Dân Việt

Đột phá du lịch nhưng không hy sinh môi trường

Minh Thi 02/11/2019 11:22 GMT+7
Có nên phát triển du lịch bằng mọi giá, đi kèm phát triển bất động sản, bê tông hóa, hay không chấp nhận đánh đổi cảnh quan và môi trường?

Những điều này được các chuyên gia kinh tế và du lịch phân tích cặn kẽ trong hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” tại TP.HCM, ngày 28/10.

Kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, khẳng định, du lịch Việt đủ điều kiện và tiềm năng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp thứ 34/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29, đây đều là những thứ hạng rất cao. Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp có thể xây dựng những khách sạn, resort đẳng cấp…

img

Một góc bán đảo Sơn Trà bị san bằng và chặt hết cây xanh nhường chỗ cho dự án.

Ông Nam phân tích: “Cùng với tiềm năng cực lớn về tài nguyên, không có lý gì du lịch không trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng, một trong những điểm nghẽn hiện nay liên quan đến sự phát triển bền vững. Quan điểm về phát triển bền vững nếu không rõ ràng sẽ trở thành nút thắt rất lớn, và thực tế gần đây đang nóng lên từ chuyện ở Bà Nà, Tam Đảo, vịnh Hạ Long, bán đảo Sơn Trà hay các dự án du lịch tâm linh... Bởi mọi người đều đồng thuận phải phát triển bền vững, nhưng cụ thể ra sao thì không có tiêu chí, không có cơ sở nên chuyện tranh luận giữa bảo tồn tuyệt đối hay phát triển mà không quan tâm tới môi trường diễn ra căng thẳng, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch”. Quan trọng hơn, theo các chuyên gia, phải xác định cách làm du lịch có đẳng cấp, tiêu chuẩn cao chứ không chỉ chạy theo số lượng. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, phát triển du lịch cần làm theo hướng khác biệt và đặc sắc, tạo đẳng cấp riêng. Không nên chạy theo số lượng du khách mà nên chú trọng vào dịch vụ đẳng cấp để buộc du khách không rút hầu bao không được.

Cũng theo ông Thiên, trong bối cảnh hiện nay, cần làm rõ khái niệm kinh tế mũi nhọn để có sự ưu tiên chính sách rõ ràng, thông thoáng, tạo động lực cho ngành kinh tế mũi nhọn cất cánh. Không thể nói mũi nhọn mà lại thiếu chính sách ưu đãi, nguồn lực đầu tư thì èo uột… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.

“Nếu chỉ nhăm nhăm chuyện năm nay đón 15 triệu thì năm sau phải lên được 17 hay 25 triệu khách thì không ổn. Khi muốn “ăn” nhanh, muốn tăng số người, muốn có thành tích thì lại mở cửa, tạo điều kiện cho kiểu khách đi cả làng. Điều này sẽ khiến du lịch chỉ tăng về chất mà không có về lượng, không đi vào chiều sâu. Ngay từ đầu phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều. Chúng ta phải đặt vấn đề: Tài nguyên du lịch của VN ít nhưng đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... phải làm du lịch xứng đáng với tài nguyên đó”, TS Trần Đình Thiên.

Trước thực trạng một Bà Nà bị chặt nhiều cây để làm cáp treo, rồi “gai bê tông” trên đỉnh Mã Pí Lèng, TS Trần Đình Thiên cho rằng muốn phát triển phải đánh đổi. Cứ đụng tới môi trường là bị phản ứng thì rất khó, như làm đường sắt xuyên Việt nếu không phá cây rừng làm sao thành dự án? Muốn phát triển mạnh phải đánh đổi mạnh, có điều, đánh đổi bao nhiêu là hợp lý ở giai đoạn đó phụ thuộc vào lợi ích tổng thể và dài hạn.

Theo TS Lương Hoài Nam, nhà nước cần sớm ban hành những bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững để áp vào từng dự án du lịch xem có phù hợp hay không. Nếu không sẽ thành cuộc tranh cãi cảm tính. Càng minh bạch càng tốt để dân làm, dân kiểm tra. Cần cơ chế phản biện rộng rãi, giảm sự xung đột trong phát triển du lịch. Phát triển theo hướng bất chấp sẽ bị con cháu quy tội phá hoại.

Tháo điểm nghẽn cho du lịch

TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam đưa ra nhận định, hiện có nhiều “điểm nghẽn” phải sớm tháo gỡ cho du lịch tăng tốc, đó là điểm nghẽn về hạ tầng du lịch, chính sách thị thực, xúc tiến quảng bá, nguồn nhân lực du lịch, chính sách liên kết phát triển du lịch. Việt Nam đã xác định những địa bàn trọng điểm về du lịch nhưng lại thiếu chính sách ưu đãi trong thu hút nguồn lực đầu tư; hay như chính sách nuôi dưỡng nguồn tài nguyên di sản văn hóa cũng chưa được các địa phương chú trọng.

“Làm du lịch còn phải nuôi dưỡng, không nuôi dưỡng sẽ cạn kiệt tài nguyên. Xin chính phủ cho phép sử dụng 50% lệ phí của du khách vào Việt Nam để cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa”, ông Lương đề nghị. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, phân tích: “Trước hết phải tính toán lại quy hoạch phát triển du lịch, không có quy hoạch sẽ không làm được. Trong đó, quy hoạch du lịch không thể thiếu phát triển kinh tế đêm. Muốn đột phá kinh tế từ du lịch thì bản thân du lịch phải đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng trước tiềm năng phát triển của du lịch, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia phát triển hạ tầng du lịch, thậm chí có doanh nghiệp chọn phát triển bất động sản du lịch là phân khúc chủ đạo đã thúc đẩy gia tăng đáng kể cơ sở lưu trú và điểm đến. Tuy nhiên về lâu dài, cần có hành lang pháp lý minh bạch nhằm tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, cụ thể là hoàn thiện tính pháp lý cho mô hình bất động sản lưu trú condotel.