Dân Việt

QBV 2008 Ngọc Châm nói gì khi đồng nghiệp bỏ nghề đi làm công nhân?

Song Minh 09/11/2019 19:10 GMT+7
Vào thời điểm bóng đá nam Việt Nam đang lên như diều gặp gió gắn với những thành công dưới thời HLV Park Hang-seo, thì một số đồng nghiệp nữ lại phải bỏ nghề đi làm công nhân. Nhìn nhận về câu chuyện này, Quả bóng vàng (QBV) nữ Việt Nam 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm mong có nhà tài trợ vào cuộc với chiến lược lâu dài giúp bóng đá nữ Việt Nam phát triển bền vững, có chiều sâu.

Những ngày qua, thông tin về việc một số nữ cầu thủ Thái Nguyên phải bỏ nghề đi làm công nhân để trang trải cuộc sống ngày thường khiến những người yêu bóng đá chân chính không khỏi chạnh lòng.

img

Cầu thủ Nguyễn Thị Quỳnh (Thái Nguyên) bỏ nghề đi làm công nhân vì kinh tế quá khó khăn. 

Nữ cầu thủ Nguyễn Thị Quỳnh (Thái Nguyên) chia sẻ cùng báo chí lý do cô phải xin đi làm công nhân vì như vậy sẽ có thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, cao gấp 2-3 lần thu nhập nếu chỉ làm cầu thủ.

Số tiền đó mới tạm đủ để giúp Quỳnh "liệu cơm gắp mắm", trang trải những nhu cầu tối thiểu của cá nhân: "Khi nào có thời gian hoặc có giải em lại xin nghỉ ở nhà máy để về tập cùng đội bóng”, Quỳnh nói.

Theo như chính HLV Đoàn Việt Triều của đội bóng đá nữ Thái Nguyên thừa nhận thì mỗi ngày cầu thủ chỉ nhận được 100 nghìn đồng tiền ăn, 60 nghìn đồng tiền công tập luyện.

Nói chung, trừ mọi thứ, cả ngày nghỉ, mỗi tháng nữ cầu thủ Thái Nguyên chỉ có hơn 1 triệu đồng trong túi.

Hoàn cảnh quá khó khăn, nên dù đam mê đến đâu đi nữa, nhiều nữ cầu thủ Thái Nguyên đã xin nghỉ. Và đội bóng đang đứng trước cảnh không đủ... cầu thủ để dự giải vô địch quốc gia 2020.

img

HLV Lường Văn Chuyên (Sơn La) không chỉ lo việc chuyên môn mà còn làm công tác tư tưởng, tâm lý, giúp các học trò vượt khó, theo đuổi niềm đam mê. Ảnh: I.T

Thực tế, câu chuyện của bóng đá nữ Thái Nguyên lúc này đã "xưa như diễm". Ngay thời điểm này, bóng đá nữ Sơn La cũng rơi vào tình cảnh tương tự, thậm chí họ đã có công văn gửi VFF xin không đăng ký thi đấu giải vô địch quốc gia 2020

"Đội 1 của chúng tôi chỉ còn 10 cầu thủ do nhiều người đã xin đi làm công nhân nhà máy hoặc lập gia đình. Để đủ người dự Cúp Quốc gia 2019 vừa qua, chúng tôi phải mượn cầu thủ của đội PP.Hà Nam.

Chính vì vậy, chúng tôi đã có công văn xin thôi không dự giải vô địch quốc gia 2020 để đầu tư làm trẻ. Hiện tuyến trẻ chúng tôi có khoảng 40 em", HLV Lường Văn Chuyên cho hay.

Theo HLV Lường Văn Chuyên, hiện bóng đá nữ Sơn La cũng đang tìm kiếm nhà tài trợ: "Nếu có tài trợ, đủ kinh phí nuôi đội 1, chúng tôi sẽ cố gắng dự giải năm sau", HLV người dân tộc Thái chia sẻ.

Hai câu chuyện điển hình nêu trên về 2 đội bóng đá nữ Thái Nguyên, Sơn La là minh chứng cho việc suốt bao năm qua, các cô gái luôn phải ăn uống, sinh hoạt bằng "đam mê", ra sân bằng "niềm tin", thi đấu bằng "ý chí"! Và liệu câu chuyện này sẽ còn kéo dài mãi tới bao giờ?

img

Bóng đá nữ Việt Nam từng "rơi vé" dự World Cup 2015 vào tay Thái Lan. Ảnh: VFF

Cần nhớ, trong quá khứ, trong khi bóng đá nam liên tiếp thất bại ở SEA Games, AFF Cup, thì chính các cô gái từ thế hệ "đàn chị" như Lưu Ngọc Mai, Minh Nguyệt, Thúy Nga... đến Kim Chi, Kiều Trinh, Văn Thị Thanh, Đào Thị Miện, Kim Hồng,  Ngọc Châm... và giờ là Huỳnh Như, Tuyết Dung... là những người giúp bóng đá Việt Nam có thể ngẩng cao đầu trên đấu trường khu vực.

Gần đây nhất, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung đã thắng chủ nhà Thái Lan để lên ngôi vô địch AFF Cup 2019 sau 7 năm chờ đợi.

Chiến thắng này có thể coi như màn "trả nợ" hoàn hảo khi ĐT Việt Nam từng thua Thái Lan 1-2 trên sân Thống Nhất trong cuộc đọ sức có ý nghĩa quyết định giành vé dự World Cup nữ 2015.

img

ĐT bóng đá nữ Việt Nam đã thắng Thái Lan để lên ngôi vô địch AFF Cup 2019. Ảnh: I.T

"Tôi nghĩ, bóng đá nữ muốn phát triển bền vững, có sự bứt phá trên đấu trường quốc tế cần có nhiều người như bầu Đức, bầu Hiển như bóng đá nam", HLV Mai Đức Chung bày tỏ với báo chí.

Chia sẻ với suy nghĩ của HLV Mai Đức Chung, một người thầy mà mình vô cùng kính trọng, Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm - người đã nếm trải đủ vị ngọt, trái đắng trong nghiệp cầu thủ và hiện đang tiếp tục theo đuổi đam mê trong vai trò HLV Trung tâm bóng đá cộng đồng CFF nhìn nhận:

"Thời gian qua, khi có cơ hội tôi vẫn nói chuyện với các bạn ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và hiểu những khó khăn mà họ phải đối mặt.

Phải khẳng định, nếu không có đam mê cực lớn thì không ai có thể theo đuổi đến cùng với bóng đá nữ đâu.

Câu chuyện về bóng đá nữ Thái Nguyên, Sơn La không làm tôi ngạc nhiên. Trước đây, bóng đá nữ Thái Nguyên cũng thi thoảng có ý định nghỉ vì không đủ kinh phí. Một số cầu thủ của họ cũng tới tập cùng Hà Nội.

Không chỉ riêng tôi và tôi nghĩ mọi người, mọi cầu thủ nữ đều mong có tài trợ đồng hành lâu dài như Hà Nội, Hà Nam, TP.HCM.

Bóng đá nữ Thái Nguyên đang khó khăn thế, nếu có tài trợ sát cánh lúc này thì rất tốt. Nhưng tài trợ như nào, có lâu dài không lại là một vấn đề".

img

Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm mong mỏi bóng đá nữ sẽ nhận được sự quan tâm của những nhà tài trợ giàu tâm huyết. Ảnh: Cao Oanh

Theo Ngọc Châm, nếu chỉ tài trợ 1-2 năm thì cũng không giải quyết được vấn đề, ảnh hưởng tới định hướng của các cầu thủ:

"Tính đường xa thì chúng ta cần có những Trung tâm đào tạo trẻ của bóng đá nữ như bóng đá nam đang có. Đó là những trung tâm như HAGL, PVF, Viettel, Hà Nội...

Thêm vào đó, tôi nghĩ truyền thông cũng phải quan tâm tới bóng đá nữ nhiều hơn, cụ thể là lứa U19 hiện nay - lứa cầu thủ được chuẩn bị hướng tới mục tiêu giành vé dự World Cup nữ 2023 vốn sẽ tăng số đội từ 24 lên 32 và đương nhiên ĐT nữ Việt Nam có nhiều cơ hội hơn.

Có sự sát cánh của truyền thông, những nhà tài trợ cũng sẽ đến với bóng đá nữ nhiều hơn, đặc biệt ở thời điểm bóng đá Việt Nam nói chung đang gặt hái được nhiều thành công trên đấu trường quốc tế", Ngọc Châm chốt lại.