Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, rác thải nhựa là những chất không được phân hủy trong nhiều môi trường.
Bao gồm nhiều loại chai lọ, túi đựng hay đồ chơi cũ… Chất thải ni lông gồm các bao bì bằng nhựa polyethylene (PE) sau khi sử dụng trở thành rác thải. Trong rác thải sinh họa còn có lẫn các loại chứa nhựa phế thải. Rác thải ni lông thực chất là một hỗn hợp nhựa, trong đó chiếm phần lớn là nhựa PE.
Theo báo cáo của Liên hợp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 17 trên 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm do rác thải nhựa lớn trên thế giới, 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.
“Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Không những vậy, chính những nơi cấm vứt rác lại là nơi nhiều rác nhất”, bà Chi nói.
Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. (Ảnh: Thành An).
Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Môi trường và cộng đồng, năm 2015, lượng rác thải sinh hoạt của Việt Nam tăng tới trên 27 triệu tấn và đang tiếp tục tăng khoảng 5% mỗi năm. Trung bình mỗi người dân đô thị thải ra 1,6kg rác/ ngày.
Mức tiêu thụ nhựa bình quân ở Việt nam đã tăng từ 3,8 kg/người năm 1990 lên trên 41kg/ người năm 2015. Rác thải nhựa không có khả năng tự phân hủy sinh học, chúng chỉ có thể vỡ thành những mảnh nhỏ và trôi nổi khắp nơi. Nếu có tác động của ánh sáng mặt trời thì cũng phải nhiều thế kỷ nhựa mới phân hủy được.
Bà Chi cho hay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh chất thải nhựa chính vì tiện lợi, dễ sử dụng, giá thành rẻ, thói quen của con người vứt rác bừa bãi. Bên cạnh đó, đô thị hóa và gia tăng dân số làm chất thải nhựa ngày càng gia tăng… Vì vậy, loại rác thải để lại hậu quả lâu dài nhất chính là nhựa.
Chất thải nhựa ở Hà Nội phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người ở khu dân cư, khách vãng lai, du lịch; chát thải nhựa sinh hoạt của công nhân trong nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp... (Ảnh: Thành An).
“Những chất độc từ rác thải nhựa tích lũy lâu ngày sẽ gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm, đặc biệt trong nhựa có chứa một chất độc hại là DOP, chất này có thể gây ảnh hưởng giới tính bé trai và gây vô sinh ở bé gái. Ngoài ra, nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Chúng có thể bị các sinh vật như cá nuốt vào và có rất nhiều khả năng con người sẽ ăn nhầm phải và nhiễm độc. Đồng thời, việc đốt nhựa không đúng quy chuẩn sẽ thải ra vô số những khí độc hại và gây hiệu ứng nhà kính”, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội cảnh báo.
Trước thực trạng trên, trong thời gian qua TP.Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp hạn chế sử dụng rác thải nhựa như: Ban hành kế hoạch về việc hành động chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP.Hà Nội giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, yêu cầu các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại thực hiện các mô hình giảm thiểu chất thải và tái chế trong các hoạt động của đơn vị.
Đối với việc giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, thành phố yêu cầu, từ ngày 1/9/2019, phải thực hiện Kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Hình ảnh rác thải sinh hoạt được đựng trong túi nilong bủa vây một con đường tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội). (Ảnh: Viết Chung)
Theo Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Lê Tuấn Định, Hà Nội đặt mục tiêu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019;
Giảm dần việc sử dụng túi nylon khó phân hủy sử dụng một lần; Giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa; Tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa; Đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.
Để nâng cao hiệu quả của hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn, Sở TNMT đã ký kết Kế hoạch phối hợp với Sở GDĐT về việc thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại một số trường học trên địa bàn TP năm học 2019 – 2020.
Hiện nay, Chương trình đã đang triển khai tại 637 trường tại 16 quận, huyện, thị xã trên địa bàn như: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thành Oai, Phúc Thọ, Sơn Tây, Hoàng Mai, Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Nam Từ Liêm.
“Thời gian tới, Sở TNMT tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về phòng chống chất thải nhựa; Xây dựng, ban hành chính sách, cơ chế cụ thể khuyến khích và các văn bản pháp luật về phòng chống chất thải nhựa; Từ nay đến năm 2020, tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình kiểm soát và hạn chế chất thải nhựa, túi nilon theo các kế hoạch do TP ban hành…”, ông Định thông tin.
Báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, chất thải nhựa sinh hoạt phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người. Hàng ngày chất thải nhựa sinh hoạt ở các đô thị được phát sinh từ các nguồn sau: Chất thải sinh hoạt của dân cư, khách vãng lai, du lịch,...: nilon, nhựa, chai nước nhựa, các chất thải nguy hại... Chất thải nhựa từ các chợ, tụ điểm buôn bán,nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, khu văn hóa,... Chất thải nhựa sinh hoạt từ các viện nghiên cứ, cơ quan, trường học;... Chất thải nhựa sinh hoạt của công nhân tỏng các công trình xây dựng, cải tạo và nâng cấp... Chất thải nhựa sinh hoạt của công nhân trong nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp,... |