Dân Việt

Đỉnh dịch sốt xuất huyết, bệnh viện kín người

Thuận Hải - Tuấn Kiệt 04/11/2019 05:16 GMT+7
Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh, hành lang bệnh viện ken đặc bệnh nhân đến khám và điều trị SXH. Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm nay, cả nước có hơn 200.000 ca mắc SXH, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018, trong đó có 50 ca tử vong.

Thêm giường, tăng giờ khám

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa nhiễm D (Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM), cho biết những ngày cuối tháng 10, số bệnh nhân đến khám vì SXH tăng mạnh. Có thời điểm, số bệnh nhân điều trị SXH tại bệnh viện lên đến 300 người, chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân của toàn bệnh viện.

Do số bệnh nhân phải nhập viện điều trị tăng cao nên số giường bệnh sẵn có không đủ, đơn vị này phải kê thêm giường dọc hành lang để tiếp nhận bệnh. Riêng khoa nhiễm D do bác sĩ Phong làm trưởng khoa đã phải kê thêm hơn 30 giường bệnh san sát nhau tại hành lang. 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), từ tháng 9 đến nay đã có sự thay đổi về tỷ lệ của một số bệnh thường gặp. Trong đó, tỷ lệ trẻ mắc bệnh SXH tăng nhanh, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 và tỷ lệ trung bình trong 5 năm vừa qua. Dự đoán trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ nhập viện do sốt xuất huyết sẽ vẫn tiếp tục tăng.

img

    Bệnh nhân điều trị SXH tại Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).  (ảnh: Thuận Hải)

Chị Nguyễn Thị Mỹ Trúc (ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có con nhỏ 7 tuổi đang điều trị SXH tại BV Nhi đồng 1 chia sẻ, ban đầu thấy con biếng ăn, mệt mỏi rồi lên cơn sốt. Gia đình chỉ nghĩ là bé bệnh cảm thông thường do thay đổi thời tiết nên ra tiệm mua thuốc hạ sốt cho con.

Tuy nhiên, qua 2 ngày bệnh tình của con vẫn không giảm, gia đình đưa đến bệnh viện địa phương để khám thì phát hiện bị SXH. Lo lắng bệnh chuyển nặng nên gia đình chuyển con lên tuyến trên điều trị. Dù con trai đang được các bác sĩ chăm sóc tích cực nhưng chị Trúc vẫn rất lo lắng, nhất là khi vừa cách đây vài ngày, đã có một bệnh nhi tại Đồng Nai tử vong vì SXH.

Anh Nguyễn Đông Hồ (quê huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cũng đang điều trị SXH tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Làm việc trong một bãi phế liệu ở vùng ven TP.HCM, cây cối rậm rạp nên có khá nhiều muỗi nên anh Hồ thường xuyên bị muỗi chích. Nghĩ việc bị muỗi cắn là “chuyện nhỏ” nên anh vẫn làm việc bình thường, cho đến khi bị sốt cao, lạnh run nhưng uống thuốc cảm không hết. Khi đến bệnh viện xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện tiểu cầu giảm, huyết áp tụt..., anh Hồ được nhập viện điều trị SXH. 

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh nhân Toan vừa bị sốt nhiễm trùng do vi khuẩn trên nền SXH nên sốt cao kéo dài hơn các ca SXH thông thường. Nếu không được điều trị sớm, chỉ cho rằng SXH đơn thuần thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. 

Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), con trai bệnh nhân Nguyễn Thị Toan (nhà ở Long Biên, Hà Nội) cho biết, mẹ anh “đùng đùng” sốt cao vào thứ 7 (26/10), gia đình đưa bà đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên). Xét nghiệm máu cho thấy bà bị SXH. Tuy nhiên do bà mệt nặng, sốt cao không giảm nên đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. Sau 5 ngày sốt cao, đến sáng 31/10 mới giảm. “Gia đình chưa có ai bị SXH nhưng quanh vùng cũng đã thấy nhiều người bị” – anh này cho biết.

Tử vong do chủ quan

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhận định, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố vẫn đang tăng mạnh, chưa có dấu hiệu giảm. Trung bình mỗi tuần, TP.HCM có thêm khoảng 1.800 ca mắc SXH. Đã có 9 trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em và 7 người lớn, hầu hết do đến bệnh viện trễ sau một thời gian tự điều trị tại nhà hoặc kèm theo bệnh lý như béo phì, bệnh mạn tính.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, SXH là bệnh nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được chăm sóc, điều trị kịp thời và đúng cách. Như trong 9 trường hợp tử vong vì SXH tại TP.HCM, các bệnh nhân này phần lớn đều đến bệnh viện trễ. Khi phát bệnh đã không đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay mà tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Tại Hà Nội, theo Sở Y tế, từ ngày 21-27/10, toàn thành phố ghi nhận 770 ca SXH (giảm 61 trường hợp so với tuần trước) và đang có chiều hướng giảm khi không khí lạnh tràn về. Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 8.416 ca SXH, không có trường hợp tử vong. Hiện, 95,5% ca mắc SXH đã khỏi và được xuất viện. 

Tốc độ đô thì hóa nhanh, các công trường xây dựng mọc lên nhiều, nhà cao tầng nhiều nên rất khó dọn được các vũng nước đọng nên việc “chặn đứng” dịch SXH rất khó khăn. Vaccine phòng chống SXH và thuốc điều trị bệnh SXH đều không có. Do đó, cách giảm nguy cơ bùng phát bệnh chỉ có cách diệt các ổ loăng quăng (bọ gậy)”. 
 Ông Phạm Hùng

PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thời gian qua, số ca SXH trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu chững lại, số ca mắc mới đã giảm hơn so với những tuần trước đó. Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã không được chủ quan mà phải tiếp tục duy trì biện pháp phòng bệnh, thường xuyên tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, khống chế kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Về nguyên nhân gia tăng các ca SXH, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai-Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM thông tin, hiện nay, không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng gia tăng số ca mắc SXH. Nguyên nhân một phần là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường tăng tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng, phát triển. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa ở nhiều địa phương tăng nhanh, xen kẽ giữa các tòa cao tầng là những khu “ổ chuột”, sập xệ không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng là điều kiện phát tán muỗi mang mầm bệnh.

Theo bác sĩ Dũng, hiện TP.HCM đã và đang tăng cường các chiến dịch phòng chống SXH. Tuy nhiên, việc này không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng mà phải dựa vào ý thức của người dân và cộng đồng. Theo đánh giá, một số quận, huyện khu vực ngoại thành TP.HCM hiện vẫn chưa kiểm soát tốt các điểm nguy cơ gây SXH. Nhất là những cơ sở kinh doanh vỏ xe, bồn nước cũ, vựa ve chai, các hộ chăn nuôi, hộ gia đình có vật chứa đựng nước ngoài trời… là những cơ sở có nhiều vũng nước đọng, tạo ổ muỗi.

Ông Phạm Hùng - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 10, cả nước ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc SXH. Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 50 ca tử vong. Hiện, 63 tỉnh, thành phố đều có bệnh nhân SXH.

Theo ông Hùng, hiện ở ngoài Bắc, khi mùa đông bắt đầu thì số ca SXH đang giảm dần, tuy nhiên tình hình dịch vẫn phức tạp ở phía Nam khi mùa mưa bão vẫn đang kéo dài.