Ngày mai (6/11), Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên sẽ trả lời chất vấn của Quốc hội về những vấn đề “nóng” thuộc phạm vi quản lý của ngành như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều nông sản giảm giá sâu, chương trình xây dựng nông thôn mới, khắc phục thẻ vàng của EU trong vấn đề khai thác, đánh bắt hải sản trên biển…
Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá)
Trao đổi với PV Dân Việt, đại biểu Mai Sỹ Diễn (tỉnh Thanh Hoá) cho biết: "Một trong những vấn đề tôi quan tâm nhất hiện nay là tình hình dịch tả lợn châu Phi, thiệt hại do dịch bệnh này gây ra đối với ngành chăn nuôi và bà con nông dân là rất lớn, dù Nhà nước đã có sự hỗ trợ một phần và Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thực iện tái cơ cấu chăn nuôi rất mạnh mẽ, cái này tôi rất đồng tình, nhưng nông dân đang có tâm lí tái đàn tự phát vì thấy giá lợn hơi tăng cao, không tuân thủ chỉ đạo tái cơ cấu của Bộ NN&PTNT. Vì vậy tôi muốn hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT như thế nào trong việc chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương triển khai chủ trương tái cơ cấu?".
Thứ 2 là Luật Thuỷ sản có hiệu lực từ 1/1/2019, tuy nhiên Việt Nam lại đang bị EU phạt "thẻ vàng", việc chống đánh bắt thuỷ sản bất hợp pháp đang nỗ lực thực hiện nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng trong chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo đảm bảo triển khai khắc phục thẻ vàng EU như thế nào, gúp nông dân khắc phục những khó khăn trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển theo Luật Thuỷ sản ra sao?
Thủ tướng đã từng chỉ đạo “chống dịch tả châu Phi phải như chống giặc”, ai để dịch xảy ra ở địa bàn của mình thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng đến nay, dương như chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm khi dịch đã bùng phát ở 63 tỉnh, thành phố. Là người đứng đầu ngành nông nghiệp, tôi cũng muốn làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào, tình hình khắc phục hậu quả dịch bệnh ra sao?
"Tôi cũng cho rằng, trước Quốc hội, cần phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng và người đứng đầu các địa phương. Theo tôi được biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát diện rộng, lây lan ra khắp cả nước là do nhiều nơi phòng chống dịch chưa thực sự nghiêm túc, việc kiểm soát tại các chốt kiểm dịch có lúc chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra tình trạng tuồn lợn bệnh ra ngoài tiêu thụ, vứt xác lợn chết ra sông, kênh mương…", đại biểu Mai Sỹ Diến cho biết.
Cũng theo đại biểu Mai Sỹ Diến, một số địa phương, ngay cả tỉnh Thanh Hoá đã để xảy ra dịch và tái phát dịch ở những nơi đã qua 30 ngày. Thực tế có chuyện khi thấy qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, một số nơi đã coi đó là thành tích, dẫn tới chủ quan trong phòng chống, chỉ đạo bị buông lỏng dẫn tới lại tái dịch.
"Trong chuyện này, có trách nhiệm rất lớn của các địa phương từ kiểm soát, tuyên truyền tới vệ sinh phòng dịch, tiêu thụ thịt lợn tới từng hộ gia đình. Cái khó của bệnh dịch này là chưa có vaccine và thuốc chữa bệnh, thì chỉ có giải pháp ngăn chặn dịch lây lan tốt nhất là kiểm soát chặt, khoanh vùng dịch, thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh", đại biểu Mai Sỹ Diến nói thêm.