 đồng/kg, cộng với những thua lỗ trước đó nên mức giá hiện tại chỉ giúp nông dân vơi bớt khó khăn, chưa thể phục hồi ngay được sau rất nhiều đợt khủng hoảng” – chị Kim Ánh nói.