Dân Việt

Học trò vẫn phải “miệt mài” học thêm, không còn ngày nghỉ

Khải Huyền 07/11/2019 18:57 GMT+7
Sở GDĐT TP.HCM vừa có văn bản trình UBND TP về việc ban hành quy định dạy thêm, học thêm. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định thì nhiều nhưng trên thực tế, học trò vẫn phải “miệt mài” học thêm, đến cả không còn ngày nghỉ.

Theo nội dung tờ trình, đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, mỗi lớp học thêm không quá 45 em. Tùy tình hình thực tế có thể tổ chức dạy thêm, học thêm trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng, đan xen với các lớp học chính khóa, không dạy thêm, học thêm vào các ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết.

Mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần. Đảm bảo việc chọn lựa giáo viên và môn học theo nguyện vọng của học viên tham gia học thêm. Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, nhưng không vượt quá mức trần.

Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm. Các tổ chức, trung tâm tổ chức dạy thêm cũng phải công khai mức thu tiền học thêm, khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh theo quy định.

img

TP.HCM quy định học sinh chỉ được học thêm không quá 18 tiết/tuần. Ảnh: T.N

Ngoài ra, đơn vị dạy thêm phải cam kết với UBND phường, xã, thị trấn nơi đặt địa điểm dạy thêm, học thêm về việc đảm bảo an toàn cho người dạy và người học, an toàn phòng cháy chữa cháy, không gây ách tắc giao thông, giữ gìn trật tự, an ninh; đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nói về vấn đề dạy thêm, học thêm, nhiều phụ huynh cho rằng, ngành giáo dục có rất nhiều quy định “khung” về hoạt động này. Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh vẫn thường phải tham gia đầy đủ các lớp học thêm do nhà trường, thầy cô trong lớp tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM kể, chị có 2 con học THCS và THPT. Mỗi ngày con đến lớp từ 6h45 sáng và buổi chiều tan trường vào lúc 5h. Thế nhưng, 5h45 con đã phải có mặt ở lớp học thêm, khi thì học các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, lúc thì học ngoại ngữ. Vì gia đình muốn con được học thêm nghệ thuật nên tối thứ 6, CN hàng tuần con còn phải đi học đàn.

Khoảng cách thời gian giữa các buổi học chỉ đủ để di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác nên chị Hồng thường phải làm cơm hộp hoặc chuẩn bị thức ăn vặt cho con giữa các buổi học. Sau khi đón con, chị đưa hộp cơm rồi con ngồi sau lưng ăn vội vã, trong lúc mẹ chở con đến điểm học mới.

img

Hình ảnh học sinh ngủ gục, ngồi ăn trên xe máy, sau lưng mẹ... là chuyện thường thấy sau giờ học ở TP.HCM.

“Từ nhỏ đến lớn đều vậy nên các con đã quen rồi. Bữa chiều có khi là bánh mì, bánh giò, bún xào hoặc cơm hộp… Học xong đến tận 8h tối con mới được ăn cơm nhà”, chị Hồng chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Minh (ngụ phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ, rất khó để… từ chối các lớp dạy thêm do nhà trường, thầy cô trong trường của con tổ chức.

Theo chị Minh, có một điều tế nhị mà các phụ huynh đều ngầm hiểu với nhau, rằng nếu cho con đi học thêm, không cần biết con học thêm được bao nhiêu kiến thức nhưng chắc chắn khi đến lớp, con sẽ “nhẹ gánh” chuyện học hành hơn, các bài thi, kiểm tra… cũng sẽ không quá khó vì con được tiếp xúc trước.

Như trường hợp vừa xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Tân, TP.HCM), nhiều phụ huynh có con học khối 11 của trường phản ánh, bài kiểm tra 15 phút môn toán do thầy H.N.D ra đề giống hệt với bài ôn tập thầy dạy trước đó ở trung tâm dạy thêm.

img

Chương trình học nặng nề, thêm việc học thêm, học ngoài giờ... dễ khiến học sinh quá tải. 

Cụ thể, trước đó, nhiều học sinh phản ánh, các bài kiểm tra do thầy D. ra đề đều rất khó, học sinh không thể đạt điểm cao. Sau đó, thầy D. có thông tin chuyện mình dạy thêm bên ngoài.

Trong khi đó, cũng nhiều thầy cô cho rằng, chương trình học của học sinh hiện quá tải, thời gian trên lớp không đủ để cô trò giải thích, tìm hiểu hết rõ mọi vấn đề của bài học. Do đó, cần phải có thêm thời gian học thêm sau giờ học chính khóa.

Thầy Nguyễn Bảo Quốc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định cho rằng, gốc rễ của mọi vấn đề, sự mệt mỏi cũng như áp lực của học sinh Việt Nam hiện nay là nằm ở chương trình học quá nặng nề.

So với Việt Nam, nhiều nước trên thế giới hiện nay thời khóa biểu của học sinh chỉ có 5 tiết/ngày mà học 2 buổi. Còn với chương trình giáo dục hiện hành của Việt Nam, nếu học sinh học 2 buổi thì phải đảm bảo 8 tiết, mỗi tiết 45 phút. Đó là chưa kể thêm các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm…

“Hy vọng, chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới sẽ bớt nặng nề, bớt kiến thức hàn lâm, học sinh sẽ bớt áp lực và có nhiều thời gian nghỉ ngơi, khám phá bản thân nhiều hơn”, thầy Quốc nói.