Dân Việt

Gạo Việt được người Hong Kong "mê" vì thơm ngon, không gây tăng cân

Thục Anh 04/11/2019 21:17 GMT+7
Gạo Việt Nam được người tiêu dùng Hong Kong đánh giá là ăn thơm, ngon và nhiều triển vọng tăng lượng xuất khẩu vào thị trường này.

Trong 4 ngày từ 3-7/11, phái đoàn gồm 30 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong đã có mặt tại Việt Nam theo lời mời của Hiệp hội lương thực Việt Nam để tìm kiếm cơ hội tăng cường giao thương giữa hai bên.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt sáng 4/11, ông Benjamin Lu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong cho biết, kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu nhiều thứ hai vào Hong Kong, chỉ sau Thái Lan. Thậm chí năm 2013, lượng gạo Việt Nam nhập khẩu vào Hong Kong chỉ ít hơn lượng gạo Thái Lan nhập vào đây có 10.000 tấn (137.000 tấn so với 147.000 tấn).

Trong năm 2018, Hong Kong nhập 76 nghìn tấn gạo Việt Nam, tương đương 25% lượng gạo nhập của vùng lãnh thổ này. 9 tháng đầu năm 2019, lượng gạo Việt Nam nhập vào Hong Kong là 65 nghìn tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

img

Ông Benjamin Lu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong đánh giá cao chất lượng gạo Việt Nam. Ảnh: Thục Anh

Không có diện tích trồng lúa, an ninh lương thực của Hong Kong hoàn toàn phụ thuộc vào lượng gạo nhập từ các nước. Mỗi năm Hong Kong nhập hơn 300 nghìn tấn gạo. Ông Lu cho biết, thị trường nhập khẩu gạo Hong Kong có tính cạnh tranh rất cao. Nếu năm 2003 chỉ có 86 doanh nghiệp nhập khẩu gạo thì tới 2019 con số này đã tăng gần ba lần, lên 232 doanh nghiệp.

Ông Lu đánh giá cao chất lượng gạo Việt Nam vì thơm, ngon và ăn không gây tăng cân. Thị trường Hong Kong ưa chuộng các loại gạo thơm của các nước, sau đó mới đến gạo trắng và các loại khác. Trong cơ cấu gạo Việt Nam xuất sang Hong Kong, gạo thơm chiếm tới 90% tổng sản lượng gạo.

img

Việt Nam đang hướng đến sản xuất gạo có chất lượng cao.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, cơ hội tăng trưởng ở thị trường Hong Kong là hoàn toàn khả thi, dù tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2019 và 2020 giảm do sản xuất khó khăn (mùa khô kéo dài ở ĐBSCL, lượng đất ngập mặn tăng, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng) và các thị trường chính như Trung Quốc, Indonesia... có một số thay đổi về chính sách nhập khẩu.

“Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong năm 2020 không tăng mà còn giảm, nhưng riêng thị trường Hong Kong có thể bằng 2019 hoặc tăng hơn”, ông Nam thông tin.

Còn ông Lu hy vọng sau chuyến thăm Việt Nam của các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong lần này, sản lượng gạo Việt Nam xuất sang Hong Kong sẽ đạt con số tối thiểu là 90 nghìn tấn vào cuối năm nay.

Ngày mai, phái đoàn Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong sẽ đến thăm trực tiếp một nhà máy gạo ở Tiền Giang và làm việc với UBND, các sở ngành và doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP CầnThơ.