Dân Việt

Vị tiền bối Hoàng Văn Thụ: Nhà báo lớn của cách mạng

Thành An 04/11/2019 11:10 GMT+7
Thông qua các chứng nhân lịch sử, các nghiên cứu, có thể thấy, trong quá trình hoạt động các mạng, Hoàng Văn Thụ luôn quan tâm đến công tác báo chí và đã sử dụng báo chí để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng như một vũ khí sắc bén, rất có hiệu quả. Bản thân ông là một nhà báo lớn của nên báo chí cách mạng nước ta.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi, phong phú của mình, không chỉ là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, Hoàng Văn Thụ còn là một nhà thơ, nhà báo với những đóng góp nhất định cho nền văn học và báo chí Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các hồi ký của các cán bộ lão thành cách mạng từng hoạt động cùng Hoàng Văn Thụ, cũng như qua các công trình nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu lịch sử Đảng.

Tận dụng triệt để sức mạnh báo chí phục vụ cách mạng

Xuất thân trong một gia đình lao động, cha Hoàng Văn Thụ là ông Hoàng Khải Lan, một nông dân miền núi từng làm lý trưởng (một số tài liệu cho rằng cụ Hoàng Khải Lan có thời làm Tri phủ), mẹ là Hà Thị Mùi, một phụ nữ nông dân hiền hậu, đảm đang, suốt đời gắn bó với ruộng nương và rất mực thương yêu chồng con.

img

Hình ảnh "Hoàng Văn Thụ - người cộng sản kiên trung, bất khuất" xuất hiện trong truyện anh lưu giữ tại Thư viện tỉnh Lạng Sơn.

Cũng như các bậc tiền bối, trong quá trình hoạt động các mạng, Hoàng Văn Thụ đến với báo chí rất sớm. Năm 1930, khi hoạt động ở Trung Quốc bên cạnh nhà cách mạng Lê Hồng Phong, ông đã làm trợ bút cho tờ Châu Giang, vừa nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê nin vừa học thêm tiếng Hán để tiếp cận với cương lĩnh của cách mạng Trung Quốc, đồng thời có dịp rèn luyện tay nghề làm báo.

Hồi ký “Nhớ về Anh Hoàng Văn Thụ” của lãnh thành cách mạng Hồ Đức Thành - từng cùng hoạt động với Hoàng Văn Thụ qua nhiều thời kỳ, từ khi Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Chi mới sang Long Châu (Trung Quốc) đến những năm 1940 có viết: Thời kỳ đầu khi Hoàng Văn Thụ mới sang Long Châu, đồng chí đã rất tích cực nghiên cứu báo chí cách mạng, báo chí tiến bộ và tích cực tham gia viết bài cho báo. 

Lão thành cách mạng Hồ Đức Thành cũng cho biết: Vào những năm 1930, ở Long Châu có báo “Tranh đấu” – Tiếng nói của Đảng bộ đặc biệt (Cách mạng Việt Nam tại Long Châu), Hoàng Văn Thụ rất tích cực viết cho báo này và đến khoảng đầu năm 1936 Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp phụ trách luôn tờ báo.

Trong tác phẩm “Hoàng Văn Thụ, người cộng sản kiên trung bất khuất” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn biên soạn cũng nêu: Những năm đồng chí Hoàng Văn Thụ từ Long Châu (Trung Quốc) về các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng tuyên truyền cách mạng, xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đồng chí đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như in, rải truyền đơn, sáng tác các bài dân ca địa phương như sli, then, lượn… mang nội dung cách mạng để mọi người dễ thuộc, dễ nhớ, và ra những tờ báo phù hợp để tuyên truyền cách mạng.

“Anh thường nói với các đồng chí của mình rằng: Những bài báo cách mạng như những tia lửa nhỏ, khi đã thấm sâu vào quần chúng nó có thể thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng tiêu diệt bọn giặc thù”. 

img

Rất nhiều sử liệu viết về Hoàng Văn Thụ được xuất bản.

Sách của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Hà Đông cho hay, năm 1935, từ Trung Quốc về nước Hoàng Văn Thụ tiếp tục lấy báo chí làm phương tiện phục vụ cách mạng. Khi ở căn cứ địa Việt Bắc, ông được giao làm chủ bút báo Tranh đấu, cơ quan phản đế miền thượng du Bắc Kỳ của Đảng cộng sản Đông Dương.

Năm 1937, khi hoạt động ở Cao Bằng, Hoàng Văn Thụ tích cực tham gia viết cho báo Lao động - cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Cao Bằng. Được một thời gian, để tránh sự truy lùng gắt gao của giặc, ông phải lánh sang Hồng Công. 

Trong hồi ký của lãnh thành cách mạng Hồ Đức Thành nêu rõ: “Tôi – Hồ Đức Thành và Nam Cao chủ trương cho xuất bản báo “Lao Động” để làm tiếng nói của Tỉnh uỷ Cao Bằng, nhưng đang gặp khó khăn về in ấn… Chúng tôi cấp tốc cho người ra Long Châu yêu cầu chi viện. Anh Hoàng Văn Thụ nhận được báo cáo yêu cầu, liền cử Hoàng Sâm, một thanh niên Việt kiều vừa bị trục xuất tại Thái Lan đã được anh Quê hướng dẫn kỹ thuật in ấn… vào ngay Cao Bằng giúp việc in báo Lao Động. Anh Thụ hẹn sẽ vào thăm Cao Bằng sau Tết âm lịch (1937)”.

Làm báo trong sự truy lùng gắt gao của giặc

Ngay sau thời kỳ Đảng đấu tranh hoạt động công khai kết thúc (1936 – 1939), khi đã được Trung ương bầu làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Hoàng Văn Thụ đề nghị với Xứ ủy cho xuất bản báo “Giải phóng”- Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương thuộc Xứ uỷ Bắc Kỳ. 

“Báo Giải phóng” do Hoàng Văn Thụ sáng lập và trực tiếp chỉ đạo đã ra mắt bạn đọc (ông làm chủ bút tờ báo này từ số 1 đến số 3, từ số 4 đến số 7 do Trường Chinh làm chủ bút). Để hướng dẫn quần chúng đi vào con đường đấu tranh, số 2 của báo ấy (ra ngày 15/11/1939) đã viết “Chúng tôi một lần nữa vạch rõ con đường đấu tranh rất hiệu nghiệm của các tầng lớp nhân dân Đông Dương là phải kiên quyết đấu tranh, tự mình cứu lấy mình. Mỗi người dân Đông Dương vô luận già, trẻ, đàn ông cũng như đàn bà, kẻ giầu cũng như người nghèo, làm thầy cũng như làm thợ phải trăm người như một, kiên quyết chống đế quốc chiến tranh, chống sức phản động thuộc địa đang phản công chúng ta”. 

img

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi, phong phú của mình, không chỉ là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, Hoàng Văn Thụ còn là một nhà thơ, nhà báo với những đóng góp nhất định cho nền văn học và báo chí Việt Nam. (Ảnh: I.T)

Ngoài việc tổ chức xuất bản, Hoàng Văn Thụ còn trực tiếp viết nhiều bài chính luận giải thích về chiến tranh Thái Bình Dương, về chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, về việc vận động thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế…

Do bị giặc lùng sục gắt gao, Hoàng Văn Thụ và toà soạn báo phải di chuyển liên tục từ Hà Nội về làng Vạn Phúc, rồi làng La Cả Hoài Đức Hà Tây trong sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ của nhân dân.

Luôn nghiêm túc, cẩn trọng trong việc làm báo, Hoàng Văn Thụ sửa bài của anh em cẩn thận, kỹ lưỡng với mong muốn mỗi bài viết đến với quần chúng nhân dân đều dễ đọc, dễ hiểu, nhằm đạt được hiệu quả tuyên truyền cách mạng cao nhất. 

Sau này, khi đã chuyển sang làm nhiệm vụ khác ông vẫn thường xuyên tham gia viết và giới thiệu các báo như: “Tin tức”, “Thế Giới”, “Dân Chúng”…

Tại nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 do Bác Hồ chủ tọa họp tháng 5/1941 tại Pác Bó (Cao Bằng), Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và sau đó được cử vào Tổng bộ Việt Minh lâm thời. Ở cương vị công tác mới, bên cạnh việc quan tâm ra báo, viết báo, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của báo Cờ giải phóng và Tạp chí Cộng sản, Hoàng Văn Thụ còn viết nhiều tài liệu, cuốn sách để tuyên truyền, cổ vũ cách mạng. 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, các bài viết của Hoàng Văn Thụ (với các bút danh Văn, Lý theo các bí danh hoạt động cách mạng của ông) luôn xoay quanh những vấn đề nóng bỏng được quần chúng quan tâm như giải phóng dân tộc, đoàn kết chống giặc ngoại xâm… 38 tuổi đời, ông đã có gần 10 năm lăn lộn với nghề làm báo, dù chỉ là nghiệp dư song cũng như các bậc tiền bối, Hoàng Văn Thụ đã tận dụng sức mạnh của báo chí để phục vụ sự nghiệp cách mạng và có đóng góp không nhỏ trong việc phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ việc tham gia viết bài đến tổ chức một tờ báo như Châu Giang, Tranh đấu, Lao động đến Giải phóng, ông luôn để lại dấu ấn của mình. Bên cạnh hình ảnh một chiến sỹ cách mạng kiên trung, ông còn được coi là một nhà báo, một nhà thơ luôn rút ruột mình ra làm những gì tâm đắc nhất để đến với quần chúng cần lao.

Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh ngày 4/11/1909 tại xóm Phạc Lạng, xã Nhân Lý, châu Điềm He, huyện Văn Uyên (nay thuộc xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng) tỉnh Lạng Sơn.

Cả thời thanh niên sôi nổi, ông là một trong những vị tiền bối có nhiều đóng góp to lớn cho Đảng ta và cho cách mạng. Do bị chỉ điểm, ông bị bắt tháng 8/1943 tại ngõ Nam Diệm khu Tám Mái, khi đang là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Ông bị giam tại nhà tù Hỏa Lò cùng nhiều đồng chí khác như: Trần Đăng Ninh, Đỗ Mười, Tô Quang Đẩu, Hoàng Ngân, Tạ Quốc Bảo… Hoàng Văn Thụ bị nhiều trận tra tấn rất nặng. Tuy nhiên, thực dân Pháp không thể khuất phục được ông.

Tháng 1/1944, ông bị kết án tử hình. Việc ông bị xử bắn đã tác động rất lớn đến phong trào đấu tranh Cách mạng lúc bấy giờ.