Chương trình truyền hình thực tế ăn khách Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa 3 đã sắp khép lại sau 45 startup gọi vốn trong 15 tập đã phát sóng, trong đó hầu hết là các startup về công nghệ. Theo theo thông báo từ e-kíp sản xuất, tập cuối cùng (tập 16) sẽ được phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 6/11/2019 trên kênh VTV3, sẽ tập hợp các câu chuyện bên lề Shark Tank mùa 3; đồng thời, các nhà đầu tư cũng đưa ra những lời khuyên, bài học có giá trị dành cho startup.
Không rõ các shark sẽ chia sẻ cụ thể những gì trong tập cuối của Shark Tank mùa 3 nhưng cách đây không lâu, shark Hưng từng tiết lộ về một startup đã vượt qua các vòng sơ loại, được vào quay hình chính thức nhưng sau đó e-kíp sản xuất phải cắt bỏ. Thông tin này được shark Hưng chia sẻ tại tọa đàm "Định giá đúng - gọi vốn trúng" cách đây không lâu.
Shark Phạm Thanh Hưng - CEO Cen Group.
Khi đó, shark Hưng cho biết startup này đã đến gọi vốn 100.000 USD cho 10% cổ phần. Tuy nhiên, người này chỉ mang tới một ý tưởng mà không có con số gì thực tế để các shark định giá. Bất ngờ là khi có một shark trả 100.000 USD cho 98%, cứ ngỡ startup sẽ từ chối nhưng vẫn "dính".
"Khi các shark đã nắm 98% rồi thì số tiền bỏ ra chỉ là cho bản thân các shark. Trong trường hợp này, có thể hiểu các bạn có một ý tưởng, các shark cho bạn 2% chỉ để mua lại ý tưởng của các bạn", shark Hưng chia sẻ và cho biết thương vụ này phải hủy bỏ.
Tại buổi tọa đàm, các shark cũng chia sẻ nhiều trường hợp startup gọi vốn quá cao so với những số liệu hiện hữu và tiềm lực trong tương lai, đồng thời liên tục nhắc tới shark Bình - người đã đưa định nghĩa "ngáo giá" đến với chương trình Shak Tank mùa 3.
"Thực ra xác suất đưa ra giá thấp và không thắng được thương vụ thì cao hơn rất nhiều so với xác suất trả giá cao để "bị hớ". Điều đó có nghĩa là shark cũng chặt chẽ lắm, thường thì trả giá kỳ kèo, mặc cả dữ dội", shark Hưng nói và dẫn chứng trường hợp startup tua-bin gió.
"Điển hình là số tiền đầu tư vào tua-bin gió, kêu đến 5 triệu USD nhưng cuối cùng bỏ ra có 5 tỷ đồng tức là 250.000 USD mà vẫn "dính". Thực ra khi mà các shark đã nắm trên 75% rồi thì vệc xuống tiền hay không xuống tiền không còn quan trọng nữa", shark Hưng nhớ lại.
Đối với định giá, nguyên tắc đầu tiên chúng ta phải xác định mục đích mua bán hay mục đích định giá để làm gì, và chúng ta là người bán thì phải biết người ta mua để làm gì. Cái đó quyết định tất cả phương pháp chúng ta lựa chọn. Nếu bây giờ một doanh nghiệp đang ở giai đoạn mà tương lai sáng ngời thì người ta sẽ mua để đầu tư tài trợ. Còn doanh nghiệp sắp sửa "chết" thì người ta mua để lấy giấy phép, có khi là lấy mấy năm thâm niên của doanh nghiệp. Đôi khi có những doanh nghiệp mua lại để diệt. Thẩm định giá phụ thuộc vào mục đích bạn kêu gọi vốn và mục đích của người bỏ tiền ra đầu tư, cái đó sẽ quyết định tất cả.
Phụ thuộc vào mục đích thẩm định giá mà bạn chọn công thức hay là hình thức định giá nào. Có rất nhiều phương pháp định giá nhưng quan trọng nhất, tại sao có những trường hợp bị nói là định giá trên trời hay cách tính định giá gây tranh cãi xôn xao ở Shark Tank? Là bởi vì mục đích của người định giá khi gọi vốn là muốn định giá tương lai của mình, còn người bỏ tiền ra thì lại muốn mua cái hiện tại. Vì vậy mới xảy ra một sự chênh lệch vô cùng lớn trong cách định giá. Vì mục đích và cách nhìn của chúng ta khác nhau.
-- Shark Phạm Thanh Hưng
Bắt tay cùng shark Hưng, các nhà sáng lập startup công nghệ này mong đợi có thể tận dụng hệ sinh thái của shark.