Theo báo cáo của Bộ phận Pháp chế, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn những năm gần đây diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên diện rộng. Có tới hàng trăm chương trình biểu diễn (có bán vé, quảng bá hình ảnh công khai) không thực hiện nghiêm chỉnh không thực hiện quy định về quyền tác giả. Chính vì tính chất nghiêm trọng này, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng về việc vi phạm tác quyền này.
VCPMC cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức quản lý bản quyền như SACEM (Pháp), PRS (Anh), GEMA (Đức)… đã có liên hệ với VCPMC yêu cầu xác minh việc sử dụng các bài hát thuộc ủy quyền của họ có được thực hiện đúng cam kết về bản quyền hay chưa. Tình trạng này đã có từ lâu và liên tục tái diễn với tính chất càng ngày càng nghiêm trọng, xem nhẹ quyền tác tác giả.
Liveshow Đêm tình nhân 6 diễn ra tối 20/10 bị tố xâm hại bản quyền.
Gần đây, các show diễn như: Liveshow Khánh Ly "Tạ ơn" diễn ra ngày 26/10, tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng do Kinh Kỳ Music Foundation tổ chức; chương trình “Lời chưa nói” diễn ra ngày 20/10, tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng do Công ty THNH TM&DV Hùng Dân Việt tổ chức; Liveshow Đêm tình nhân 6 diễn ra tối 20/10, tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, Hà Nội do IB Group Việt Nam, VN Show tổ chức... và hàng loạt các show diễn khác đều không thực hiện nghiêm túc các quy định về quyền tác giả. Theo báo cáo của VCPMC có tới 132 show diễn vi phạm quyền tác giả tính từ đầu năm 2016 đến nay.
VCPMC cho biết khi phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc khi các quyền, các tác phẩm âm nhạc thuộc phạm vi quản lý và bảo vệ của Trung tâm có nguy cơ bị xâm phạm, Trung tâm đều đã nỗ lực gửi cảnh báo và đề nghị, yêu cầu trả tiền nhuận bút sử dụng tác phẩm đến các đơn vị tổ chức biểu diễn. Ngoài ra, trung tâm cũng đã tiến hành khởi kiện một số vụ việc xâm phạm quyền tác giả âm nhạc ra Tòa án có thẩm quyền. Riêng lĩnh vực biểu diễn, đã có 8 trường hợp Trung tâm đã khởi kiện ra Tòa án trong thời gian qua.
Tuy nhiên hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, thiệt hại và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc ở các tác giả sáng tác âm nhạc. Vì vậy, đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử, chưa kể một số vụ cũng chưa được Tòa thụ lý mặc dù đã quá thời hạn.
Vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung và các quy định thực thi bảo hộ quyền tác giả nói riếng hiện nay được cho là là vấn đề nóng, cần nhận được sự quan tâm của xã hội. Tình trạng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn trên thực tế vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát, khó ngăn chặn. Nguyên do của vấn đề này là do ý thức của một số bộ phận tổ chức, cá nhân chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc sử dụng các tác phẩm trí tuệ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ sáng tác, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia.