“Tiểu nhân” như Báo Tử Đầu Lâm Xung
Lâm Xung, giáo đầu 80 vạn cấm quân kinh thành, đầu lĩnh ghế thứ 6 Lương Sơn Bạc là “idol” trong lòng nhiều thế hệ độc giả Thủy Hử. Hình ảnh của Lâm Xung được tô vẽ diệu vời qua nhiều đầu phim truyền hình càng tạo ra sự ảnh hưởng và… lầm tưởng lớn lao về nhân vật này. Thực tế, Thi Nại Am đã chủ tâm xây dựng Lâm Xung là một tay võ nghệ tuyệt luân nhưng tính cách thì tiểu nhân, cơ hội, thậm chí hèn nhát.
Lâm Xung: tiểu nhân, hèn nhát, cơ hội, đủ loại tính xấu.
Nếu Lâm Xung là chân chính anh hùng thì không có chuyện khi nhìn thấy kẻ sàm sỡ vợ mình là con nuôi Cao Thái Úy thì lại chùn tay không dám dạy cho hắn một bài học. Ngay cảVõ Đại Lang lùn xủn cũngsẵn sàng phá cửa xông vào đấm đá Tây Môn Khánh lúc bắt quả tang tay này tằng tựu với Phan Kim Liên thì đằng này Lâm Xung chỉ đứng ngoài la lớn khi bên trong vợ bị Cao Nha Nội dở trò dâm ô. So với Võ Đại, Lâm Xung còn không… đàn ông bằng thì anh hùng nỗi gì.
Chuyện viết giấy “ly hôn” với Trương Thị khi bị hại thành phạm nhân, đọc qua thì tưởng Lâm Xung nghĩ cho vợ. Nhưng thực chất thì chàng ta chỉ lo cho an nguy của bản thân mình. Trong lời bộc bạch với bố vợ (Trương Giáo Đầu), Lâm Xung nói một câu thế này: “Vả chăng vợ con cũng đương trạc thanh xuân.E khi ở lại trong nhà, lỡ bị Cao Nha Nội lại đem lòng ức hiếp, thì bấy giờ sẽ xử ra sao?”.
Đến bản thân Lâm Xung là Giáo Đầu cấm quân mà còn không giữ được vợ thì sau khi chàng ly hôn, Trương Thị lấy người khác liệu có thoát khỏi “nanh vuốt” của Cao Nha Nội? Lâm Xung chủ động cắt đứt với Trương Thị, chẳng qua là muốn tránh rắc rối về sau, là nghĩ cho bản thân, chứ đâu phải vì hạnh phúc của vợ mình!
Tính cách cơ hội của Lâm Xung thể hiện rõ qua lần chàng ta tới gia trang Sài Tiến kiếm chút bạc làm lộ phí, rồi dùng tiền đút lót bọn quan nhỏ trong ngục để tránh cảnh bị ăn đòn. Nhưng đỉnh cao chính là lần ra tay giết Vương Luân – người đã cho chàng ta chốn dung thân lúc cùng đường – khi Lương Sơn Bạc xuất hiện thế lực mới là nhóm Tiều Cái.
Đọc qua hồi 18 Thủy Hử thì tưởng chừng như Lâm Xung “bị” Ngô Dung khích mà sau đó ra tay với Vương Luân. Nhưng thực chất, chủ ý hạ Luân, tôn Tiều ở Xung đã có từ trước. Thi Nại Am có viết: “Sáng hôm sau bỗng thấy người nói có Lâm Xung Giáo Đầu đến chơi”. Rõ là Lâm Xung chủ động đến, tức là đã có dụng tâm rồi. Gặp bọn Tiều Cái Ngô Dụng là để dò ý, thuận thì bàn về kế hoạch ra tay mà thôi.
Bằng chứng là trong câu chuyện đưa đẩy giữa các bên, Lâm Xung có nói một câu: “Tôi chỉ sợ các ngài đem lòng chán nản, nên phải sớm đến đây để nói cho các ngài biết. Đến hôm nay xem, nếu hắn tiếp đãi tử tế không có điều chi khác ý như hôm qua thì thôi. Bằng hắn có một câu gì sân si khó chịu, thì xin các ngài cứ mặc tôi”.
Kế hoạch giết Vương Luân là của Lâm Xung, ra tay hành sự cũng là Lâm Xung. Bọn Tiều - Ngô tưởng là họ Lâm là “con bài” trong tay mình nhưng thực chất chính “Báo Tử Đầu” mới người chủ trương đại sự, dựa vào thế của nhóm quần hùng mới, mà thẳng tay loại trừ cái gai trong mắt. Giết người có ơn với mình lúc khốn đốn (Vương Luân) để ngả về nhóm Tiều – Ngô thế lực đang mạnh, Lâm Xung đích thực là kẻ… đệ nhất tiểu nhân chứ không vừa!
“Trở mặt nhanh” như Tích Lịch Hỏa Tần Minh
Tích Lịch Hỏa Tần Minh, đầu lĩnh thứ 7, một trong Mã quân Ngũ Hổ Tướng Lương Sơn, trong mắt đa số là người nóng tính, suy nghĩ đơn giản, dũng cảm hơn người, ra trận luôn xung phong đánh địch đầu tiên. Nhưng nếu chúng ta đọc thật sâu, thật kĩ các hồi 33-34-35, thời điểm Tần Minh xuất hiện cùng các biến cố xảy ra với nhân vật này, thì con người thật của “Tích Lịch Hỏa” không hề đơn giản như vậy.
Tần Minh là người trở mặt nhanh như trở bàn tay.
Lúc đầu đánh bọn Tống Giang – Hoa Vinh, Tần Minh lớn tiếng mắng (Hoa Vinh) thế này: “Người là một mệnh quan của Triều đình, vốn dòng cửa tướng xưa nay, triều đình sai ngươi giữ chức Tri Trại coi giữ một phương, lộc nước ơn vua, phỏng có điều gì tệ bạc? Lẽ nào ngươi dám liên kết với giặc cướp mà bội bạc lại triều đình như vậy. Nay ta đến đây bắt người đem về nộp với triều đình, ngươi có phải là biết điều thì xuống ngựa mà chịu trói cho xong”.
Đến lúc mắc bẫy của Tống Giang – Hoa Vinh bị bắt sống thì Tần Minh thể hiện như thế nào? “Tần Minh hỏi Hoa Vinh rằng: - Vị hảo hán ngồi kia là ai? Xin cho tôi biết... Hoa Vinh nói: - Người ấy là anh em với tôi, họTống tên Giang làm Áp Ty ở huyện Vận Thành khi trước… Tần Minh nghe nói, liên thụp lạy xuống đất mà nói rằng: - Tôi được nghe tiếng nghĩa sĩ đã lâu, nay được gặp đây, thực thỏa lòng khát vọng”.
Lần đầu được bọn Tống Giang khuyên bỏ quan nhập bọn, Tần Minh phản ứng ra sao? “Tần Minh nghe nói, đi thẳng xuống thềm mà đáp rằng: - Tần Minh này sống làm người nhà Tống, chết làm ma nhà Tống, triều đình đã giao cho làm chức Tổng Quản; lại kiêm chức Thống chế Sứ Quan, xưa nay có điều chi phụ với Tần Minh, mà Tần Minh nỡ đem lòng bội bạc cho đành? Các vị hảo hán định giết tôi, thì cứ giết đi cho rảnh”.
Đến khi Tần Minh rời núi Thanh Phong, lại thấy vợ con mình bị quan Tri phủ Mộ Dung giết đem bêu đầu trên thành, rồi biết nguyên nhân dẫn đến bi kịch này một tay là bởi mưu kế của Tống Giang thì tác gia họ Thi có viết một đoạn rất đắt thế này:
“Tần Minh nghe nói như xé đứt ruột gan, toan đứng tên đánh nhau với bọn Tống Giang cho hả dạ, song bị bọn họ lấy lễ phép bó buộc, không sao trở mặt cho đành, mà có ra oai cũng khó lòng địch nổi. Bởi vậy Tần Minh đành phải nén lòng tức giận mà nói lên rằng:- Anh em các ông làm thế, vẫn biết có lòng tốt muốn lưu Tần Minh ở lại chốn này, song chỉ thiệt riêng cho Tần Minh, là vợ con chết cả, không còn lấy chi làm thú đời, như thế phỏng có độc địa không?”.
Rõ ràng đã có sự chuyển biến tâm lý cực lớn ở Tần Minh chỉ qua vài sự kiện. Đầu tiên là một Tần Minh coi bọn Hoa Vinh là phản tặc triều đình, tiếp đến là một Tần Minh ra vẻ “thà chết không hàng, không làm giặc cỏ”, rồi đến khi thân cô thế cô thì chấp thuận “ở lại chốn này”.
Đến khi than thở “vơ con chết cả, không có lấy chi làm thú đời” được Tống Giang hứa gả em gái Hoa Vinh cho thì “Tần Minh thấy bọn kia hết lòng kính ái như vậy, thì cũng nguôi tấm lòng, mà không còn nói năng chi nữa”. Anh hùng gì mà trước sau… chẳng như một, thay lòng đổi dạ, hoàn tâm chuyển ý nhanh như lật bàn tay vậy?
Sau đó Tần Minh giúp Tống Giang thu phục nốt Hoàng Tín, rồi đến đoạn cả bọn bàn tính chuyện lên Lương Sơn, Thi Nại Am đã thêm một lần nữa để “Tích Lịch Hỏa” bộc lộ tính cách của mình qua đoạn hội thoại với Tống Giang như sau:
“Tần Minh nói: Nếu được những chốn như thế, thì còn gì hơn nữa! Nhưng bây giờ không có ai quen biết, mà tiến dẫn ta lên, thì có khi nào họ chịu nhận… Tần Minh nghe nói cả mừng đáp rằng: - Nếu vậy huynh trưởng là Đại Ân Nhân của bọn họ, thì còn ngại chi đến chuyện kia khác, ta nên mau mau thu xếp đi ngay, kẻo chậm trễ tất nhiên lỡ việc”.
Hỡi ôi, chỉ có vài ngày mà một Tần Minh – từ chỗ coi bọn phản nghịch triều đình như kẻ thù hay “sống làm người Tống, chết làm ma Tống” – giờ trở thành một tay “mau mau thu xếp đi ngay” vì “sợ lỡ việc” trở thành giặc cỏ chốn Lương Sơn. Gió chiều nào ngả chiều ấy, trở mặt nhanh như chớp nếu bản thân có lợi, đấy mới chính là con người thật của “Tích Lịch Hỏa”.
“Cơ hội” như Song Thương Tướng Đổng Bình
“Anh hùng Song thương Tướng/ Phong Lưu Vạn Hộ hầu”, phàm đọc Thủy hử thì biết ngay hai câu này là chỉ nhân vật nào. Chính là “Song thương tướng” Đổng Bình. Xuất thân là đô giám binh mã phủ Đông Bình, giao chiến với quân Lương Sơn bị bắt, hàng Tống Giang rồi “cõng rắn cắn gà nhà” giúp họ Tống chiếm được thành. Nhờ công lao này mà Đổng Bình được phân ghế đầu lĩnh thứ 15, một trong Ngũ Hổ tướng Mã Quân Lương Sơn Bạc.
Đổng Bình - một kẻ cơ hội bậc nhất, sẵn sàng làm chuyện vô nhân để đạt lợi ích bản thân.
Đổng Bình có vẻ ngoài sáng láng, chuẩn soái ca, cầm kỳ thi họa thứ gì cũng giỏi, dùng song thương tuyệt luân. Nhưng tính cách của chàng ta thì lại không đẹp đẽ như vậy. Đổng Bình là tay cơ hội, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà làm chuyện bất nhân, bất nghĩa.
“Nói về Trình Thái Thú nguyên có một người con gái hình dung yểu điệu, tính hạnh dịu dàng, Đổng Bình đã mấy phen toan dạm làm vợ mà Trình Vạn Lý nhất định không gả. Bởi thế nên hai bên có ý không bằng lòng với nhau từ trước. Hôm đó nhân ra trận đánh thành, Đổng Bình muốn thừa thế đương lúc chiến tranh, mà cho người vào nói với Trình Thái Thú để dạm con gái” – Lợi dụng lúc có biến, vai trò của mình được nâng cao để gây sức ép với đối phương nhằm đạt lợi ích của bản thân. Bằng chứng đầu tiên cho tích cách cơ hội của Đổng Bình.
Khi bị Tống Giang bắt sống khuyên hàng, Đổng Bình nhìn thấy thời cơ tốt thực hiện mưu đồ của bản thân, nên “trở cờ” ngay với câu nói: “Trình Vạn Lý nguyên là một tay thầy đồ đi dạy trẻ, nay vớ được một chức béo bỡ như vậy, thì tránh sao cho khỏi hại dân? Nếu Huynh trưởng có rộng lượng cho về, thì Đổng Bình xin lừa mở cửa thành, mà thu lấy lương thảo đền ơn Huynh trưởng” – Đây là lần thứ hai Đổng Bình cho thấy tích cách cơ hội của chàng ta.
Tiếp đến, khi rước quân Lương Sơn vào thành thì “Đổng Bình vào tới thành, vội vàng chạy đến phủ đường, giết chết cả nhà Trình Vạn Lý và cướp lấy người con gái” – Cơ hội đến mức, phản phúc và tàn độc nhường này thì đúng là không còn gì để bàn nữa.