Nhiều mục tiêu khó thành
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi 2008 - 2018, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi duy trì ở mức cao, 5-6%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2015 thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 6-7% mà Chiến lược đề ra.
Tỷ lệ trung bình của chăn nuôi trong ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 30,5%, năm 2018 đạt 32%. Tỷ lệ này thấp hơn so với mục tiêu đặt ra (38% vào năm 2015), và khả năng sẽ khó đạt mục tiêu 42% vào năm 2020.
Năm 2018, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn, tương đương 37,8 triệu tấn thịt xẻ. Kết quả về sản lượng thịt sản xuất thực tế cũng khó đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020 khoảng 7,8 triệu tấn thịt hơi (5,5 triệu tấn thịt xẻ).
Việc kiện toàn chiến lược và hành lang pháp lý sẽ tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn trong giai đoạn mới. (ảnh: Nguyên Vỹ)
Trong ngành chăn nuôi lợn, tăng trưởng về quy mô đàn giai đoạn 2008-2018 cũng thấp hơn khá nhiều so với định hướng của chiến lược. Lý do chính là ảnh hưởng của dịch bệnh, sử dụng chất cấm và thị trường. Năm 2019, Việt Nam lại bị bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại đáng kể. Dự báo quy mô đàn lợn trong nước giảm thấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt cho tiêu dùng trong nước không chỉ trong năm 2019 mà có thể còn những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Cùng với xuất phát điểm của ngành chăn nuôi nước ta thấp, cộng với những bất cập trong tổ chức triển khai các chính sách nên sản xuất chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài các lý do khách quan, mục tiêu và định hướng của chiến lược chưa đánh giá hết vai trò quan trọng của yếu tố thị trường với thịt lợn, yếu tố đất đai dành cho không gian chăn thả với chăn nuôi trâu, bò thịt. Định hướng cơ cấu vật nuôi và sản phẩm chưa tính hết các yếu tố tăng trưởng chất lượng như năng suất, cơ cấu sản phẩm.
Hoàn thiện khung pháp lý
Để khắc phục những tồn tại này, ông Dương cho biết, giai đoạn 2020 - 2030, ngành chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại; chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ, gắn với khai thác lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Hành lang pháp lý được hoàn thiện cùng định hướng chiến lược đúng đắn sẽ sẽ tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và tiến tới thực hiện cuộc cách mạng chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến |
“Việc đóng góp ý kiến từ thực tế chăn nuôi tại các địa phương là cần thiết để kiện toàn định hướng chiến lược và hành lang pháp lý trong giai đoạn tới” - ông Dương nói.
Bà Đỗ Thu Nga, đại diện Công ty Thức ăn chăn nuôi ProConco cho biết, sự chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang trang trại cũng làm thừa ra lực lượng lao động từ nông hộ. Vì vậy, định hướng mới ngoài đáp ứng an ninh lương thực cũng phải giải quyết được việc làm nông dân. Vấn đề bảo hiểm cho nông hộ cũng cần được tính đến.
“Trong đợt dịch vừa qua, nhiều nông hộ phá sản, nhưng các công ty bảo hiểm không dám cung cấp dịch vụ bảo hiểm vì không thể lường được mức độ nguy hiểm của dịch” - bà Nga nói.
Ông Nguyễn Văn Mấy – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết, tỉnh đang xây dựng nghị quyết về vùng cấm nuôi. Tuy nhiên, cần định nghĩa lại cụ thể về khu dân cư, khu nội thành nội thị vì hiện có nhiều cách giải thích khác nhau nên khó áp dụng cho vùng cấm chăn nuôi.
Ông Trần Thế Hiệp - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y An Giang đề nghị tăng cường chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi. Khi kiểm tra lợn nhập lậu, khung xử phạt chỉ 5 – 6 triệu đồng là không đủ tính răn đe. Các trang trại xây dựng không đúng quy hoạch chỉ bị xử phạt 5 – 10 triệu đồng là quá thấp.
“Trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi cần quy định cụ thể chế tài trong lĩnh vực nuôi chim yến đang phát triển nóng và gây nhiều bức xúc hiện nay” - ông Hiệp cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, luật hóa việc quản lý ngành chăn nuôi được xem là bước tiến lớn. Khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực vào đầu năm sau, 2 nghị định, 4 thông tư cũng sẽ sớm được ban hành để thực thi. Nhiều ý kiến đóng góp từ các địa phương là hữu ích, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu để góp ý.