Qua 1 ngày, vốn hóa Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 21.000 tỷ đồng
Hội đồng quản trị CTCP Vinhomes vừa thống nhất thông qua kế hoạch mua lại tối đa 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ. Ban lãnh đạo công ty cho rằng, thị giá cổ phiếu VHM hiện đang ở mức thấp so với giá trị thực, nên việc mua lại cổ phiếu là nhằm bảo vệ quyền lợi của công ty và cổ đông.
Nguồn vốn mua sẽ được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán hoặc soát xét tại thời điểm gần nhất, tức là báo cáo bán niên 2019.
Thời gian dự kiến giao dịch sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày bắt đầu giao dịch. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua công ty chứng khoán.
Cùng thời điểm, một công ty khác trong hệ sinh thái Tập đoàn Vingroup là CTCP Vincom Retail cũng công bố quyết định mua lại tối đa 56,5 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 2,426% vốn điều lệ với lý do tương tự.
Ước tính vốn hóa của Vinhomes tăng thêm gần 21.000 tỉ đồng.
Sau thông tin này, cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes đã tăng kịch trần sau phiên giao dịch chứng khoán 1/11. VHM tăng giá lên 6,74% lên 95.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt gần một triệu đơn vị, trong đó, khối ngoại mua vào 308.880 đơn vị và bán ra 88.450 đơn vị. Với số lượng cổ phiếu đang lưu hành gần 3,35 tỉ đơn vị, ước tính vốn hóa của Vinhomes tăng thêm gần 21.000 tỉ đồng, hiện đạt khoảng 285.000 tỉ đồng.
Tuần qua, Vinhomes và Vincom Retail của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng liên tục báo lãi khủng trong quý 3.
Tre Việt của tỷ phú Trịnh Văn Quyết liên tục tăng vốn điều lệ
Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vừa được cấp giấy đăng kí kinh doanh thay đổi, thể hiện vốn điều lệ tăng từ 2.200 tỉ đồng lên 4.050 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ tăng 84%.
Theo giấy đăng kí này, toàn bộ vốn điều lệ của Bamboo Airways là nguồn vốn tư nhân, không có vốn ngân sách nhà nước hay vốn nước ngoài.
Được biết, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ 700 tỉ đồng, do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Sau đó, Tập đoàn FLC góp thêm 600 tỉ đồng để nâng vốn điều lệ của Tre Việt lên 1.300 tỉ đồng, chủ sở hữu duy nhất vẫn là Tập đoàn FLC.
Đến tháng 9 vừa qua, Tre Việt nâng vốn từ 1.300 tỉ đồng lên 2.200 tỉ đồng và thay đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, tức là công ty có ít nhất ba cổ đông góp vốn.
Theo giấy đăng kí kinh doanh thay đổi gần đây nhất, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways vẫn là ông Trịnh Văn Quyết, người đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo “ôm mộng” mở rộng mạng bay tầm xa
CTCP Hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus vừa ký kết hợp đồng đặt mua 20 tàu bay thế hệ mới A321XLR. Với đơn đặt hàng này, Vietjet sẽ trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới khai thác dòng tàu bay tầm xa này của Airbus, phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế tầm bay tới 8.700km trong thời gian tới.
Cũng trong dịp này, hai bên ký kết triển khai đầu tư thêm hai buồng lái mô phỏng đào tạo phi công, kỹ sư.., cho dòng tàu bay A320/A321, nâng tổng số lên ba buồng lái mô phỏng do Airbus đầu tư cho Học viện của Vietjet và giúp hãng tăng năng suất đào tạo tại chỗ cũng như đào tạo cho bên thứ ba trong thời gian tới.
Đơn đặt hàng mới của Vietjet sẽ nâng tổng đặt hàng của hãng với Airbus lên 186 tàu và những chiếc A321XLR đầu tiên sẽ bàn giao cho Vietjet từ năm 2023.
Hai công ty của Bầu Đức lại chậm công bố báo cáo tài chính quý 3
CTCP Hoàng Anh Gia Lai vừa có văn bản thông báo về việc chậm công bố báo cáo tài chính quí 3/2019 so với thời hạn qui định.
Theo giải trình của HAGL, trong thời gian vừa qua công ty và các công ty con có triển khai vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới áp dụng đối với toàn bộ hoạt động của tập đoàn. Hiện tại, công ty đang trong giai đoạn chuyển giao từ hệ thống cũ sang hệ thống mới, dẫn đến việc chốt số liệu cho báo cáo tài chính quí 3/2019 bị chậm trễ so với kế hoạch.
Công ty của Bầu Đức đang trong giai đoạn chuyển giao từ hệ thống cũ sang hệ thống mới.
HAGL cũng cho biết, công ty đang cố gắng khắc phục để sớm hoàn thành báo cáo tài chính quí 3/2019, dự kiến thời gian công bố chậm nhất đến ngày 10/11.
Cùng với HAGL, một đơn vị thành viên là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cũng đưa ra thông báo với nội dung như trên và xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính đến ngày 10/11.
HAGL hiện đang sở hữu 49,24% vốn điều lệ của HAGL Agrico. Cả HAGL và HAGL Agrico đều do ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu Đức") làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
TTC Sugar có “nữ tướng” mới
CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) vừa thông báo bà Huỳnh Bích Ngọc – vợ ông Đặng Văn Thành chính thức giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của TTC Sugar.
Đồng thời, ông Phạm Hồng Dương được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT còn bà Đặng Huỳnh Ức My (con gái của bà Ngọc) giữ chức Phó chủ tịch HĐQT.
TTC sugar cho biết thêm, để chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập sau Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hội đồng quản trị đã ra quyết định đề cử bà Ngọc lên giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Bà Huỳnh Bích Ngọc sinh năm 1962, là người đồng sáng lập và vận hành cơ sở Tập đoàn Thành Thành Công từ năm 1979 với ngành kinh doanh chính là mía đường. Bà Ngọc từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại các doanh nghiệp đường lớn trong giai đoạn 2010- 2012.
Các năm gần đây, bà đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở một số doanh nghiệp bất động sản trong hệ thống Tập đoàn.
Tại TTC Sugar, bà Ngọc mới tham gia vào thành viện HĐQT cách đây vài tháng và trở thành cổ đông lớn vào ngày 17/10.
Được biết, bà Ngọc đã mua vào 17 triệu cổ phiếu SBT đăng kí trước đó theo hai phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Với giá SBT đang dao động ở mức 18.800 đồng/cp, ước tính bà Ngọc đã chi ra khoảng 320 tỉ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu từ 2,7% lên 11,1% sau hai lần mua liên tiếp, tương ứng với gần 67,6 triệu cp.
Bên cạnh thay đổi nhân sự cấp cao, cũng trong tháng 10, TTC Sugar đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông để thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2019-2020 tương đối thận trọng với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng nhẹ so với niên độ trước, lần lượt đạt 10.903 tỉ đồng, 430 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, cổ đông đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động của công ty với loại cổ phần phát hành là cổ phần phổ thông có mệnh giá 10.000 đồng/cp.
CTCP Xây dựng FLC Faros vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III.