Các chuyên gia trong lĩnh vực điện lực, chuyên gia kinh tế đều tán thành phương án tính giá điện sinh hoạt theo 5 bậc thang, thay vì 6 bậc thang như hiện nay. Đồng thời, kiến nghị nên luật hóa thời gian điều chỉnh giá điện hàng năm.
Tính giá bán lẻ điện theo 5 bậc, các hộ gia đình chịu tác động ít nhất
Tại hội thảo lấy ý kiến về nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam mới đây, ông Bùi Xuân Hồi (Bộ môn Kinh tế năng lượng, Đại học Bách Khoa Hà Nội) - Chủ nhiệm đề án cho biết đang đề xuất 3 kịch bản với giá bán lẻ điện sinh hoạt tương ứng với 3, 4 và 5 bậc thang.
Theo đó, kịch bản giá điện 3 bậc thang rút gọn từ 100 kWh đến trên 400 kWh. Kịch bản 4 bậc sẽ rút gọn bậc từ 100 kWh đến trên 600 kWh, còn phương án giá chia 5 bậc thang gồm dưới 100 kWh đến trên 700 kWh.
Ông Bùi Xuân Hồi đánh giá, 3 phương án trên đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội trong khi doanh thu của EVN giảm nhẹ. Mặc dù phương án 3 bậc triển khai thực tế sẽ đơn giản hơn 4 bậc và 5 bậc nhưng đây là phương án mà hộ từ 101-200 kWh sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nhận định, phương án Biểu giá điện 5 bậc phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá. Khi đó, hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án; việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay; 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình.
“Nếu lựa chọn phương án cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện theo 5 bậc, người tiêu dùng tại bậc 1 (<101kWh) sẽ phải trả thêm gần 2.800 đồng/tháng; bậc 2 (101-200kWh) sẽ trả thêm hơn 8.300 đồng/tháng. Trong khi đó ở các bậc tiêu dùng điện khác đều có mức trả thấp hơn từ 12.000 - 189.000 đồng/tháng. Phương án này không gây tác động đến chỉ số CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng, có mức giảm nhẹ; tuy nhiên, chi tiêu hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo của Chính phủ sẽ tăng khoảng 5,7 tỷ đồng/tháng và doanh thu của EVN sẽ có mức giảm nhẹ”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi chỉ rõ.
Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn phương án giá bán lẻ điện chia 5 bậc thang, bỏ bậc thang 50kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang lên tới trên 700kWh. Theo kịch bản này biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ như sau:
Đề xuất chọn phương án giá bán lẻ điện chia 5 bậc thang
Nhận xét về Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long – chuyên gia Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc gộp các bậc trong biểu giá điện như đề xuất của Đề án là hợp lý vì chênh lệch 2 bậc trong biểu giá 6 bậc cũ không quá nhiều.
“Việc lựa chọn phương án nhiều bậc (5 bậc thay vì 3 hay 4 bậc) cũng đảm bảo được ý đồ của biểu giá bậc thang khi tiêu dùng càng nhiều giá càng cao. Ngoài ra, cần phải cải tiến biểu giá bởi hiện nay, mức độ chênh lệch của bậc cao nhất và thấp nhất là chưa đủ mạnh để người sử dụng đề cao và nâng cao ý thức tiết kiệm điện”, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long nêu rõ.
Bên cạnh đó, biểu giá điện hiện tại có khoảng thời gian điều chỉnh là 1 năm, tuy nhiên PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng, khoảng thời gian này hơi dài, chưa điều chỉnh theo thời gian (hoặc ít nhất chưa tuân thủ), tạo áp lực lớn cho các lần điều chỉnh.
Do đó, Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện Việt Nam đã đề xuất cải tiến cơ chế biểu giá bán lẻ điện và Luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá. Cụ thể, Đề án đưa ra Chu kỳ giá theo phương án 6 tháng/lần. Ngoài ra, luật hóa cơ chế điều chỉnh giá bằng các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền công khai chu kỳ điều chỉnh giá.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học môi trường Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho rằng, việc cải tiến biểu giá điện có ý nghĩa rất lớn, song cần phải có cải tiến mang tính đột phá hơn để có thay đổi chính sách tốt hơn. Đặc biệt, khi Việt Nam hiện đang tiệm cận theo nền kinh tế thị trường, nên các chính sách giá điện cần phải đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Ông Tịnh đề nghị cần mạnh dạn điều chỉnh giá điện trong năm thành 4 lần, có thể tăng hoặc giảm theo diễn biến giá thành, gắn với 4 mùa với mùa nước, mùa khô. Việc điều chỉnh như vậy, theo ông Tịnh, để giá điện "lên từ từ và giảm từ từ", không gây sốc cho kinh doanh, việc tăng giá và điều chỉnh tăng giảm phù hợp với thị trường.
Ông Trần Đình Long, cho biết ông tâm đắc nhất đề xuất Luật hoá chu kỳ điều chỉnh giá điện được nhóm chuyên gia đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam đưa ra. Bởi theo ông Long, Việt Nam đã theo kinh tế thị trường, thị trường thay đổi hàng ngày nên cần chu kỳ để theo kịp thị trường. Việc 2-3 năm tăng 1 lần sẽ rất bất cập trong khi, 1 năm 2 lần điều chỉnh là hợp lý. Tại Thái Lan việc thay đổi, điều chỉnh giá điện hàng tháng, quý.
“EVN có thể đề xuất cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có thể thông qua hoặc không thông qua đề xuất của EVN tuỳ bối cảnh. Nên ấn định thời điểm, cứ đến hẹn lại lên để có sự điều chỉnh giá linh hoạt”, ông Long nói.
Cho rằng nên luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá điện, PGS. TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm, giá điện nên điều chỉnh 6 tháng 1 lần. Dù không thay đổi gì cơ quan quản lý cũng cần thông báo cho người dân được biết.
PGS. TS. Trần Văn Bình, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý, ĐH Bách khoa Hà Nội bổ sung thêm, điều chỉnh giá điện ở đây có thể tăng hoặc giảm, nếu để 2 năm 1 lần tăng 10% sẽ rất bất cập trong khi tăng có chu kỳ người tiêu dùng có thể điều chỉnh hành vi của họ.
Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng 8,36% giá điện bình quân từ ngày 20/3/2019 đã gây “sốc” cho khách hàng. Nhiều ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện chịu khó khăn vì giá điện. Vì vậy, giá điện nên được điều chỉnh với tần suất dày hơn và cố định tại một thời điểm để tạo thuận lợi cho khách hàng.
Theo VCCI không nên đóng dấu mật vì doanh nghiệp có nhu cầu cần biết sớm quyết định điều chỉnh giá điện, giá xăng từ...