Dân Việt

Mô hình bệnh viện thông minh: Chờ đến bao giờ?

Tại hội nghị quốc tế “hướng tới bệnh viện thông minh” do Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam và Khoa Quản lý Công nghiệp (ĐH Bách khoa TP.HCM) vừa tổ chức hồi giữa tháng 10/2019, hơn 300 chuyên gia trong và ngoài nước cùng bàn luận về các cách xúc tiến xây dựng “bệnh viện thông minh” tại Việt Nam.

Theo TS.Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế): “Số hóa bệnh viện tại Việt Nam vẫn rất chậm so với thế giới, đặc biệt là đầu tư máy móc thiết bị và ứng dụng khoa học kỹ thuật bậc cao vào khám chữa bệnh”.

Còn lạc hậu

Theo TS Khuê, các bệnh viện nên thuê doanh nghiệp bên ngoài triển khai những công nghệ phức tạp để y bác sĩ tập trung vào chăm sóc người bệnh… “Bệnh án điện tử thế giới làm lâu lắm rồi, giờ chúng ta mới bắt đầu nên phải đi tắt đón đầu, không nên hì hục làm từng thứ một. Ở Việt Nam, việc xây dựng bệnh viện thông minh đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc”, ông Khuê nói thêm.

TS.Trương Minh Chương (Khoa Quản Lý Công Nghiệp, ĐH Bách Khoa TP.HCM) nhận định, các vấn đề hiện tại của ngành y khiến việc xây dựng bệnh viện thông minh bị cản trở như tình trạng quá tải, quy trình đăng ký, quản lý bệnh nhân khám chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe quá phức tạp. “Việc bố trí mặt bằng không hợp lý đã làm tăng thời gian di chuyển, thời gian chờ của bệnh nhân, đào tạo phát triển nguồn nhân lực y khoa còn giới hạn, trong khi đội ngũ y bác sĩ bị quá tải đang là những rào cản của bệnh viện tại Việt Nam”, TS.Chương nhận xét.

“TP.HCM hiện gặp nhiều vướng mắc do ngành y tế chưa có chuẩn mực chung trong số hóa thông tin bệnh án nên việc kết nối dữ liệu giữa các bệnh viện còn khó khăn. Việt Nam hiện vẫn chưa tiến hành thẩm định mức độ số hóa của các bệnh viện dù Bộ Y tế đã có khung đánh giá”, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

img

Khám chữa bệnh bằng công nghệ hiện đại.

Cần phải xúc tiến “bệnh viện thông minh”

Ông Thượng nêu một số bệnh viện lớn tại TP.HCM như Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 mua bản quyền phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo “Rapid” để chẩn đoán và điều trị đột quỵ não, hay sử dụng robot trong điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhân dân 115… PGS.TS Tăng Chí Thượng nói: “Đã đến lúc xây dựng bệnh viện thông minh vì mô hình này sẽ giúp thời gian chờ giảm, nâng cao năng lực, chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị bệnh, quản lý dữ liệu, thông tin của bệnh nhân trực tuyến; ngăn ngừa, can thiệp kịp thời, giảm rủi ro cho bệnh nhân…”.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, Việt Nam hiện có 1.400 bệnh viện công lập, 245 bệnh viện và 30.000 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cùng 11.545 trạm y tế xã, phường.

Theo ông Tuấn, thuận lợi đầu tiên trong việc xây dựng mô hình bệnh viện thông minh tại Việt Nam là có đến 99,6% bệnh viện đã liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội.