Dân Việt

Bộ trưởng NNPTNT trả lời chất vấn QH: 5 thách thức lớn của ngành nông nghiệp

Khương Lực 05/11/2019 18:12 GMT+7
Ngày mai (6/11), Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên sẽ trả lời chất vấn của Quốc hội về những vấn đề “nóng” thuộc phạm vi quản lý của ngành như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, nắng nóng gây cháy rừng, nhiều nông sản giảm giá sâu… Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, chính những yếu tố bất lợi này đã khiến mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu của ngành nông nghiệp không đạt như kỳ vọng.

Chống chọi dịch bệnh, thiên tai

Năm nay, theo kế hoạch Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt khoảng 3%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 41 - 42 tỷ USD. Thế nhưng, với những diễn biến về thiên tai, dịch bệnh và thương mại nông sản thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường thì có thể khẳng định, đây là một năm thử thách rất lớn đối với ngành nông nghiệp.

Về thiên tai, nắng nóng đã được ghi nhận ở mức cao kỷ lục ở nhiều nước trên thế giới, có những điểm ở châu Âu ghi nhận mức cao nhất trong vòng 140 năm. Ở trong nước, nắng nóng kéo dài liên tiếp, đặc biệt trong tháng 7/2019 đã gây ra cháy rừng diện rộng, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Báo cáo cập nhật mới của Bộ NNPTNT cho thấy, trong 10 tháng, cả nước đã có khoảng 1.951ha rừng bị cháy, tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

img

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (trái) đánh giá cao mô hình liên kết theo chuỗi của Công ty Chế biến thực phẩm Đồng Giao. (ảnh tư liệu)

Lý giải về diện tích rừng bị cháy tăng cao, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019, ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Đây là việc bất khả kháng chứ không phải ai muốn để cháy rừng cả. Đến nay, các địa phương báo cáo, hiện 75% diện tích rừng bị cháy có thể khôi phục được, còn có phục hồi tốt như lúc đầu hay không thì chúng tôi phải kiểm tra lại. Qua kiểm tra, thực sự các địa phương đã rất tích cực trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian vừa qua”.

Hiện, Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và ngày 5/10/2019, Thủ tướng đã ký quyết định bố trí một nguồn kinh phí cấp bách cho công tác phòng chống, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng cấp bách cho Bộ NNPTNT và 30 tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát trong hơn 9 tháng qua đã gây thiệt hại rất lớn, tính đến trung tuần tháng 10, cả nước đã tiêu hủy 5,6 triệu con lợn với tổng trọng lượng 324.960 tấn, làm giảm 8,3% sản lượng thịt lợn cả nước. Thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư, Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Trong đó có thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia cầm, đại gia súc và thủy sản để bù đắp thiếu thịt.

Nhờ các biện pháp chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của các địa phương, đến nay DTLCP tại nhiều địa phương tiếp tục được kiểm soát, số lượng lợn tiêu hủy giảm so với các tháng trước, nhiều địa phương chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn nhằm hạn chế bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn lợn. Trong điều kiện giá cả có lợi cho người chăn nuôi, việc tái đàn lợn và thúc đẩy chăn nuôi gia cầm, đại gia súc và thủy sản để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cho những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán có những kết quả tích cực. Trong 10 tháng, đàn bò tăng khoảng 2,4%; đàn gia cầm tăng 11,5%, thủy sản tăng 5,3% so với cùng thời điểm năm 2018.

img

 Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương (Tiền Giang). (ảnh tư liệu)

Cùng với thiên tai và dịch bệnh, vấn đề thị trường thương mại thế giới về nông sản năm nay cực kỳ khó khăn. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản không thuận lợi về thị trường và giá xuất khẩu. Bình quân chung tất cả các mặt hàng nông sản giá đều giảm từ 5 - 15%; cùng với đó chiến tranh thương mại của một số nước đã khiến thị trường có xu hướng co lại theo chính sách bảo hộ, trong đó nông nghiệp là một trong những ngành bị tổn thương lớn nhất.

“Mặc dù chúng ta chưa đạt được kỳ vọng (tăng trưởng 3%) như kế hoạch Chính phủ, Thủ tướng giao, nhưng 9 tháng đầu năm, nông nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng 2,02% và giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,24%. Đây là một chỉ tiêu tích cực, phản ánh đúng nỗ lực của chúng ta trong khắc phục thiên tai, dịch bệnh, vươn tới hội nhập” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Định dạng lại để phát triển bền vững

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng (2,1%) và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 41 tỷ USD trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tiếp tục tập trung cho công tác tái cơ cấu các mũi hàng của ngành tổng thể để đảm bảo cho tăng trưởng trong năm nay và tiền đề cho năm tới. 

Tập trung xử lý những tồn đọng về tàu 67

Đối với việc thực hiện Nghị định 67/2014, theo Bộ NNPTNT, đến nay, đã có hơn 1.300 tỷ đồng hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ; bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ 3.740 chuyến biển cho tàu dịch vụ… Đối với những vấn đề tồn đọng trong quá trình triển khai Nghị định 67, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NNPTNT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung xử lý dứt điểm, trong đó có 55/1.030 tàu (chiếm 5,2% số tàu đóng mới theo Nghị định 67) không hoạt động, chủ yếu là tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần, tàu lưới rê, tàu câu. 

Theo Bộ trưởng, từ nay đến cuối năm phải luôn đề phòng thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó trong sản xuất của từng đối tượng. “Một mặt chúng ta cố gắng có các biện pháp tổng hợp để hạn chế thiên tai đến mức thấp nhất; một mặt chúng ta tích cực các biện pháp phòng chống để hạn chế dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú ý bệnh DTLCP; tập trung thúc đẩy những ngành hàng, khu vực có dư địa phát triển. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh 2 chương trình lớn của ngành là xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Trong 10 tháng, sản lượng lúa thu hoạch đạt khoảng 37,97 triệu tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ và khả năng cả năm 2019 sẽ đạt 43,6 triệu tấn. Tuy nhiên, Bộ NNPTNT đã tích cực chỉ đạo các địa phương ở ĐBSCL triển khai gieo trồng vụ đông xuân sớm với một bối cảnh hết sức đặc biệt - lũ đến muộn, kết thúc sớm. Các tỉnh phía Bắc dự báo cũng gặp khó khăn về nguồn nước cho sản xuất vụ đông xuân tới.

Về dịch bệnh, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương tập trung tất cả các nhóm giải pháp để khống chế, hạn chế thấp nhất bệnh DTLCP. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở những ngành hàng đang tăng trưởng tốt như lâm nghiệp, thủy sản… Năm nay, dự kiến giá trị xuất khẩu lâm sản sẽ đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD. Giá tôm hiện đã tăng 10.000 đồng/kg, giá cá tra tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg góp phần cải thiện đà tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm, dự kiến cả năm đạt 9 tỷ USD. Bộ NNPTNT đang phối hợp với các địa phương thúc đẩy phát triển những ngành nghề mới để tạo kế sinh nhai cho ngư dân như nuôi biển công nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi…