Dân Việt

Công an cảnh báo thủ đoạn lừa gạt và cách đề phòng tội phạm công nghệ cao

PV 07/11/2019 12:00 GMT+7
Chỉ qua một cuộc điện thoại, tội phạm công nghệ cao có thể khiến nạn nhân lo sợ và phải ra ngân hàng chuyển tiền cho chúng.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc điện thoại mạo danh cơ quan chức năng (công an, viện kiểm sát,…) để lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhân dân trên địa bàn TP.HCM có diễn biến phức tạp.

img

Nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại tại TP.HCM đang có diễn biến phức tạp.

Một số thủ đoạn của kẻ gian

Qua các vụ việc, Công an TP.HCM nhận thấy các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường sử dụng một số thủ đoạn sau để lừa đảo:

Lừa khách hàng tự chuyển tiền: Giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra. Thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP khách hàng. Giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại.

Đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng: Giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ. Gửi email/tin nhắn có chứa link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng. Sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy trụ ATM, đánh cắp tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM.

img

Cuộc gọi lừa đảo có thể thông báo việc trúng thưởng một món quà nào đó không có thật.

Sử dụng cuộc gọi điện thoại giả danh cơ quan nhà nước: Đối tượng xấu gọi điện thoại giả danh cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…; giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản của người khác.

Sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP) giả số điện thoại cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Đối tượng xấu dùng ứng dụng công nghệ phần mềm công nghệ cao Voice over IP (cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiển thị trên màn hình,…) thực hiện các cuộc gọi đến có số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận các số giống với số trực ban công an,… Sau đó tự xưng cán bộ công an đe dọa, tống tiền nhân dân. Số điện thoại lừa đảo sẽ xuất hiện thêm các đầu số: 1080, +084028 hoặc +028,…  phía trước các đầu số máy giả mạo hiển thị khi gọi đến.

Phòng tránh bằng cách nào?

Từ các thủ đoạn phạm tội trên, Công an TP.HCM đề nghị các ngân hàng, người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau: 

Đối với các chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng: Tăng cường giám sát các máy ATM qua camera, kiểm tra trực tiếp, nhất là các máy ATM đặt ở những nơi vắng người qua lại để kịp thời phát hiện các thiết bị lạ gắn trong buồng máy ATM. Phân công nhân viên thường xuyên trực 24/24 giờ đường dây điện thoại nóng (hotline) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của nhân dân về tình hình an ninh, trật tự xung quanh máy ATM. Khi phát hiện đối tượng sử dụng thẻ ATM giả để giao dịch nhanh chóng thông báo cho lực lượng công an phường, xã, thị trấn nơi có đặt máy ATM để phối hợp xử lý. Khi khách hàng có hoạt động gửi, chuyển số tiền lớn đi kèm tâm lý lo lắng, bất ổn thì nhân viên ngân hàng nên tư vấn, trao đổi thông báo cho khách hàng về thủ đoạn hoạt động lừa đảo bằng công nghệ cao để khách hàng cảnh giác.

Đối với người dân: Giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng (tuyệt đối không tiết lộ mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ, kể cả nhân viên ngân hàng). Xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính (không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội, email, điện thoại, thư giấy, SMS, mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan Nhà nước). Kiểm tra thông tin của trang website khi thực hiện giao dịch trực tuyến (chỉ nên thực hiện giao dịch tại các website uy tín, có độ bảo mật cao…). Hạn chế sử dụng mạng Wi-Fi công cộng, tại quán cafe để đăng nhập, thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử; luôn tải và cập nhật các phần mềm bảo mật, diệt virus, tường lửa mới nhất cũng như phiên bản mới nhất của các ứng dụng cung cấp bởi ngân hàng. Thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng của ngân hàng liên kết với dịch vụ điện tử và các website thương mại điện tử ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.

Khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM, POS phải quan sát khe thẻ trên máy ATM, bảo đảm không có thiết bị lạ và che bàn phím khi nhập số PIN. Khi phát hiện tài khoản/thẻ phát sinh những giao dịch gian lận hoặc có vướng mắc, phải gọi liên lạc ngay số hotline ngân hàng liên quan. Đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản nhằm kịp thời phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các giao dịch bất thường.

Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể.

Mã độc tống tiền giả mạo Bộ Công an, đòi tới 1.000 USD tiền chuộc

Tại Việt Nam, mã độc này được phát tán thông qua thư điện tử giả mạo Bộ Công an Việt Nam với tiêu đề “Goi trong...