Thời Đông Hán, hoàng đế thường không được trường thọ, thường xuất hiện ấu đế, chỉ vài tuổi cũng lên làm vua. Cũng bởi vậy, mang tiếng có hoàng đế, nhưng triều chính thường do thái hậu cầm quyền, ngoại thích liên tục được trọng dụng, tranh quyền đoạt vị xảy ra liên miên. Vì lý do này, thời Đông Hán, thái hậu thường có danh tiếng không tốt lắm.
Tuy nhiên, chuyện gì cũng có ngoại lệ, thời này, vẫn có một vị hoàng hậu nổi danh thiên cổ là hiền đức, được người đời sau coi là viên kim cương không tỳ vết của thời Đông Hán, có là Minh Đức Mã hoàng hậu.
Theo sử sách ghi chép, Mã thị xuất thân là thiên kim tiểu thư, con nhà quan. Cha nàng là Mã Viện - tướng quân trứ danh, người có công lớn trong việc khai quốc nhà Đông Hán. Khi Đông Hán mới được thành lập, thống nhất vào một mối, chưa ổn định hẳn, Mã Viện nam chính bắc chiến, vì quốc gia lập được vô số công lao.
Thế nhưng vì bản thân Mã Viện là danh tướng, vô cùng thẳng thắn, không nịnh bợ quyền quý, không luồn cúi sân si, vì vậy bị dèm pha, vu oan giá tội, cuối cùng chịu khổ.
Năm Kiến Vũ 25, Mã Viên đã 63 tuổi nhưng vẫn chinh chiến khắp nơi. Cuối cùng, trong trận đánh dẹp loạn ở Vũ Lăng (thuộc tỉnh Hồ Bắc hiện nay, do tuổi già sức yếu, chết ở chiến trường. Nhà họ Mã cũng xảy ra biến cố.
Cả đời cống hiến cho quốc gia, đến khi chết Mã Viện lại bị những người không cùng phe cánh đặt điều, vu oan, nhà họ Mã bị thu hầu ấn Hầu Tước. Thời điểm đó, anh trai Mã thị qua đời, mẹ nàng là Lận phu nhân cũng suy sụp mà ngã bệnh nặng. Mã thị mới 10 tuổi nhưng đã phải gánh toàn bộ công việc nhà.
Có tiếng xinh đẹp, thông minh từ bé, tuy còn nhỏ nhưng tài quản lý của Mã thị khiến người trên kẻ dưới đều phục. Mặc dù gia tộc thất thế, bị nhiều người quyền quý khinh thường, coi rẻ, nhưng Mã thị vẫn cứng rắn chống đỡ, hy vọng một ngày khôi phục lại vị thế cho cả gia tộc.
Cứng rắn mãi cũng mệt, một lần Mã thị bị bệnh nặng, liệt giường tưởng không qua khỏi, Lận phu nhân mời một thầy xem tướng đến xem dùm. Chẳng ngờ, vị thầy tướng này nói: "Đừng lo lắng, cô nương này tuy rằng đang bệnh nặng, chỉ cần qua được chắc chắn sau này đại phú đại quý".
Không mấy tin tưởng, Lận phu nhân lại tiếp tục mời người khác đến xem, kết quả thầy tướng lại nói: "Cô nương này mệnh quý không thể nói, sau này tất cả mọi người gặp phải xưng thần. Chỉ tiếc nàng suốt đời định trước là không con. Tuy nhiên nếu biết nuôi con người khác, vẫn có thể bảo toàn phú quý".
Kết quả này khiến Lận phu nhân vừa mừng vừa sợ, cuối cùng quyết định đưa Mã thị vào cung. Theo sự sắp đặt của người anh họ, Mã thị xinh đẹp trúng tuyển vào cung làm tần thiếp của Hoàng thái tử Lưu Trang.
Vào cung, nhờ khuôn mặt xinh đẹp, khí chất thanh nhã, cử chỉ thỏa đáng, rất nhanh Mã thị đã được hoàng hậu Âm Lệ Hoa yêu thích. Nhờ sự yêu thích này, Mã thị được tấn phong làm Thái tử phi, năm đó nàng mới 13 tuổi.
Sau, Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú qua đời, Thái tử Lưu Trang lên ngôi, tức là Hán Minh Đế. Mã thị được phong làm Quý nhân, địa vị cao thứ 2 Hậu cung, chỉ dưới bậc Hoàng hậu.
Đáng tiếc, Mã quý nhân 20 tuổi vẫn không có con. Không lâu sau người em họ là Giả thị cũng vào cung, sinh được một con trai cho Hán Minh Đế tên là Lưu Đát). Minh Đế đem Lưu Đát cho Mã Quý nhân nuôi làm con. Tuy rằng không phải con trai ruột, nhưng Mã thị hết lòng lo lắng, quan tâm, chăm sóc, giáo dưỡng Lưu Đát. Bởi vậy, từ nhỏ, Lưu Đát không muốn rời xa Mã thị, tình như mẹ con ruột thịt.
Năm Vĩnh Bình thứ 3, các đại thần đề nghị chuyện lập hoàng hậu. Hán Minh Đế hỏi ý Âm Lệ Hoa Thái hậu, vốn Thái hậu sẵn có cảm tình với Mã quý nhân nên nói:"Trong hậu cung, hiền đức của Mã quý nhân là đứng đầu, nên chọn nàng ta đi!", vì thế Mã quý nhân dưới sự tán đồng của Âm Thái hậu chính thức trở thành hoàng hậu. Con nuôi của bà là Lưu Đát, lấy thân phận đích tử được lập làm thái tử.
Thời điểm Mã thị trở thành hoàng hậu, gia tộc họ Mã vô cùng hãnh diện. Mã thị cũng đem năng lực, tài hoa của mình trợ giúp cho Hán Minh Đế rất nhiều.
Bước lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ, Mã hoàng hậu cũng sửa án cho cha, minh oan cho gia tộc. Đồng thời, bà cũng cho điều tra, lật án, nghiêm trị những kẻ đã hãm hại cha bà ngày trước, khiến triều đình một phen thanh trừng.
Ở trong hậu cung, mặc dù là hoàng hậu, thế nhưng Mã thị trời sinh tính đơn giản, đối nhân xử thế vô cùng hào phóng rộng rãi, ngày thường cũng mặc rất đơn giản, phần lớn là đồ màu trắng, thanh bạch, không hoa mỹ, cầu kỳ, không đòi hỏi xa xỉ. Nàng cũng không thích hưởng thụ, chỉ thích đọc sách, học hỏi thêm.
Ngoài ra, Mã hoàng hậu còn không kiêu căng, không đố kỵ, được sủng ái mà không chuyên quyền. Nàng đối xử bình đẳng với tất cả các phi tần, được toàn bộ hậu cung kính trọng.
Năm Vĩnh Bình thứ 18, Hán Minh Đế Lưu Trang qua đời, Hoàng thái tử Lưu Đát lên nối ngôi, tức là Hán Chương Đế, Mã Hoàng hậu được tôn làm Thái hậu.
Làm Thái hậu, Mã thị hoàn toàn có thể đề bạt người nhà ra làm quan. Thế nhưng bà không mảy may yêu cầu, đề bạt. Thậm chí ngay cả khi Hán Chương Đế chủ động thăng quan cho nhà họ Mã, Mã hoàng hậu cũng một mực từ chối, lại nói với Hán Chương Đế: "Làm ngoại thích, hẳn là phải đề phòng bên ngoại chuyên quyền. Nhà Tây Hán diệt vong không phải vì có Vương Mãng bên nhà ngoại nhúng tay vào chuyện triều chính hay sao?"
Cũng bởi vậy, khi Mã thái hậu còn trên đời, gia hộ chọ Mã không ai được phong hầu tước. Hán Chương Đế còn phải cảm thán: "Hán triều hưng khởi, cữu thị thân tộc phong Hầu, giống như hoàng tử phong vương vậy. Đây là chuyện đương nhiên, thái hậu thực sự quá khiêm tốn rồi!".
Năm Kiến Sơ thứ 4, Mã thái hậu qua đời, hưởng thọ 41 tuổi, thụy hào Minh Đức hoàng hậu, hợp tác lăng Hiển Tiết cùng Hán Minh Đế.
Sau khi Mã thái hậu qua đời, ghi nhớ lời bà, Hán Chương Đế chăm lo việc nước, trở thành một bậc minh quân tài năng, đức độ. Cùng với vua cha Hán Minh Đế, thời trị vì của Hán Chương Đế được đánh giá cao và được sử gia xem là thời hoàng kim của nhà Đông Hán, được gọi là Minh Chương chi trị.
Mà Minh Đức Mã hoàng hậu, với kiến thức uyên thâm, suy nghĩ sắc bén, sắc đẹp dịu dàng cùng đức hạnh và tấm lòng từ bi vô lượng, nàng được coi là "Hiền hậu" đứng đầu, cùng với Hòa Hi Đặng Thái hậu là hai cái tên nổi tiếng thời Hán, xưng tụng Mẫu nghi thiên hạ.